Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

30% phim Việt chiếu trên truyền hình: Không khả thi

Tạp Chí Giáo Dục

Nhiều ý kiến không tán thành quy định trong dự thảo Luật Điện ảnh về thời lượng phát sóng phim truyện Việt ít nhất 30% so với tổng thời lượng phát sóng phim của mỗi đài truyền hình

Hội nghị – hội thảo triển khai Luật Điện ảnh, đóng góp ý kiến xây dựng dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Điện ảnh đã được Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) tổ chức chiều 26-9 tại Hà Nội dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Tạ Quang Đông.

Lấy đâu ra nguồn phim để phát sóng?

Ông Đỗ Thanh Hải, Phó Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam (VTV), đề nghị xem xét lại quy định thời lượng phát sóng phim truyện Việt Nam đạt ít nhất 30% so với tổng thời lượng phát sóng phim của mỗi đài truyền hình trong dự thảo. Ban soạn thảo cần làm rõ tỉ lệ 30% áp dụng đối với tổng thời lượng phát sóng phim, bao gồm 5 loại hình quy định trong Luật Điện ảnh, hay áp dụng đối với tổng thời lượng phim truyện?

"Cần làm rõ tỉ lệ 30% đối với tổng thời lượng phim của mỗi đài truyền hình chỉ áp dụng đối với các kênh truyền hình quảng bá hay cả các kênh truyền hình trả tiền, các gói dịch vụ trên nền tảng internet và di động?" – ông Đỗ Thanh Hải nói. Ông Hải cũng cho rằng quy định về tỉ lệ phát sóng phim Việt Nam là 30% theo quy định tại dự thảo cần phải được xây dựng đồng bộ với các chính sách khuyến khích sản xuất phim Việt Nam để bảo đảm tính khả thi của quy định, tránh trường hợp cung không đủ cầu, dẫn tới tăng giá bản quyền phim do các đơn vị phát sóng phải cạnh tranh để mua bản quyền.

Đại diện VTV đề xuất tỉ lệ phát sóng phim truyện Việt Nam là 10% thay vì 30%. Trong trường hợp quy định này áp dụng đối với toàn bộ hệ thống các kênh truyền hình, bao gồm truyền hình trả tiền và tổng thời lượng phát sóng phim được hiểu là tổng thời lượng phát sóng phim truyện.

30% phim Việt chiếu trên truyền hình: Không khả thi - Ảnh 1.

Một cảnh trong phim “Thông gia ngõ hẹp” phát sóng trên VTV. Ảnh: Hoàng Dương

Hội nghị cũng đề cập về điều 12 và 13 dự thảo nghị định quy định "Trước khi phổ biến phim trên không gian mạng, doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp, tổ chức thực hiện hoạt động phổ biến phim trên mạng phải sử dụng tài khoản do Bộ VH-TT-DL (Cục Điện ảnh) cấp quyền truy cập để đăng tải hoặc cập nhật thông báo danh sách phim sẽ phổ biến và kết quả phân loại phim thông qua Hệ thống dữ liệu về phân loại phim của Bộ VH-TT-DL". Bên cạnh đó, đơn vị phổ biến phim trên không gian mạng phải gửi báo cáo qua đường bưu điện, trực tiếp hoặc qua email đến Bộ VH-TT-DL.

Đại diện VTV cho rằng quy định này đang gây vướng mắc trong thực tế. Vì điều 20 Luật Điện ảnh quy định cơ quan báo chí được phép phổ biến phim trên hệ thống truyền hình khi có giấy phép hoạt động truyền hình và có quyết định phát sóng để phổ biến phim trên hệ thống truyền hình Việt Nam hoặc phổ biến phim trên gói dịch vụ truyền hình theo yêu cầu, trên dịch vụ truyền hình theo yêu cầu trên không gian mạng.

Đối chiếu từ điều 20 Luật Điện ảnh và căn cứ tình hình hoạt động báo chí của VTV và các đài phát thanh – truyền hình, VTV đề nghị cần loại trừ các đài phát thanh – truyền hình ra khỏi đối tượng, phạm vi áp dụng của điều 12 và 13.

