Hướng nghiệp - Tuyển sinhThông tin hướng nghiệp

36.000 thí sinh chuẩn bị thi đánh giá năng lực vào ĐH Quốc gia Hà Nội

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)
Với 45.350 thí sinh đăng ký dự thi, ĐH Quốc gia Hà Nội dự kiến khoảng 80% sẽ đến các điểm thi làm bài đánh giá năng lực trong đợt 1 năm 2015.
Chiều 28/5, ĐH Quốc gia Hà Nội cho hay kỳ thi đánh giá năng lực phục vụ tuyển sinh đại học chính quy vào các trường thành viên có 45.350 thí sinh đăng ký dự thi đợt 1. Phó Giám đốc Nguyễn Kim Sơn cho biết, với nhiều ưu thế, trong đó có tăng cơ hội vào đại học, trường dự tính tỷ lệ thí sinh đến dự thi khoảng 80% (hơn 36.200 em).
Thời gian thi cụ thể như sau:
Đợt thi
Ngày thi
Buổi thi
Môn thi
Đợt 1
30/5
Từ 7h
Bài thi ĐGNL
Ngoại ngữ
Từ 13h
Bài thi ĐGNL
 
31/5
Từ 7h
Bài thi ĐGNL
 
Từ 13h
Bài thi ĐGNL
 
1/6
Từ 7h
Bài thi ĐGNL
 
Từ 13h
Bài thi ĐGNL
 
2/6
Từ 7h
Bài thi ĐGNL
 
Từ 13h
Bài thi ĐGNL
 
3/6
Dự phòng
Thí sinh sẽ thi tại 9 cụm ở 21 điểm thi. Ở Hà Nội có 3 cụm thi với 11 điểm, ở Thái Nguyên có điểm thi duy nhất tại CĐ Kinh tế Tài chính Thái Nguyên, ở Nam Định có 2 điểm thi tại ĐH Sư phạm Kỹ thuật Nam Định. Hải Phòng có 2 điểm thi tại ĐH Hàng Hải Việt Nam, Thanh Hóa có 2 điểm thi tại ĐH Hồng Đức, Nghệ An có 2 điểm thi tại ĐH Vinh, Đà Nẵng chỉ có điểm thi tại ĐH Kiến Trúc Đà Nẵng.
Thầy Sơn cho biết, tùy theo lượng thí sinh dự thi ở các cụm, số ca thi và thời gian thi được sắp xếp tối thiểu 2 ca, tối đa 8 ca.
DHQG-9238-1417230162-5383-1432824593.jpg
Quang cảnh phòng thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia Hà Nội.
Mỗi thí sinh làm một đề thi riêng
Mỗi thí sinh sẽ làm một đề thi riêng do máy tính tổ hợp từ bộ cơ sở dữ liệu đề nguồn. Đề thi bao gồm 2 phần trắc nghiệm: phần bắt buộc và phần tự chọn. Độ khó của các câu hỏi thi thuộc mỗi phần được phân định theo tỉ lệ 20% ở cấp độ dễ, 60% trung bình và 20% ở cấp độ khó. Tổng số câu hỏi thí sinh phải thực hiện là 140 câu, tổng thời gian làm bài là 195 phút. 
Phần bắt buộc gồm 2 phần: Tư duy định lượng và tư duy định tính. Tư duy định lượng (kiến thức toán) gồm 50 câu hỏi với thời gian hạn định là 80 phút. Các câu hỏi của phần này có dạng câu hỏi trắc nghiệm 4 lựa chọn hoặc câu hỏi điền giá trị số. Tư duy định tính (kiến thức ngữ văn) gồm 50 câu hỏi với thời gian hạn định là 60 phút. Tất cả các câu hỏi của phần này đều có dạng câu hỏi trắc nghiệm 4 lựa chọn.
Phần tự chọn, thí sinh chọn 1 trong 2 nội dung kiến thức khoa học tự nhiên gồm: Vật lý, Hóa học, Sinh học; hoặc Kiến thức Khoa học Xã hội gồm: Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân. Sau thời gian 2 phút, nếu thí sinh không chọn một trong hai nội dung, máy tính sẽ mặc nhiên chọn nội dung Khoa học Tự nhiên. Mỗi nội dung có 40 câu hỏi trắc nghiệm lựa chọn, thời gian hạn định là 55 phút.
Thí sinh lần lượt làm hết phần bắt buộc, sau đó làm phần tự chọn. Kết quả thi của thí sinh được tính bằng tổng số câu trả lời đúng trong bài thi. Mỗi câu trả lời đúng được 1 điểm, câu trả lời sai hoặc không trả lời không được điểm. Tổng điểm toàn bài là 140 điểm.
Thí sinh phải đến điểm thi trước ít nhất 30 phút
ĐH Quốc gia Hà Nội lưu ý, thí sinh đăng nhập tài khoản, phiếu tài khoản được phát tại phòng thi để thực hiện làm bài thi trên máy tính. Thí sinh được tự do lựa chọn phương án với các câu hỏi lựa chọn, hay nhập lại giá trị tính toán đối với các câu hỏi điền giá trị trong thời gian làm bài của từng phần thi.
