Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

3 yếu tố quyết định một kỳ thi thành công

Tạp Chí Giáo Dục

Chuẩn bị cho một kỳ thi quốc gia THPT năm 2015, Bộ GD-ĐT đã đưa ra quy chế thi và xét tuyển ĐH, CĐ để lấy ý kiến dư luận. Là một trong những trường ĐH thuộc ĐH vùng lớn của cả nước, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm – ĐH Thái Nguyên, PGS.TS Phạm Hồng Quang đã chia sẻ với báo chí những kiến nghị của mình xung quanh dự thảo quy chế thi của bộ.
Ông Quang cho biết: Về mặt chủ trương tôi hoàn toàn ủng hộ Bộ GD-ĐT, nhưng cũng có những đề xuất thêm. Thứ nhất là theo các nhóm môn, về cơ bản các khoa cũng như hội đồng nhà trường chọn những nhóm môn tạo cơ hội cho nhiều sinh viên. Tôi thấy có điểm rất hay là nhiều ngành kể cả ngành tự nhiên cũng có thể đề xuất xét cả những nhóm môn liên quan đến ngành xã hội. Bởi đối với sư phạm, việc này có ý nghĩa lớn. Đối với giảng viên, giáo viên sư phạm, năng lực giao tiếp, năng lực hiểu biết các vấn đề xã hội rất có ý nghĩa.
Thứ hai là ngoài việc xét điểm, các trường còn có thể đưa thêm ra các yêu cầu khác để tuyển được những thí sinh đáp ứng yêu cầu của mình như  chọn những học sinh có kết quả 3 năm THPT có hạnh kiểm, kết quả rèn luyện từ khá trở lên. Đối với trường sư phạm, đây cũng là yếu tố quan trọng. Vì sau này, họ sẽ làm thầy thì ít nhất, 3 năm học phổ thông phải có tư cách đạo đức tốt, không vi phạm khuyết điểm gì nghiêm trọng.
Thứ ba là bằng cách cho các trường được tự chủ tuyển sinh nên trong thời gian tới, các trường sư phạm có thể sẽ nghĩ đến chuyện thi thêm năng khiếu, năng khiếu ở đây có thể là năng khiếu tổng hợp. Trong suốt nhiều năm, ngành sư phạm thể thao, sư phạm mỹ thuật cũng đã làm việc này.  Nhưng đây là năng khiếu đặc thù. Còn năng khiếu tổng hợp để vào sư phạm thì phải thiết kế riêng. Ví dụ như sinh viên tốt nghiệp sư phạm phải có khả năng giao tiếp mạch lạc, rõ ràng, phải có cấu trúc, và khả năng viết phải sâu sắc.
PV: 2015, lần đầu tiên ngành giáo dục tổ chức một kỳ thi với 2 mục tiêu là tốt nghiệp và làm căn cứ tuyển sinh ĐH, CĐ. Nhận định của ông về mức độ thành công của kỳ thi này như thế nào, thưa ông?
Theo tôi, có 3 điểm quan trọng mà tôi tin sẽ thành công. Thứ nhất là nội dung thi. Trong 2 năm vừa qua chúng ta đã chuẩn bị rất tốt điều này, các dạng đề thi mở sử dụng những kiến thức tổng hợp để đánh giá năng lực người học. Tôi cho rằng với xu hướng hiện nay thì đề thi sử dụng những kiến thức tổng hợp là tốt, sẽ phân loại được mức nào tốt nghiệp, mức nào vào ĐH. Với dải thang điểm 20 là rất khoa học và hợp lý.
Thứ hai là hình thức tổ chức thi. Mặc dù nói có vẻ phức tạp nhưng theo tôi là bình thường. Vì các trường ĐH đã có kinh nghiệm làm việc này. Thí sinh cũng không phải di chuyển hết đến các trường. Về mặt số lượng, ở các địa phương, theo tôi cũng không nhiều vì chỉ những thí sinh không có nhu cầu xét tuyển ĐH thì sẽ thi ở địa phương.  Tôi cho rằng, tổ chức như kế hoạch của bộ là tốt. Điều tôi muốn nhấn mạnh đó là trách nhiệm của địa phương, của các trường ĐH thế nào để có hiệu quả tốt.
Thứ 3, là niềm tin của xã hội. Những người hiểu về vấn đề quản lý thì chắc sẽ ủng hộ. Còn phụ huynh hoặc bản thân học sinh thì có người thuận lợi nhưng cũng có người khó khăn. Việc ủng hộ hay không ủng hộ thì vẫn theo quy định chung sẽ không có vấn đề gì lớn. Tôi tin rằng, kỳ thi này thành công sẽ tạo tiền đề thuận lợi cho việc thay đổi chương trình phổ thông. Điều thay đổi lớn nhất tôi nghĩ đó là người học sẽ phải thay đổi mục đích học của mình. Học phổ thông không phải chỉ vào ĐH mà là tạo kiến thức nền tảng để học sinh bước vào đời. 
Xin cảm ơn ông!
N.Huê – K.Khang (thực hiện)

Bình luận (0)