Họa sĩ Nguyễn Thượng Hỷ – một đời đam mê kiến trúc cổ
|
Trên những cung đường miền Trung lắm nắng nhiều mưa, họa sĩ Nguyễn Thượng Hỷ vẫn miệt mài những chuyến đi không mỏi, ngược rừng, xuôi biển tìm tòi, khám phá những đền đài, những ngôi nhà cổ. Chợt nghiệm ra rằng, suốt 35 năm qua, người họa sĩ ấy đã quăng quật những giọt mồ hôi để giành giật sự trường tồn cho những ngôi nhà cổ – tinh hoa văn hóa của cha ông!
Trọn nghiệp đam mê
Không phải ngẫu nhiên mà những cụ già ở xứ Mỹ Sơn (Quảng Nam) thường gọi họa sĩ Nguyễn Thượng Hỷ là “chú hay lên ti vi” rồi hào phóng bán thực phẩm thật rẻ cho anh. Anh cười hiền nói rằng, đó chính là hồn cốt của quê, cũng là điều thôi thúc anh, tiếp thêm động lực cho anh trên bước đường tìm lại dấu xưa, nhà cổ.
Sinh ra và lớn lên ở Huế, năm 1979, tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật, Nguyễn Thượng Hỷ khăn áo rời cố đô, đến công tác tại Trung tâm Bảo tồn di tích Quảng Nam – Đà Nẵng. Mang trong mình một chút “phiêu” của người họa sĩ cùng niềm đam mê những công trình cổ xưa đã thôi thúc anh kiếm tìm, nghiên cứu. Với anh, niềm đam mê ấy luôn thường trực. Tranh thủ dịp cuối tuần, anh lọc cọc chiếc xe cà tàng, ba lô con cóc đựng vài ba bộ áo quần, tìm tới nơi nào có các công trình nhà, đền thờ lâu năm. Những năm 1980, người dân ở quanh vùng thánh địa Mỹ Sơn quen với hình ảnh của một Nguyễn Thượng Hỷ có vóc dáng mảnh khảnh, bất kể nắng, mưa vẫn miệt mài đo vẽ, dò tìm ở thánh địa này. Dấu chân anh in khắp nơi, mòn vẹt trên lối cỏ rậm rạp tạo thành lối mòn. Nhắc về những năm tháng ấy, anh khiêm tốn: “Hồi đó kiến trúc sư Kazic người Ba Lan vào Mỹ Sơn, Hội An nghiên cứu các di tích kiến trúc Chăm Pa và đô thị cổ, mình đi theo hỗ trợ ông ấy cho có bạn thôi”. Nói vậy! nhưng nếu không có anh, hẳn vị kiến trúc sư người ngoại quốc, lạ nước lạ cái sẽ khó khăn thế nào nếu thiếu người đồng hành cùng lăn lộn, đo vẽ trên từng viên gạch, hiện vật ở di tích Mỹ Sơn. Hơn 15 năm ở Mỹ Sơn, nhiều năm, anh đón Tết luôn chốn này. Anh lặng lẽ khám phá, phát hiện, đánh thức những kỹ thuật dựng đền tháp của người xưa cổ, đóng góp lớn vào công cuộc bảo tồn di sản nơi đây.
Anh đi khắp miền Trung, từ Bình Định, đến đảo Lý Sơn, Quảng Nam, Huế, Quảng Trị… khi ngược rừng, lúc xuôi biển. Anh bảo: “Mình phải làm điều gì đó để đánh thức các công trình cổ. Đó chính là chứng nhân văn hóa kiến trúc của cha ông”.
Ngót nửa đời người miệt mài nghiên cứu, làm hồ sơ phục dựng, anh đã làm thủ tục đề nghị công nhận di tích cho hàng chục ngôi nhà, đình chùa 3-4 trăm năm tuổi ở miền Trung.
Daifumi của Việt Nam
Duyên nợ với nghề, năm 1995, Nguyễn Thượng Hỷ tham dự khóa tu nghiệp do Đại học Showa tổ chức tại Nhật Bản về trùng tu kiến trúc cổ, dưới hướng dẫn của ông Fumio Tanaka. Ở đây, anh đã rút ra được nhiều bài học quý báu: “Người Nhật bảo tồn nhà cổ rất bài bản. Bao giờ những người thợ làm công tác bảo tồn cũng khảo sát, hạ giải, đánh giá mới tìm ra phương pháp trùng tu, bảo tồn thích hợp. Họ làm việc trách nhiệm, tỉ mẩn và khoa học”. Bài học ấy, anh đã áp dụng khi trở lại Việt Nam. Anh nói rằng, cái tâm của người làm “nghề” trước hết phải tôn trọng nguyên bản. Những tinh hoa văn hóa cha ông để lại ắt có nguyên lý, đúc rút từ kinh nghiệm hàng trăm năm, từ đời này qua đời khác. Bởi vậy chẳng có lý do gì để phá bỏ hoặc cố tình tôn tạo lại theo ý mình. “Khoa học phải cụ thể, tỉ mỉ. Dựa trên sự thật về chỉ số thông qua những công trình kiến trúc để lại chứ không thể đánh giá theo cảm quan”, anh nói. Những giọt mồ hôi anh lặng thầm đổ xuống, những công trình kiến trúc cổ ở các tỉnh miền Trung được tu bổ một cách bền vững, nét nguyên bản không bị đánh mất. Với những cống hiến ấy, đầu tháng 10-2014, anh vinh dự được nhận giải thưởng Daifumi – giải thưởng mang tên người thợ mộc danh tiếng Fumio Tanaka của Nhật Bản. “Mình bất ngờ lắm. Hạnh phúc nhất là giải thưởng mang tên chính người thầy, gần 20 năm trước từng dạy mình trong khóa học ở Nhật”. Anh trở thành người Việt Nam đầu tiên và duy nhất (tính đến thời điểm này) được Hội đồng tuyển chọn tặng thưởng quốc tế Daifumi vinh danh!
