Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

39 giảng viên dạy chính trị trên toàn quốc được trao danh hiệu “Giảng viên dạy xuất sắc”

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Chiều 20-9, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cùng Thành ủy TP.HCM đã bế mạc Hội thi giảng viên dạy giỏi toàn quốc các trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương lần thứ VIII năm 2023. Theo đó, 39 giảng viên đạt danh hiệu “Giảng viên dạy xuất sắc” và 89 giảng viên đạt “Giảng viên dạy giỏi”.


Tiết mục văn nghệ chào mừng đại biểu dự lễ bế mạc hội thi

PGS.TS Hoàng Phúc Lâm – Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, trưởng ban tổ chức – cho biết, sau 3 ngày diễn ra, hội thi đã thực hiện đúng quy chế và kế hoạch đề ra. Các thành viên Hội đồng giám khảo đã làm việc khẩn trương, tích cực với trách nhiệm chuyên môn cao. Chấm giáo án, chấm thi viết, chấm giảng bài trên lớp bảo đảm khách quan, trung thực.

Các giảng viên đã chuẩn bị giáo án công phu, nghiêm túc, hình thức đẹp. Các giáo án đã xác định đúng mục tiêu bài giảng, phù hợp với đối tượng đào tạo, xác định, lựa chọn được phương pháp, phương tiện giảng dạy phù hợp, hiệu quả. Điểm chấm cho phần phương pháp, phương tiện giảng dạy, nhiều bài đạt điểm tối đa. Nội dung giáo án lôgic, khoa học, sáng tạo đảm bảo đúng trọng tâm, cân đối giữa lý luận và thực tiễn, cập nhật chủ trương, quan điểm mới của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tích hợp nội dung bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.

Tuy nhiên, một số bài giảng vẫn còn một số điểm cần khắc phục như: Ôm đồm kiến thức trong 1 tiết giảng, kiến thức thực tiễn ở một số bài chưa phong phú, một số giảng viên chưa thuần thục trong việc áp dụng các phương pháp dạy học tích cực.


GS.TS Nguyễn Xuân Thắng – Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh và ông Nguyễn Văn Nên – Bí Thư thành ủy TP.HCM trao danh hiệu “Giảng viên dạy xuất sắc”

Từ kết quả hội thi, ban tổ chức đã chọn ra 39 giảng viên trao danh hiệu “Giảng viên dạy xuất sắc” (chiếm 30%), 89 giảng viên đạt danh hiệu “Giảng viên dạy giỏi” (chiếm 68,5%), 2 giảng viên vì lý do sức khỏe và sự cố kỹ thuật nên Hội đồng giám khảo không xem xét đánh giá.

GS.TS Nguyễn Xuân Thắng – Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, trưởng ban chỉ đạo hội thi – nhấn mạnh: “Các giảng viên dự thi đã có sự nỗ lực hết mình, xứng đáng là những giảng viên tiêu biểu được nhà trường tin tưởng cử dự thi và tất cả đều là những người chiến thắng”.

Theo ông Thắng, 130 giảng viên tham dự hội thi lần này chiếm số lượng cao nhất từ trước đến nay. Trong đó vừa có những giảng viên có thâm niên giảng dạy lâu năm, dày dặn kinh nghiệm, có cán bộ quản lý trường, khoa, phòng vừa có giảng viên trẻ về tuổi đời, tuổi nghề. Dù còn trẻ nhưng các giảng viên đều rất chững chạc, tự tin, làm chủ bài giảng. Đây là đội ngũ kế cận giúp khắc phục sự hụt hẫng về giảng viên, là lực lượng nòng cốt của các trường trong những năm tới.

“Các giảng viên tham gia hội thi đều thể hiện được chuyên môn sâu ở tất cả các phần học trong chương trình trung cấp lý luận chính trị. Điều này một lần nữa khẳng định đội ngũ giảng viên trường chính trị khá đồng đều ở các khoa chuyên môn”, ông Thắng đánh giá.


Giảng viên nhận danh hiệu “Giảng viên dạy giỏi”

Để thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động đào tạo, bồi dưỡng cán bộ ở các trường chính trị, ông Thắng đề nghị mỗi giảng viên được công nhận dạy xuất sắc, dạy giỏi tại hội thi cần tiếp tục phấn đấu, trao dồi chuyên môn, nghiệp vụ để hoàn thành tốt hơn nữa nhiệm vụ được giao, trở thành những hạt nhân nòng cốt, giảng viên mẫu mực, có uy tín cao của mỗi trường, có sức lan tỏa mạnh mẽ đối với đồng nghiệp và học viên. Kết quả của hội thi cần trở thành nguồn cảm hứng, là động lực để các trường tiếp tục duy trì và thúc đẩy phong trào “Dạy tốt, học tốt” với phương châm thi đua “Đoàn kết – Kỷ cương – Gương mẫu – Sáng tạo – Hiệu quả” để nâng cao hơn nữa chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn.

Bên cạnh đó, các trường cần có kế hoạch cụ thể và duy trì nề nếp tổ chức hoạt động thao giảng, dự giờ, tạo điều kiện cho giảng viên nâng cao trình độ chuyên môn, phương pháp, nghiệp vụ sư phạm. Qua thao giảng, các trường phải đánh giá, phân loại chất lượng giảng viên, từ đó có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng để xây dựng đội ngũ giảng viên, xây dựng trường chính trị đạt chuẩn theo quy định số 11 của Ban Bí thư.

“Nhân đây, tôi cũng đề nghị cấp ủy, chính quyền các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo tạo điều kiện và có cơ chế, chính sách cụ thể, nguồn lực đầu tư tương xứng cho việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, giảng viên trường chính trị cấp tỉnh”, ông Thắng nhấn mạnh.

Hồ Trinh

 

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)