Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

38 năm ở lại với Cấm La

Tạp Chí Giáo Dục

Vượt qua nhiều gian nan trắc trở, tình người giữ thầy Mễ suốt 38 năm ở lại với Cấm La

“Mình cũng từng một lần có ý định rời bỏ nơi này để về xuôi nhưng rồi nhìn thấy ánh mắt thiết tha của lũ trẻ, tấm lòng của bà con, mình lại dứt áo không đành. Mới đó đã 38 năm có lẻ, lớp trò đầu tiên lại dẫn con cháu đến gửi mình dạy chữ. Đời nhà giáo chỉ thế mà vui, mà hạnh phúc”. Thầy Phan Văn Mễ gắn bó gần trọn cuộc đời dạy chữ của mình ở điểm trường Cấm La (xã Quế Lâm, huyện Nông Sơn, Quảng Nam) trải lòng.

Cấm La – cái địa danh nghe qua đủ mơ hồ hình dung được nỗi phập phồng âu lo chốn rừng thiêng nước độc. “Sở dĩ có cái tên như vậy là vì một thuở, núi rừng này toàn cọp, hễ la lớn thì không những không phát hiện được cọp để tránh mà còn thu hút sự chú ý của “ông Ba Mươi” dẫn đến mất mạng. Nhiều người ở chốn này đã không may bị cọp bắt. Những ngôi mộ được bà con chôn cất ngay lối vào rừng để nhắc nhở mọi người cẩn thận trước khi vào rừng. Tên làng có từ đó” – bà Trần Thị Bé, Trưởng thôn Cấm La bảo rằng: Thuở trước, cuộc sống ở chốn thâm sơn cùng cốc đối mặt với nhiều hiểm nguy rình rập: Sốt rét, cọp rừng, thiếu ăn, thiếu mặc, đến cả con đường giao thông cũng không có nên nhiều giáo viên đến với Cấm La được dăm bữa nửa tháng lại bỏ nghề hoặc tìm cách về xuôi. “Những thế hệ ở Cấm La như tôi, nếu không có thầy Mễ, chắc chừ vẫn còn mù chữ”, bà Bé nói.

“Cắm” lại với rừng

Căn nhà nhỏ của thầy Phan Văn Mễ nằm cheo leo bên con đường bê tông liên thôn mới mở. Giữa cái nắng trưa chói chang, thầy ngồi tựa cửa, mải mê đọc truyện cổ tích. Hai đứa trẻ ngồi hai bên chăm chú lắng nghe. “Đây là đứa cháu ngoại, còn kia là con nhà hàng xóm gửi. Ở đây bà con vẫn thường hay gửi các cháu cho mình để lên núi mưu sinh”, thầy Mễ gấp vội cuốn sách, đón chúng tôi bằng nụ cười hiền hậu. Năm 1979, chàng thanh niên Phan Văn Mễ vừa tốt nghiệp sư phạm đã tình nguyện đến với bà con của xã Quế Lâm – rẻo đất tận cùng của huyện miền núi Nông Sơn. Nhớ lại, thầy Mễ bảo: “Ui chao, nói răng cho hết cái cực khổ thời nớ. Đường sá không có, điện thắp sáng là một thứ xa xỉ không ai nghĩ tới. Nhưng sốt rét rừng là thứ “đặc sản” không chừa một ai đặt chân tới chốn ni”. Nhiều giáo viên đến với vùng núi này, đối mặt với nhiều khổ ải, có người bỏ nghề theo cơn lốc tìm trầm đắng ngắt, số khác lại tìm cách về xuôi sau khi hoàn thành nghĩa vụ với vùng cao. Riêng thầy Mễ gắn với mảnh đất này như cơ duyên trời định. Ban đầu thầy làm Hiệu trưởng Trường Tiểu học Sầm Nai. Ba năm sau trường sáp nhập với một điểm trường khác ở Quế Lâm thành Trường Phổ thông Quế Lâm, thầy về làm Hiệu phó suốt 10 năm. Rồi thầy về làm giáo viên điểm trường Cấm La cho đến bây giờ. Hỏi chuyện về xuôi, thầy chùng giọng: “Cũng đã một lần nghĩ đến nhưng sau những trận sốt rét rừng, bà con thay phiên nhau mỗi ngày đưa tới bát cơm trắng, quả trứng gà chăm sóc cho mình chóng khỏi bệnh, cảm động lắm. Bà con như người thân. Bỏ lũ trẻ về xuôi răng đành bụng. Rứa là ở lại”.

Giọng thầy Mễ chậm rãi kể: “Hồi mới về đứng lớp ở Cấm La, trường chỉ là căn nhà gỗ mục nát, qua mấy mùa mưa bão có khi sụp xuống, tạnh gió, ngớt mưa thì bà con chung nhau dựng lại. Vào mùa đông, thầy trò gần như mò chữ trong bóng tối. Đó là chưa kể hễ thấy trời lất phất mưa là tan buổi học, thầy chia từng nhóm trò lần lượt đưa các các em băng qua suối để về nhà. Khi mô nhìn thấy các em về an toàn thì thầy vội vã quay lại con suối khác đưa nhóm khác về làng khác. Cứ thế cho đến lúc hết học trò, thầy mới an tâm về nhà”. Mấy chục năm như thế, những con đường được thầy Mễ tạo ra giữa thâm u rừng rú. Việc vận động và đón đưa học sinh qua suối tới trường với thầy Mễ là công việc thường tình. Không một tiếng thở dài, thầy như một người đưa đò cần mẫn đưa khách sang sông từ lúc tóc xanh cho tới ngày ngả màu tiêu muối.