Trăn trở với quy hoạch kiến trúc cổ
Nghỉ hưu cách nay ba năm, nhưng với anh, người hưu chứ nghề không hưu. Anh nói: “Mỗi làng quê bị bê tông hóa, mỗi ngôi nhà cổ bị phá đi, chắp vá nửa hiện đại, phần truyền thống… lòng mình quặn thắt. Các nước khác, như Nhật Bản chẳng hạn, họ trùng tu, bảo tồn làng cổ có bài bản, dù cuộc sống có đủ đầy hiện đại đến đâu, đi qua ngôi làng của họ, ta vẫn thấy được cái hồn quê xưa cổ làm lòng mình dịu lại. Ở mình, trùng tu phần lớn chắp vá theo cảm quan, thậm chí đào xới, san ủi làm mất nguyên bản”.
Hôm nhận quyết định nghỉ hưu, anh về Mỹ Sơn, mua khoảnh đất dựng một ngôi nhà lá nhỏ, kết cấu chủ yếu bằng tre, mái lợp hai lớp bằng tranh và đất nện. Nhiều người bảo anh hâm khi từ chối cuộc sống đủ đầy cùng vợ con đề huề giữa thành phố Đà Nẵng. Duy chỉ có du khách Tây gật gù bảo anh giàu có nhất Mỹ Sơn. Hỏi giàu ra sao? Họ nói, anh có không gian vườn tược, cây cối, có nhà sinh thái phù hợp với thiên nhiên. Mùa đông ấm, mùa hè mát. Anh cười. Cái lý của anh chứng minh anh không gàn. Cơn bão năm trước đổ ập đến, bao nhiêu gia đình có nhà xây kiên cố đều bị gió tốc mái, phải sang trú nhờ nhà anh.
Mỗi tháng hai lần anh đón du khách nước ngoài. Khách tìm hiểu gì anh trả lời đó. Thời gian còn lại anh miệt mài với thước vẽ, rong ruổi khắp nơi. Anh nói, anh về Mỹ Sơn là để tiếp tục đam mê khám phá kiến trúc cổ trên đất nước này, những nơi anh chưa đến. Đôi mắt trầm sâu, anh say sưa nói về kiến trúc cổ. Ai cũng đọc được đam mê trong anh, nhưng khát khao cháy bỏng ấy không dễ gì thành hiện thực. Đâu đó người ta đồng tình với quan điểm của anh nhưng vào các cuộc thi kiến trúc không gian nhà, ý tưởng của anh bị loại thẳng tay, thay vào đó là những công trình bê tông kiên cố đạt giải. “Quy luật của sự phát triển”! Dù đau đáu nhưng anh không buồn. Cái buồn của anh nằm ở chỗ, trong khi các nhà quê thuần túy thì bị phá bỏ, thay vào đó người ta lại dựng lên những không gian giả tạo ở phố để hút khách. Giọng anh chùng xuống: “Mấy năm trước, mình có dự án bảo tồn làng cổ Lộc Yên (Tiên Phước) hy vọng sẽ giữ lại được đôi nét làng cổ. Nay con đường lát đá vào thôn bị san ủi. Người dân được đền bù đôi chút. Đường bê tông đổ phẳng phiu, nhưng kiến trúc cổ bị đánh mất vì nó”, giọng anh đầy tiếc nuối. “Mỗi kiến trúc cổ xứ này mất đi hoặc bị tái tạo hiện đại, mình thấy thắt lòng. Đã đành nhịp sống hiện đại…”. Ngừng giây lát, anh bảo: “Sắp tới mình sẽ ra miệt Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Kạn… tìm đến những làng quê còn các công trình nhà cổ để tìm hiểu. Còn sức khỏe chừng nào, mình sẽ thực hiện trọn niềm đam mê này, âu cũng là góp một phần nhỏ vào việc bảo tồn tinh hoa văn hóa của cha ông”.
Nhìn sâu vào mắt anh, thấy cả niềm đam mê cháy bỏng. Bước qua tuổi 60, dường như Nguyễn Thượng Hỷ đang có một cuộc chạy đua âm thầm với thời gian để đi trọn đam mê.
Phan Vĩnh Yên
Bình luận (0)