Một lớp học cho thanh niên ở Củ Chi. Ảnh: N.Đ |
TP.HCM là địa phương duy nhất trong cả nước đã hoàn thành phổ cập bậc THPT. Tuy vậy, hiện thành phố vẫn còn tới 300 ngàn người trên 35 tuổi mù chữ, trình độ của đội ngũ công nhân – nông dân còn rất thấp… Đó là những thông tin được đưa ra tại Hội nghị sơ kết 4 năm thực hiện Chương trình hành động số 27-CTr/TU do Sở GD-ĐT và Hội Khuyến học TP tổ chức sáng 10-11.
Người dân có thêm điều kiện tiếp cận tri thức
Sau 4 năm triển khai Chương trình hành động số 27-CTr/TU của Ban Thường vụ Thành ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, mạng lưới hội khuyến học (HKH) đã được phủ kín đến 24 quận, huyện và 322 phường, xã, thị trấn… Năm 2007, toàn TP có 2.158 chi hội KH với tổng số 265.190 hội viên. Đến tháng 8-2011 đã phát triển lên 2.834 chi hội với tổng số hội viên là 471.067, đạt 5,8% tỷ lệ dân số.
Trong đó, tại Q.10, HKH đã được phủ kín từ quận xuống phường, khu phố, tổ, hội và cơ quan đóng trên địa bàn. Đặc biệt là 28/28 trường học có HKH, gần 84% lớp học có HKH. Theo đó, số học sinh nghèo trên địa bàn đã được quan tâm nhiều hơn và sâu sát hơn. Không còn tình trạng một học sinh nghèo nhận tới 3-4 suất học bổng, trong khi nhiều học sinh nghèo khác thì không có.
Chương trình học bổng Khuyến tài của HKH TP, sau 11 năm đã trao học bổng cho 1.438 sinh viên. Hơn một nửa trong số đó đã ra trường và trở thành những công dân có ích cho xã hội. Ông Nguyễn Văn Cải, Phó hiệu trưởng Trường THPT Quang Trung (H.Củ Chi) là 1 trong 5 sinh viên được nhận học bổng Khuyến tài đầu tiên, giờ đang hoạt động trong Câu lạc bộ học bổng Khuyến tài cho biết: “Những mạnh thường quân hỗ trợ học bổng không chỉ là những người khá giả mà ngay cả chị bán rau cải ở chợ, bác xe ôm cũng tham gia. Theo đó những sinh viên được nhận học bổng càng cố gắng học tập hơn”…
Từ năm 2008 đến 2010, các trung tâm học tập cộng đồng đã xóa mù cho 2.741 người, phổ cập THCS cho 12.756 người, phổ cập trung học cho 26.154 người. Bên cạnh đó, còn tổ chức các chuyên đề ngoại ngữ – tin học, tập huấn nông nghiệp, dạy nghề, tư vấn kinh tế gia đình cho 189.123 đối tượng…
Số lượng các trung tâm ngoại ngữ, tin học và bồi dưỡng văn hóa hiện nay là 627 trung tâm, tăng 350 trung tâm so với năm 2006. Đặc biệt, mạng lưới cơ sở giáo dục thường xuyên cũng được củng cố và phát triển, hiện có 30 trung tâm. Theo đó đã tạo điều kiện thuận lợi cho mọi người học tập ở bất kỳ thời gian nào, ở đâu…
Khoảng 300 ngàn người mù chữ
Công tác xóa mù chữ được đặc biệt quan tâm. Cuối mỗi năm, Sở GD-ĐT TP đều tiến hành kiểm tra kết quả xóa mù tại 100% phường, xã và thị trấn. Theo đó, tỷ lệ người biết chữ trong độ tuổi từ 15 trở lên đạt 98,25% (năm 2010), tỷ lệ người biết chữ trong độ tuổi từ 15-35 đạt 99,76%.
Tuy vậy, “Công tác xóa mù chữ vẫn còn một số hạn chế. Cụ thể, tỷ lệ người mù chữ độ tuổi từ 36 trở lên còn cao ở một số quận huyện như Q.4, 6, 7, 8, 11, Bình Thạnh, Gò Vấp, Bình Tân, Bình Chánh, Củ Chi, Nhà Bè, Cần Giờ. Tỷ lệ người mù chữ là nữ độ tuổi 36 trở lên chiếm 47,99% trong tổng số người mù chữ, người dân tộc còn mù chữ là 2,09%…”, ông Hồ Quốc Ánh – Phó phòng GD thường xuyên Sở GD-ĐT TP.HCM cho biết.
Ông Nguyễn Văn Hanh, Chủ tịch HKH TP cũng cho biết: “Trình độ văn hóa của người lao động ở nhiều công ty, xí nghiệp vẫn còn thấp. Nguyên nhân là do các chủ doanh nghiệp chỉ quan tâm đến lợi nhuận chứ ít quan tâm đến người lao động. Đây là một vấn đề cần phải được xem xét giải quyết trong thời gian tới…”
Theo ông Nguyễn Tiến Đạt, Bí thư Đảng ủy, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM thì, trung bình mỗi ngày TP.HCM có khoảng 2 triệu học sinh – sinh viên tới trường học tập. Và ban đêm có khoảng 500 ngàn người tới các trung tâm văn hóa để học tập. Bên cạnh đó cũng có hàng trăm ngàn người, hàng trăm ngàn thanh niên nhậu nhẹt, lêu lổng. “Vì vậy, công tác xây dựng xã hội học tập cần phải đẩy mạnh hơn nữa”, ông Đạt nhấn mạnh.
Vì vậy, trong thời gian tới, đối với các trường cần động viên CB-GV-CNV tích cực học tập để ngày hôm sau có nhiều tri thức hơn ngày hôm trước. Giữ vững hiệu suất đào tạo, chống lưu ban, bỏ học, CB-GV-CNV phải nhận thức được một học sinh bỏ học cũng giống như một đứa con bỏ nhà ra đi…
“TP.HCM vẫn còn khoảng 300 ngàn người trên 35 tuổi mù chữ. Xóa mù cho các đối tượng này không dễ, chúng ta không thể mở lớp như với những đối tượng dưới 35 tuổi mà phải dạy chữ mọi lúc mọi nơi. Và phải là một người kèm một người, chẳng hạn như con dạy cho bố mẹ, em dạy cho anh chị…”, ông Đạt khẳng định.
Hòa Triều
Bình luận (0)