Phó giám đốc Nguyễn Kim Sơn cho biết thí sinh không thể cố tình làm lại bài thi từ đầu, chẳng hạn bằng cách đăng nhập lại từ đầu hoặc bằng bất cứ cách nào. Trong khi thi, nếu thí sinh gặp sự cố về máy tính hay những bất thường khác cần phải báo ngay cho cán bộ coi thi để được chuyển sang làm bài ở các máy dự phòng. Nếu sự cố kéo dài trên 10 phút các em sẽ được chuyển sang dự thi ở ca tiếp theo. Trước khi ra khỏi phòng thi, thí sinh phải nộp lại phiếu tài khoản và ký vào danh sách phòng thi.
Thí sinh phải có mặt tại địa điểm thi trước giờ thi ghi trên giấy báo dự thi ít nhất 30 phút. Khi đến dự thi thí sinh phải mang theo Chứng minh nhân dân và Giấy báo dự thi.
ĐH Quốc gia công bố danh sách các máy tính cầm tay thông dụng, làm được các phép tính số học, các phép tính lượng giác và các phép tính siêu việt mà thí sinh được phép mang vào phòng thi bao gồm: Casio FX 95, FX 220, FX 500A, FX 500 MS, FX 500 ES, FX 500VNPlus, FX 570 MS, FX 570 ES, FX 570 ES Plus và FX 570 VN Plus; VinaCal 500MS, 570 MS, 570 ES Plus và 570 ES Plus II; Vietnam Calculator VN-500RS, VN 500 ES, VN 500 ES plus function; VN 570 RS, VN 570 ES và VN-570ES Plus; Sharp EL 124A, EL 250S, EL 506W, EL 509WM; Canon F-788G, F-789GA; và các máy tính tương đương.
Thí sinh được rút hồ sơ xét tuyển một lần
Thí sinh làm Hồ sơ đăng ký xét tuyển gồm phiếu ĐKXT, giấy chứng nhận ưu tiên (nếu có), một phong bì đã dán sẵn tem và ghi rõ địa chỉ liên lạc của thí sinh. Lệ phí đăng ký xét tuyển là 30.000 đồng mỗi hồ sơ. Thời gian nộp hồ sơ từ ngày 8/6 đến 16h30 ngày 25/6 (đối với đợt 1), và từ ngày 10/8 đến 16h30 ngày 25/8 (đối với đợt 2).
Thí sinh được đăng ký xét tuyển tối đa 3 ngành học của một đơn vị đào tạo theo thứ tự ưu tiên và được 1 lần rút hồ sơ để nộp vào ngành khác của trường, khoa trực thuộc đã nộp hoặc trường, khoa trực thuộc khác trong ĐH Quốc gia Hà Nội. Thí sinh đã trúng tuyển đợt 1 không được đăng ký xét tuyển đợt bổ sung. 
1.000 chỗ ở cho thí sinh và người nhà tại Hà Nội
ĐH Quốc gia Hà Nội cho biết, Ban Quản lý Ký túc xá Mỹ Đình dành hơn 300 phòng ở, tương đương 1.000 chỗ ở cho thí sinh và người nhà đến dự thi. Thí sinh và người nhà lưu trú tại KTX Mỹ Đình sẽ ở tại phòng rộng 42 m2 gồm 3 giường tầng, 2 nhà vệ sinh khép kín, có lắp đặt bình nóng lạnh, tủ và bàn ghế học tập cá nhân… Ngoài ra, KTX Mỹ Đình có đầy đủ các dịch vụ phục vụ nhu cầu ăn ở của thí sinh như: nhà ăn sinh viên, siêu thị mini, cửa hàng Internet…
Ký túc xá sẽ ưu tiên chỗ ở dành cho những học sinh là: con liệt sỹ, con thương binh, con bệnh binh, người có công với cách mạng và đối tượng thuộc vùng đặc biệt khó khăn, dân tộc thiểu số. Chi phí cho mỗi người ở đây là 35.000 đồng mỗi ngày, đã bao gồm toàn bộ chi phí: điện, nước sinh hoạt; nước uống tinh khiết; thẻ KTX; chiếu, gối cho thí sinh và người thân.
Năm 2015, theo đặt hàng của Bộ GD&ĐT, ĐH Quốc gia Hà Nội lần đầu tiên tổ chức thi đánh giá năng lực và dùng kết quả bài thi này để xét tuyển đại học chính quy. Thí sinh dự tuyển vào ĐH quốc gia Hà Nội sẽ tham gia làm bài thi đánh giá năng lực được tổ chức vào 2 đợt: cuối tháng 5 và đầu tháng 8. Bài thi được thực hiện trên máy tính tại các phòng thi tiêu chuẩn. Khi kết thúc bài làm, thí sinh sẽ biết ngay điểm bài thi của mình.
Hoàng Thuỳ
Theo VNE

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)