Điều 21 của dự thảo về thành lập Quỹ Hỗ trợ phát triển điện ảnh quy định quỹ hình thành từ nhiều nguồn, trong đó có 0,5% doanh thu từ hoạt động quảng cáo trong chương trình phim chiếu trên truyền hình.

TS Trần Thị Phương Lan, Phó Vụ trưởng Vụ Văn hóa – Văn nghệ, Ban Tuyên giáo Trung ương, cho rằng do tính bắt buộc của khoản đóng góp này, về bản chất, đây sẽ là một khoản thuế bổ sung của doanh nghiệp, đánh lên các sản phẩm phim được phổ biến tại Việt Nam, làm tăng gánh nặng tài chính cho doanh nghiệp. Khoản thuế này sẽ được chuyển tiếp lên người tiêu dùng, trực tiếp ảnh hưởng đến quyền lợi của người xem tại Việt Nam.

Về mặt pháp lý, quy định này không phù hợp với các quy định về thuế, phí trong pháp luật Việt Nam hiện hành. Luật Điện ảnh 2022 không quy định doanh nghiệp có nghĩa vụ phải đóng góp vào quỹ, do đó bà Trần Thị Phương Lan đề nghị không quy định yêu cầu bắt buộc trích doanh thu từ các doanh nghiệp phổ biến phim tại rạp, xuyên biên giới, truyền hình trả tiền, doanh thu từ hoạt động quảng cáo để đóng góp vào Quỹ Hỗ trợ phát triển điện ảnh.

Đại diện VTV cũng đề nghị bỏ quy định trích 0,05% tiền thuê bao của truyền hình trả tiền; 0,5% doanh thu từ hoạt động quảng cáo trong chương trình phim chiếu trên truyền hình cho Quỹ Hỗ trợ phát triển điện ảnh. Theo lý giải của đơn vị này, doanh thu từ thuê bao của truyền hình trả tiền đến từ nhiều nội dung khác nhau như các chương trình thể thao, văn hóa, game show, phim… và không phải chỉ từ nguồn duy nhất là phim.

Trong trường hợp các đơn vị truyền hình trả tiền đầu tư sản xuất kênh dưới hình thức liên kết và khai thác quảng cáo trên các chương trình phim thì theo dự thảo, các đơn vị này sẽ phải vừa nộp vào quỹ 0,05% doanh thu thuê bao vừa phải nộp 0,5% doanh thu từ quảng cáo, quy định như vậy là không hợp lý và là phí chồng phí.

Ông Đỗ Thanh Hải đề xuất cần hướng tới quy định các đơn vị sở hữu kênh, các đơn vị cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền, các đơn vị cung cấp nội dung xuyên biên giới cam kết trích một tỉ lệ phần trăm doanh thu nhất định để đầu tư sản xuất phim Việt Nam.

Góp ý cho quy định “Doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp, tổ chức thực hiện hoạt động phổ biến phim trên không gian mạng phải xử lý phản ánh, khiếu nại, báo cáo của người sử dụng dịch vụ chậm nhất trong 48 giờ kể từ khi nhận được báo cáo của người sử dụng dịch vụ; tạm khóa hoặc gỡ bỏ các nội dung bị phản ánh, khiếu nại, báo cáo nếu phản ánh, khiếu nại, báo cáo là đúng”, Phó Tổng Giám đốc VTV Đỗ Thanh Hải cho rằng trong bối cảnh xã hội hiện nay, việc tranh luận, bất đồng quan điểm dẫn đến các phản ánh, khiếu nại, báo cáo rất đa dạng. Vì vậy nên xem xét bổ sung quy định “Phải tạm khóa hoặc gỡ bỏ nội dung bị phản ánh, khiếu nại, báo cáo nếu các phản ánh, khiếu nại, báo cáo có căn cứ xác đáng, hợp pháp hoặc có phân xử của cơ quan có thẩm quyền”.
Theo Yên Anh/NLĐO

 

Bình luận (0)