Ngày 4/2, Phòng Cảnh sát giao thông Đường sắt-Đường bộ (Công an thành phố Hà Nội) cho biết, trong đợt 2 ra quân xử lý vi phạm quy định về nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ (từ 15/1 đến 21/1), cơ quan chức năng đã xử phạt 212 trường hợp vi phạm, phạt tiền trên 320 triệu đồng.
Tất cả các trường hợp trên đều tạm giữ phương tiện, tùy theo mức độ vi phạm có số ngày tương ứng.
Sau 30 ngày của 2 đợt ra quân, gần 700 tài xế "ma men" đã bị Cảnh sát giao thông Hà Nội xử lý. (Ảnh minh họa: TTXVN)
Trong số trường hợp vi phạm bị cơ quan chức năng xử lý trong đợt ra quân này phần lớn là người điều khiển môtô (203 trường hợp), còn lại là ôtô (9 trường hợp).
Trước đó, từ ngày 15/12 đến 31/12/2014, Cảnh sát giao thông Hà Nội đã triển khai đợt ra quân 1, xử phạt 464 trường hợp vi phạm, phạt tiền trên 754 triệu đồng.
Như vậy, sau 30 ngày của 2 đợt ra quân xử lý vi phạm nồng độ cồn, Công an Hà Nội đã xử phạt tổng cộng 676 trường hợp vi phạm, phạt tiền trên 1 tỷ đồng.
Được biết, đây là kế hoạch ra quân nhằm hạn chế đến mức thấp nhất số vụ tai nạn giao thông do rượu bia gây ra, nhất là vào dịp cuối năm, từ ngày 15/12/2014, Phòng Cảnh sát giao thông Đường bộ-Đường sắt (Công an Hà Nội) bắt đầu mở đợt cao điểm xử lý vi phạm qui định về nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ trong dịp cuối năm. Đợt 1 từ ngày 15/12-31/12/2014, đợt 2 từ ngày 15/1-31/1 và đợt 3 từ ngày 15/2-28/2.
Trao đổi với phóng viên, đại diện lãnh đạo Phòng Cảnh sát giao thông Đường bộ-Đường sắt (Công an Hà Nội) cho biết: “Gần Tết Âm lịch tình trạng người điều khiển phương tiện có nồng độ cồn vượt quá quy định thường tăng lên. Để giảm thiểu các vụ tai nạn giao thông đáng tiếc do sử dụng rượu bia, chúng tôi sẽ tiếp tục kiểm tra quyết liệt. Các đội Cảnh sát giao thông trên địa bàn Hà Nội thành lập các tổ xử lý theo chuyên đề và chia làm hai ca từ 12-16 giờ và 18-22 giờ hàng ngày.”
Nghị định 71/2012/NĐ-CP quy định người điều khiển xe ôtô trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50-80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25-0,4 miligam/lít khí thở sẽ bị phạt tiền từ 8-10 triệu đồng; Hành vi này đối với người điều khiển xe môtô, xe gắn máy bị phạt từ 500.000-1.000.000 triệu đồng.
Trường hợp người điều khiển xe ôtô trên đường trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/lít khí thở bị phạt tiền từ 10-15 triệu đồng. Đối với người điều khiển xe môtô, xe gắn máy, hành vi vi phạm này bị phạt từ 2-3 triệu đồng.
Ngoài việc bị phạt tiền, người điều khiển phương tiện vi phạm còn bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 30 đến 60 ngày tùy theo mức độ vi phạm./.
Võ Phương
(Vietnam+)
Bình luận (0)