Ông Lee Sing Kong, Giám đốc Học viện Giáo dục Singapore nhận định, trong bối cảnh ngành giáo dục đang thay đổi trên toàn thế giới thì hiệu trưởng phải là người có năng lực, tư duy mới đáp ứng được nhu cầu.
Sáng 10/12, Bộ GD&ĐT tổ chức tổng kết đề án "Xây dựng và triển khai chương trình hiệu trưởng trường phổ thông theo chương trình liên kết Việt Nam – Singapore". Số người được bồi dưỡng trong các năm 2008-2010 là 30 nghìn. Mục tiêu của dự án nhằm phát triển năng lực lãnh đạo của hiệu trưởng trường phổ thông Việt Nam.
Chia sẻ tại hội nghị tổng kết, Hiệu trưởng THCS Song Hồ (Thuận Thành, Bắc Ninh) Vương Toản cho biết, từ sau khóa học liên kết, ông đã có nhiều kinh nghiệm trong quá trình quản lý. Theo đó, tất cả giáo viên của trường đều phải đổi mới phương pháp dạy từ hình thức đọc chép sang giao quyền nhiều hơn cho học sinh, để các em được nói, được suy nghĩ và làm việc. Cách học của học sinh cũng được áp dụng từ "lướt" đến "đọc".
Giám đốc học viện Giáo dục Singapore cho rằng mỗi giáo viên phải tự ý thức học hàng ngày để biết thêm kiến thức và kinh nghiệm. Ảnh: Hoàng Thùy. |
"Trong mỗi giờ chào cờ tôi cho mời một học sinh đạt kết quả xuất sắc nhất lên chia sẻ kinh nghiệm học, làm gương cho học sinh khác noi theo. Chúng tôi cũng không đánh giá học sinh hư mà chỉ nói là học sinh chưa ngoan, hay không nói học sinh yếu mà thay bằng học sinh chưa đạt chuẩn kiến thức. Tất cả điều đó đã đem lại hiệu quả rất lớn trong công tác giáo dục của trường", thầy Toản chia sẻ.
Ông Lee Sing Kong, Giám đốc Học viện Giáo dục Singapore nhận định, trong bối cảnh ngành giáo dục đang thay đổi trên toàn thế giới thì hiệu trưởng phải là người có năng lực, tư duy mới đáp ứng được nhu cầu.
"Hiệu trưởng hãy chuyển những gì mình có cho học sinh. Mỗi nhà giáo là tấm gương lớn nhất của học trò nên phải tự nhắc mình mỗi ngày có thêm một kiến thức, một kinh nghiệm mới", ông Lee Sing Kong nói.
Từ năm 2008, với sự giúp đỡ của Bộ Giáo dục Singapore và quỹ Teamasek, Bộ GD&ĐT đã tổ chức cho 150 giảng viên cấp quốc gia và 320 giảng viên cấp tỉnh tham dự dự án. Sau khi tiếp cận, học tập cùng với sự giúp đỡ của giảng viên Học viện Giáo dục Singapore, 36 giảng viên khóa 1 cấp quốc gia đã xây dựng chương trình, biên soạn tài liệu.
Năm 2009, dự án bồi dưỡng cho hơn 13,2 nghìn hiệu trưởng. Năm 2010 bồi dưỡng cho 17.000 hiệu trưởng và cán bộ quản lý giáo dục.
Theo Hoàng Thùy
(vnexpress)
Bình luận (0)