Khoa học - Công nghệPhát minh khoa học

3G – “vũ khí” của mạng ảo

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Trạm phát vệ tinh của VTC, hiện đang phát sóng các kênh truyền hình HDTV

Từ ngày 22.6, Tổng công ty truyền thông đa phương tiện VTC đã chính thức gia nhập thị trường viễn thông VN với giấy phép thiết lập mạng và cung cấp dịch vụ viễn thông di động không tần số do Bộ Thông tin – Truyền thông (TT-TT) cấp.

VTC là doanh nghiệp thứ hai được cung cấp dịch vụ di động ảo (MVNO), đồng thời trở thành nhà cung cấp dịch vụ viễn thông di động thứ 9 tại VN. Tháng 8.2009, Bộ TT-TT cũng đã trao giấy phép thiết lập mạng và cung cấp dịch vụ thông tin di động cho Công ty Đông Dương Telecom. Mạng di động này sẽ sử dụng hạ tầng của Viettel để cung cấp dịch vụ cho khách hàng theo mô hình mạng di động ảo. Tuy nhiên đến thời điểm hiện tại, theo thông tin từ Bộ TT-TT, do vẫn chưa đạt được thỏa thuận cuối cùng với Viettel nên Đông Dương Telecom vẫn im hơi lặng tiếng.

Tương tự Đông Dương Telecom, VTC không đầu tư nhiều vào việc xây dựng hệ thống của mình mà sẽ cung cấp dịch vụ di động 3G trên hạ tầng của nhà mạng EVN Telecom. Theo giấy phép này, VTC cũng được phép roaming với các mạng thông tin di động GSM (2G) trong nước, được có đầu số, mã mạng riêng.

Theo giới chuyên môn, đây là thời điểm không dễ cho VTC nói riêng và các mạng di động ảo nói chung. Đơn giản bởi MVNO hoàn toàn không phải là “miếng bánh ngọt”, đặc biệt thị trường VN đang có sự cạnh tranh mạnh mẽ và doanh thu bình quân trên mỗi thuê bao (APRU) của VN hiện xuống khá thấp, chỉ từ 3 – 4 USD.

Hiện VN có 7 nhà cung cấp dịch vụ di động đầy đủ gồm Viettel, Vinaphone, MobiFone, Beeline, Vietnamobile, EVN Telecom và S-Fone. Hai mạng di động ảo được cấp phép gồm Đông Dương Telecom và VTC. Ngoài ra, FPT cũng đã nộp đơn xin được cung cấp dịch vụ này. Sự cạnh tranh của thị trường viễn thông trong những năm qua diễn ra khá khốc liệt với các chiêu khuyến mãi, giảm cước liên tục, đến mức có chuyên gia đã cảnh báo đây là kiểu cạnh tranh “cùng chết”. Trong các cuộc làm việc gần đây với Bộ TT-TT, đại diện các mạng lớn cũng đã kiến nghị về việc quy định mức giá sàn dựa nhằm tránh tình trạng bán dưới giá thành gây thiệt hại cho DN và Nhà nước.

3G – mặt trận còn bỏ ngỏ

Theo một chuyên gia viễn thông, hiện tại 3G của VN mới chủ yếu được nhắc tới nhiều về mặt hạ tầng kỹ thuật trong khi các khía cạnh khác vẫn còn bỏ ngỏ. Cụ thể, trong khi đổ xô đầu tư hạ tầng mạng, hầu hết các mạng lại không chịu đầu tư bài bản cho những khâu quan trọng khác như hệ thống phục vụ khách hàng và tính cước, hệ thống bảo mật và an toàn thông tin… Bên cạnh đó, ngành viễn thông cũng không có kế hoạch điều phối phát triển các nền tảng CNTT để tận dụng mạng lưới cho các hoạt động quan trọng như chính phủ điện tử, thương mại điện tử… “Vì những lý do này, cho dù các mạng có sử dụng công nghệ GPRS, EDGE và ngay cả 3G, họ vẫn không thể cung cấp được bao nhiêu dịch vụ ngoại trừ các dịch vụ khá cơ bản và thu nhập thấp”, chuyên gia này nhận định.

Ông Lê Văn Khương, Phó tổng giám đốc Tổng công ty VTC cũng cho rằng một trong những nguyên nhân khiến 3G chưa thực sự bùng nổ là do các nhà mạng mới chỉ cung cấp được hạ tầng cho 3G trong khi các dịch vụ gần như vẫn chưa được khai phá. “Hiện thuê bao 3G ở Việt Nam chủ yếu chỉ dùng các dịch vụ cơ bản và dịch vụ truy cập internet. Đó chưa phải là điểm khác biệt của 3G. Ở các nhà mạng 3G lớn trên thế giới, doanh thu từ các dịch vụ gia tăng ngày càng chiếm tỷ trọng lớn so với dịch vụ cơ bản”, ông Khương nhận xét.

Trên thực tế, mặc dù là người tham gia muộn vào lĩnh vực hạ tầng thông tin di động nhưng VTC đã là nhà cung cấp nội dung có thị phần lớn trên mạng di động từ nhiều năm nay. Trong bối cảnh thị trường viễn thông có sự cạnh tranh dữ dội, ông Khương khẳng định VTC có chiến lược riêng cho mình chứ không đi theo cách mà những nhà mạng trước đã đi. Các dịch vụ gia tăng trên nền mạng 3G sẽ là phân khúc thị trường mà nhà mạng này hướng tới thay vì các dịch vụ thoại, SMS mà các mạng khác đang nắm ưu thế.

Theo giới chuyên môn, VTC có những lợi thế nhất định khi tham gia vào thị trường di động như với các thế mạnh vốn có về truyền thông, truyền hình, các dịch vụ nội dung, dịch vụ giá trị gia tăng… đặc biệt là tập hợp khách hàng sẵn có của VTC. Đây là các dịch vụ sẵn có, vốn đã được VTC triển khai rất thành công và có thể đưa vào khai thác ngay trên mạng di động. Tránh đối đầu trực tiếp với các “ông lớn”, đại diện VTC cho biết dự kiến nhà mạng này sẽ cung cấp các dịch vụ di động khác biệt và không cạnh tranh trực tiếp với các mạng khác. Mục tiêu của VTC là biến chiếc điện thoại di động của khách hàng thành một vật “bất ly thân”, khách hàng có thể sử dụng nó như một công cụ thông tin, công cụ giải trí và một chiếc ví điện tử.

Mục tiêu được VTC đặt ra cũng khá tham vọng. Cụ thể nhà mạng này sẽ phấn đấu có được 1 triệu thuê bao trong vòng 3 năm và trên 20% doanh thu sẽ từ các dịch vụ giá trị gia tăng 3G. Thừa nhận đây là một mục tiêu đầy thách thức nhưng VTC tin rằng đây không phải là một “nhiệm vụ bất khả thi”. Theo ông Khương, với việc đặt chất lượng, số lượng dịch vụ lên hàng đầu, để hấp dẫn khách hàng, VTC hy vọng sẽ lôi kéo được nhiều “thượng đế” đến với 3G thay vì cứ đăng ký 3G mà không biết sẽ dùng dịch vụ gì trên đó.

Đức Tuấn (Theo TNO)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)