Cô Phạm Thị Thu Ba luôn ghi nhớ lời dạy của ông và cha mình, đạo đức của người giáo viên là điều quan trọng nhất trong việc dạy người |
Có hơn 37 năm trong nghề dạy học, thầy Phạm Ngọc Công hiện là Hiệu trưởng Trường TH Văn Bân (Mộ Đức, Quảng Ngãi) luôn giữ cho mình một nếp sống chuẩn mực từ trong gia đình đến trường học. Dạy học cho trẻ là nghề được định hướng từ chính người cha của mình, sau đó ông tiếp tục truyền lửa cho con. 3 thế hệ trong gia đình từ ông, cha và con tiếp tục gắn bó với nghề giáo.
Mỗi dịp 20-11 đến, thầy Phạm Ngọc Công đứng trước bàn thờ để tưởng nhớ đến vong linh người cha và cũng là người thầy thân yêu đã định hướng, dìu dắt con, cháu mình vững bước trên con đường dạy chữ, dạy người cho thế hệ trẻ.
Cha của ông dạy tiểu học trường làng từ trước giải phóng, đến khi đất nước được độc lập, sau khi con cái đã tiếp nối nghề của mình, ông mới nghỉ. Ngành giáo dục đã có những thăng trầm theo từng giai đoạn của đất nước. Nhiều lúc thầy Phạm Ngọc Công tưởng chừng mình phải bỏ nghề, nhưng nhớ lời dạy của cha, thầy đã vượt qua những giai đoạn khó khăn để trụ bám với nghề.
Đất nước những năm 80 của thế kỷ trước gặp muôn vàn khó khăn. Ngành giáo dục trong giai đoạn này vẫn chưa được xem trọng. Người giáo viên phải rất vững tâm với nghề mới có thể vượt qua được khó khăn này. Ông tâm sự: “Giai đoạn bao cấp sau ngày giải phóng rất khó khăn. Lúc đó con của chúng tôi còn nhỏ. Ba tôi động viên rằng, ngành giáo dục là nơi bình yên của tâm hồn, vật chất không đủ đầy, nghèo về vật chất nhưng rất giàu về tình cảm, tình người. Từ đó chúng tôi cũng đã định hướng cho con cái của mình là tiếp tục đi vào ngành giáo dục”.
Người cha giờ đã mất, hai anh em thầy Phạm Ngọc Công đã nối nghiệp cha và tiếp tục định hướng cho con theo nghề dạy học. Hơn 30 năm làm nghề dạy học, ông Công đã góp công rất lớn vào việc xây dựng các trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia tại địa phương. Tâm nguyện và triết lý dạy chữ, dạy người của cha đã nâng bước cho gia đình vượt qua những khó khăn trong cuộc sống. Dạy chữ, dạy người cũng chính là điều giúp cho ông vững tâm hơn trong cái nghiệp của mình. Điều quan trọng nhất phải dạy các em học sinh biết lẽ phải, biết đối nhân xử thế, biết nhìn nhận cái đúng cái sai ở đời. Điều đó phải được dạy từ bé, và được dạy trong môi trường đạo đức lành mạnh, phải dạy bằng chính người thầy có đạo đức, có cái tâm trong sáng. Ông vẫn thường xuyên dặn dò các con rằng, muốn cảm hóa được học trò, không phải bằng lời nói, mà làm thế nào để các em nhìn vào bản thân mình để học tập, nhìn những việc mình làm để noi gương. Ông tâm sự: “Ba tôi, đến tôi, rồi đến các con của tôi, đều được răn dạy, trước hết hãy noi gương những người trong gia đình, những đồng nghiệp. Làm thế nào phải chuẩn mực, để tiếng nói của mình, tự bản thân mình có thể giáo dục cho học sinh. Thay vì lời nói, các con phải tự khẳng định mình khi đứng trên bục giảng”.
Hai vợ chồng thầy Phạm Ngọc Công là giáo viên, có 4 người con, thì 2 người theo nghiệp cha mẹ, một người dạy ở thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng, còn người con gái thứ 2 là Phạm Thị Thu Ba đang là giáo viên của Trường THCS Chánh Lộ, TP.Quảng Ngãi. Đến nay, cô Phạm Thị Thu Ba đã theo nghiệp ông, cha gần 15 năm. Truyền thống dạy học của gia đình đã thấm vào máu của cô giáo Thu Ba từ ngày còn ngồi trên ghế nhà trường.
Trân trọng và tiếp nối truyền thống dạy học của gia đình mình, cô Phạm Thị Thu Ba luôn giữ vững và phát huy truyền thống ấy. Đối với cô giáo Thu Ba, học tập và noi gương từ chính những người trong gia đình mình, phải giữ đạo đức nghề giáo, phải trân trọng điều đó, phải biết gìn giữ những giá trị mà ông cha ta đã đúc kết để truyền đạt lại cho học sinh. Đó là đều quý báu nhất của người giáo viên. Cô giáo Thu Ba tâm sự: “Muốn sang thì bắc cầu Kiều. Muốn con hay chữ phải yêu lấy thầy. Với truyền thống tôn sư trọng đạo, từ ông nội của em cũng đã suy nghĩ về vấn đề đó, đến ba em, đến em đều hiểu điều đó nên đã chọn nghề giáo. Từ nhỏ sống trong môi trường giáo dục nên đã thấm nhuần vào mình. Khi lớn lên, em cố gắng phấn đấu để trở thành nhà giáo. Em nghĩ đây là nghề xã hội rất trân trọng, rất yêu quý, và rất đạo đức. Trong nền kinh tế thị trường, một số bộ phận giáo viên về đạo đức có cái gì đó hơi chệch hướng. Nhưng em nghĩ rằng, đa số giáo viên vẫn luôn giữ được đạo đức của mình. Không đơn giản là nhà dạy học, mà là nhà giáo dục, nên phải dùng nhân cách, đạo đức của mình để dạy các em chứ không chỉ dùng kiến thức trên lớp để dạy”.
Vượt qua những thăng trầm của nghề giáo, 3 thế hệ trong gia đình thầy Phạm Ngọc Công đã trụ vững và đóng góp công sức cho ngành giáo dục tỉnh nhà. Truyền thống tôn sư trọng đạo, gìn giữ giá trị đạo đức của người thầy đã tiếp sức cho các thành viên trong gia đình thầy vững tin hơn trong sự nghiệp trồng người.
Bài, ảnh: Phước Trung
Bình luận (0)