Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

30 người chết vì sốt xuất huyết

Tạp Chí Giáo Dục

Dịch sốt xuất huyết đang bước vào đỉnh điểm với số ca mắc tăng nhanh, với những biểu hiện đa dạng, biến chứng nguy hiểm, gây tử vong nhanh

Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), 6 tháng đầu năm 2012, cả nước ghi nhận hơn 26.200 trường hợp mắc sốt xuất huyết (SXH), trong đó 30 ca tử vong. Đặc biệt, năm nay dịch SXH giảm ở khu vực miền Bắc nhưng lây lan mạnh ở khu vực miền Trung và Tây Nguyên. So với 6 tháng đầu năm 2011, số ca mắc ở miền Trung tăng 71%, miền Nam tăng 23% và Tây Nguyên tăng 40%. So với năm 2011, tổng số ca SXH cả nước tăng 24%.
Theo TS Nguyễn Văn Bình, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, phần lớn số ca mắc SXH vẫn tập trung ở các tỉnh phía Nam (chiếm gần 90%). Địa phương có số ca mắc SXH tăng cao nhất là Kiên Giang 260%, kế đến là Bà Rịa – Vũng Tàu tăng 150%, Đắk Nông tăng 120%…
Ông Bình cho biết dịch SXH tăng nhanh từ tháng 5 và kéo dài đến khoảng tháng 11. Theo quy luật, đỉnh dịch thường rơi vào từ tháng 7 – 9 hằng năm. Riêng tháng 6-2012, cả nước ghi nhận gần 8.000 ca SXH. Trong tổng số mắc SXH 6 tháng đầu năm 2012, trẻ dưới 15 tuổi chiếm 55% (hơn 4.300 trường hợp). Đây cũng là độ tuổi có tỉ lệ tử vong do SXH cao nhất (chiếm 66,7%).

So với các vùng miền, tỉ lệ mắc SXH ở miền Bắc giảm tới 42%, đến thời điểm này miền Bắc mới chỉ ghi nhận khoảng hơn 400 ca mắc. Tuy nhiên, theo PGS-TS Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, không phải số mắc thấp mà người dân chủ quan với dịch. “Theo thông lệ, SXH ở miền Bắc thường đến muộn hơn, khoảng tháng 9 – tháng 10 là mùa mưa, điều kiện thuận lợi cho muỗi phát triển và gây dịch”- ông Nguyễn Trần Hiển cho biết.

Các chuyên gia dịch tễ nhận định nguyên nhân của dịch SXH gia tăng trên diện rộng là do chưa có vắc-xin phòng ngừa, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu bệnh này và do sự chủ quan, thiếu ý thức phòng, chống dịch bệnh.

Đáng lo ngại là SXH hiện đang lưu hành đồng thời cả 4 type virus Dengue gây bệnh SXH gồm: D1, D2, D3, D4. Cụ thể, miền Nam và miền Trung ghi nhận cả 4 type virus trong đó phần lớn là D1 và D3, khu vực Tây Nguyên chủ yếu lưu hành virus D1 và D2. PGS-TS Nguyễn Trần Hiển cho rằng: Một người đã từng nhiễm virus SXH sẽ miễn dịch với chủng virus đó nhưng vẫn có khả năng nhiễm một chủng virus khác và nhiễm bệnh lần 2 thường nặng hơn lần đầu. Cho nên, dù có mắc một chủng virus này thì vẫn có nguy cơ mắc bệnh trong những năm sau đó với các chủng virus khác.

Người dân nên hợp tác với cán bộ y tế
PGS-TS Nguyễn Trần Hiển khuyến cáo người dân cần hợp tác với cán bộ y tế trong phòng chống SXH. Không nên tự ý mua hoặc thuê người phun hóa chất diệt muỗi. Phun hóa chất nào, nồng độ bao nhiêu để có tác dụng diệt muỗi nhưng không làm tăng khả năng kháng thuốc của muỗi phải do cơ quan y tế dự phòng địa phương quyết định.
“Trên thực tế, có những loại hóa chất có tác dụng diệt muỗi ở khu vực này nhưng lại không hiệu quả ở khu vực khác. Chính vì thế, hằng năm, chúng tôi đều giám sát chặt chẽ, thử khả năng kháng hóa chất của muỗi để đưa ra khuyến cáo về loại hóa chất sử dụng hiệu quả nhất” – ông Nguyễn Trần Hiển cho biết.

NGỌC DUNG (NLĐ)

Bình luận (0)