Hướng nghiệp - Tuyển sinhTư vấn tuyển sinh

4 bước giảm thiểu rủi ro khi đăng ký nguyện vọng xét tuyển đại học

Tạp Chí Giáo Dục

Chỉ còn 10 ngày nữa là kết thúc thời gian đăng ký nguyện vọng xét tuyển đại học năm 2022. Theo các chuyên gia tuyển sinh, để đăng ký và đạt được nguyện vọng như mong muốn, thí sinh cũng cần phải có “chiến thuật”.

Nên đảm bảo ít nhất 1 cơ hội trúng tuyển

Ghi nhận từ các trường cho thấy, vẫn còn một số thí sinh đã đủ điều kiện trúng tuyển các phương thức xét tuyển sớm (xét học bạ, xét tuyển kết hợp, xét chứng chỉ ngoại ngữ…) nhưng vẫn chưa đăng ký nguyện vọng vào ngành đủ điều kiện trúng tuyển trên hệ thống tuyển sinh của Bộ GD&ĐT.

4 bước giảm thiểu rủi ro khi đăng ký nguyện vọng xét tuyển đại học ảnh 1

Ban tư vấn tuyển sinh, Trường Đại học (ĐH) Kinh tế Quốc dân khẳng định, những thí sinh không đăng ký nguyện vọng đã đủ điều kiện trúng tuyển lên hệ thống sẽ mất cơ hội đỗ vào ngành học đã được thông báo trước đó. Chính vì vậy, Ban tư vấn khuyến nghị thí sinh kiểm tra thật kỹ thông tin đăng ký nguyện vọng và nên đặt nguyện vọng vào ngành đã đủ điều kiện trúng tuyển để đảm bảo ít nhất cũng trúng tuyển ngành này.

Với các phương thức xét tuyển của Trường ĐH Kinh tế Quốc dân năm nay, Ban tuyển sinh tư vấn những thí sinh không đủ điều kiện trúng tuyển theo diện xét tuyển kết hợp nhưng vẫn đăng ký nguyện vọng theo phương thức này trên hệ thống của Bộ GD&ĐT thì không có ý nghĩa. Vì chỉ những thí sinh đã đủ điều kiện trúng tuyển theo thông báo của Trường đăng ký mới được lọc ảo để xác định trúng tuyển.

Do đó, những thí sinh này chỉ nên đăng ký nguyện vọng theo phương thức xét tuyển dựa vào điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2022 và dựa vào điểm bài thi đánh giá Tư duy của Trường ĐH Bách khoa Hà Nội 2022.

Bên cạnh đó, theo Ban tư vấn tuyển sinh thông tin có nhiều thí sinh đã đăng ký nguyện vọng 1 vào ngành/chương trình đủ điều kiện trúng tuyển theo diện xét tuyển kết hợp vào trường vẫn đăng ký các nguyện vọng 2, 3,… vào các ngành khác theo phương thức khác. Nhưng thực tế, các nguyện vọng 2,3,… là không có ý nghĩa. Vì khi lọc ảo, thí sinh nghiễm nhiên trúng tuyển nguyện vọng 1. Vì vậy để không mất kinh phí đăng ký nguyện vọng, thí sinh nên bỏ các nguyện vọng 2, 3.

Mặt khác, hạn cuối thí sinh đăng ký và thay đổi nguyện vọng trên hệ thống của Bộ GD&ĐT là 17h00, 20/8. Ban tư vấn tuyển sinh nhắn nhủ thí sinh nên đăng ký sớm, không nên để sát hạn cuối. Từ 21/8-28/8, thí sinh cần xác định số lượng và thứ tự nguyện vọng theo quy định của Bộ. Đây là bước bắt buộc thí sinh phải thực hiện để tham gia xét tuyển ĐH năm nay.

Chiến lược 4 bước

ThS Đỗ Ngọc Anh, Giám đốc Trung tâm Thông tin và Truyền thông, Trường ĐH Mở Hà Nội đưa lời khuyên: Để có được “chiến lược” lựa chọn nguyện vọng xét tuyển thành công, thí sinh có thể thực hiện theo các bước sau:

Bước 1: Tìm hiểu kỹ về các ngành học, xác định rõ bản thân yêu thích hoặc phù hợp ngành học nào? Điều này là quan trọng nhất bởi có đỗ vào ngành yêu thích, hoặc phù hợp thì mới mong chất lượng học tập tốt, ra trường có công việc như mong muốn.

Bước 2: Liệt kê danh mục các trường đại học có tuyển sinh ngành học mà bản thân đã chọn kèm theo điểm chuẩn 2 – 3 năm gần nhất. Nên lựa chọn từ 8 – 12 ngành tương đương với 8 – 12 nguyện vọng.

Bước 3: Chia danh mục thành này thành 3 nhóm. Nhóm 1: Điểm chuẩn trung bình các năm gần đây nhiều hơn điểm tự xác định từ 1 – 3 điểm. Nhóm 2: Điểm chuẩn trung bình các năm gần đây và điểm thi đạt được (có thể hơn kém nhau 1 điểm). Nhóm 3: Điểm chuẩn trung bình các năm gần đây ít hơn điểm thi đạt được từ 1 – 3 điểm

Bước 4: Lựa chọn nguyện vọng. Mỗi nhóm đã chia ở trên phải có ít nhất 1 nguyện vọng được lựa chọn. Sắp xếp nguyện vọng theo thứ tự ưu tiên giảm dần về sự yêu thích và phù hợp của bản thân. Lựa chọn các trường theo một số tiêu chí: Đã được kiểm định chất lượng; có học phí phù hợp với điều kiện gia đình; nhiều học bổng để phấn đấu học tập; tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm cao; có nhiều ngành nghề đào tạo để có thể học song song 2 văn bằng để tăng cơ hội có việc làm tốt khi ra trường.

Theo Nghiêm Huê/TPO

 

Bình luận (0)