Không có trường mầm non, thầy Mễ đảm nhận luôn việc trông trẻ cho bà con ở Cấm La lên núi. Phòng học gồm ba lớp ghép quay lưng vào nhau. Một mình thầy quay về với ba cái bảng và đám trẻ con luẩn quẩn bên ngoài hành lang. “Không có thầy, bầy tui không biết gửi con ở mô để đi làm ăn. Rồi mấy đứa trẻ không biết chừng nào thông mặt chữ để viết cái tên mình”, bà Nguyễn Thị Em (63 tuổi), một người dân có mặt ở làng kinh tế mới Cấm La từ năm 1980 bộc bạch.

Ngoài giờ lên lớp, thầy Mễ đảm luôn nhiệm vụ chăm trẻ cho bà con trong thôn lên nương rẫy

Dạy là vậy, chuyện họp hành, tập huấn còn gian nan gấp bội. Ngày đó đường đâu mà đi, cứ vạch cây rẽ lấy lối đi thôi. Mỗi lần đi là chuẩn bị tâm lý đối mặt thú dữ rồi. Cực nhất mỗi lần ra trung tâm huyện họp hành hay tập huấn chuyên môn là phải đi từ khi gà gáy sáng. Đi bằng gì? “Đi bộ! Xong việc vội vã về cho kịp buổi dạy ngày mai, tới nhà cũng đã 10 giờ đêm. Không đi không được, kiến thức cũ mòn lấy chi dạy bọn trẻ. Rồi muốn biết thêm cái gì, mua cục pin bỏ vô cái radio cũ rích mà nghe. Sóng yếu, câu được câu mất. Nhưng không có nó, đến cả chính mình cũng có cảm giác cũ mèm…”, thầy Mễ nói.

Trăn trở cho tương lai

Cách nay chừng ba năm, hai phòng học kiên cố được xây dựng, xóa tình cảnh tạm bợ ở Cấm La. Thầy Mễ vui như đứa trẻ được quà: “Tụi nhỏ từ nay không còn nơm nớp nỗi lo mùa mưa bão. Con đường bê tông được mở, những con suối đã có cầu cống vững chãi bắc ngang. Ánh điện kéo về tận trường xua đi cái tối tăm, ẩm mốc và nhen lên niềm hi vọng mới”. Năm nay thầy Mễ đảm nhận 3 lớp ghép, mỗi lớp 2 đứa học trò, cộng thêm vài đứa trẻ con nhà nghèo không có điều kiện gửi về trường trung tâm xã, bà con mang đến gửi thầy. Với thầy Mễ, gần trọn nghiệp dạy chữ ở Cấm La, phần nào thỏa niềm khát khao về điều kiện cho con em ở xóm núi này tìm tới con đường chữ bớt phần nhọc nhằn. Thế nhưng nhắc tới chuyện học, thầy chùng giọng: “Cuộc sống bây giờ có phần khá hơn trước, trẻ con được tạo điều kiện hơn trong việc đến trường nhưng trang thiết bị phục vụ dạy học vẫn thiếu thốn lắm”. Thầy trầm tư: “Cả thôn Cấm La, suốt mấy chục năm ni chưa có em nào vào đại học. Đa phần các em học xong cấp 2 là nghỉ, vào rừng phụ giúp cha mẹ. Lớn lên chút nữa thì lại tứ tán tới các miền đất hứa để làm công nhân, kiếm công ăn việc làm. Làng còn ông bà lão và trẻ con. Buồn hiu và vắng lặng như cái tên làng vốn có. Năm nay mới có 1 em dự thi THPT quốc gia…”.

 Bà Trần Thị Bé (Trưởng thôn) trải lòng: “Người Cấm La sống dựa vào rừng, con cá dưới suối. Mấy chục năm rẽ cây mà đi. Không có đất sản xuất hoa màu. Nghèo khó! Mấy năm lại đây thực hiện chủ trương giao đất rừng và chờ cấp đất rừng mới… bà con đến chừ vẫn trong trạng thái: Chờ! Khi cái ăn không đảm bảo thì chuyện học hành của con cái cũng bị xem nhẹ như không. Năm ni có 9 đứa vào cấp 3 thì có 7 đứa phải nghỉ học, đi làm phụ giúp gia đình. Thầy giáo buồn. Người đứng đầu thôn đau đầu về bài toán phổ cập. Nhưng đành chịu, biết mần răng”.

Tôi về, hình dung rõ mồn một niềm trăn trở của người thầy 38 năm cắm lại với Cấm La. Lớp học thầy Mễ với 6 đứa quay lưng vào nhau vẫn vang vang tiếng đọc bài…

Phan Vĩnh Yên

Bình luận (0)