Cần duy trì đủ 3 bữa/ngày dù có vội. Vì mật được tiết ra liên tục, nếu chúng ta ăn đủ 3 bữa/ngày thì sẽ không có cơ hội cho mật lắng đọng.
Sỏi mật là một bệnh không hề xa lạ và không hiếm gặp. Vì những lý do rất đặc thù mà tỷ lệ sỏi mật ở người Việt và một số quốc gia vùng Nam Á có tỷ lệ rất cao. Sau mổ, việc tái phát sỏi rất dễ xảy ra. Có người mổ đến lần thứ 2, thứ 3 mà vẫn còn phải điều trị vì sỏi mật.
Mổ đến 3 lần không hết
Mổ đến 3 lần không hết
Bà T. là một phụ nữ nông dân ở vùng thôn quê. Bà phát hiện ra sỏi mật lần đầu tiên cách đây 8 năm, khi ấy bà 56 tuổi. Bà vẫn còn nhớ rất rõ cái cảm giác đau ngày đầu tiên bị bệnh. Một cảm giác đau không thể nào quên. Nó đau đến thấu bụng, tại vùng hạ sườn phải.
Càng vận động, càng đau. Càng gắng sức càng đau. Bà cứ nằm nghiêng sang trái thì bớt đau, nhưng nghiêng sang phải thì đau dữ dội. Ban đầu bà chỉ nghĩ là đau bụng do đau dạ dày nên bà chỉ điều trị qua loa tại nhà. Ai dè, một thời gian sau, bà bị vàng da trông thấy. Tá hỏa, bà đi khám thì được chẩn đoán là sỏi mật tại ống mật chủ. Bà được các bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai chỉ định phẫu thuật lấy sỏi. Sau phẫu thuật lần thứ nhất, bà hoàn toàn bình phục và ra viện.
Tưởng thế là cơn bệnh tật đã qua, bà rất yên tâm. Nhưng không ngờ bệnh tật lại tiếp tục đeo bám bà. Bốn năm sau đó, tức là thời điểm bà 60 tuổi, bà lại có biểu hiện đau như cũ. Vẫn đau bên sườn phải, vẫn thi thoảng bị đi ngoài phân nát, vẫn cứ đi lại vận động nhiều thì đau. Biết căn bệnh cũ, bà đi khám và phát hiện ra rằng bà đang bị sỏi mật tái phát, tại ống mật chủ. Lần này bà chuyển sang Bệnh viện Xanh Pôn (Hà Nội). Bà cũng được chỉ định mổ lấy sỏi qua nội soi. Sau phẫu thuật, không có gì đáng chú ý vì thời gian hồi phục của bà khá nhanh. Bà quay trở lại cuộc sống bình thường.
Sau lần phẫu thuật thứ hai này, bà cầu mong không phải gặp lại căn bệnh này nữa. Nhưng cách đây vài tuần, bà lại bị đau bụng lại. Trớ trêu thay, biểu hiện bệnh lại y như cũ, không có gì thay đổi cả. Lần này, bà quyết định khám và điều trị tại Bệnh viện 103 (Học viện Quân y, Hà Nội). Không ngoài dự đoán, bà lại bị sỏi ống mật chủ tái phát. Bà ngán ngẩm, đến mổ lần thứ 3 mà vẫn chưa hết sỏi.
Sỏi mật là gì?
Sỏi mật là tình trạng xuất hiện một viên sỏi theo đúng nghĩa đen trong lòng đường mật, gây ứ trệ và tắc nghẽn sự lưu thông mật.
Có hai tác hại cơ bản trong bệnh sỏi mật. Thứ nhất là sự ứ trệ mật làm cho mật không xuống ruột đầy đủ để tiêu hóa thức ăn. Chúng ta cần phải nhớ là không có mật thì chúng ta không thể tiêu hóa thức ăn hoàn hảo được. Có tới trên 40% chất béo trong thức ăn được tiêu hóa và hấp thu nhờ mật. Và 100% chất béo được tiêu hóa là do mật “khơi mào”. Thế nên sự ứ đọng dịch mật thực chẳng khác gì làm cho hệ tiêu hóa của chúng ta kém đi, “ăn gì ra nấy”.
Thứ hai, sự tắc nghẽn dịch mật trong lòng ống mật chủ làm ứ mật theo chiều hướng giật lùi. Mật bị ứ lại quá nhiều, nó gây ứ lại trở về vùng đã sản xuất ra nó, làm căng giãn đường mật trong gan và túi mật. Căng giãn quá mức thì gây đau. Đau đến mức có thể làm cho mặt mày tái mét, lăn lộn từ giường xuống đất.
Một điều cần phải chú ý nữa khi điều trị, đặc biệt với các nhà ngoại khoa, là chuyện sỏi mật tái phát. Chúng ta đừng nghĩ rằng các bác sĩ làm sỏi mật tái phát để lại được mổ. Đây là một biến cố ngoài ý muốn. Thực tế, các nhà phẫu thuật chỉ can thiệp được chuyện loại bỏ sỏi mật trong ống mật chủ mà không thể có biện pháp mổ xẻ nào có thể ngăn được sỏi tát phát. Một khi sỏi trong gan vẫn còn và một khi người bệnh không có sự thay đổi thói quen sống thì chúng ta khó có thể nói lời tạm biệt sỏi.
Làm thế nào tránh được phiền toái?
Thứ nhất, người bệnh cần hạn chế ăn những thực phẩm giàu cholesterol vì cholesterol là chất dễ kết tinh nhất trong dịch mật. Nếu chất này quá nhiều, các axit mật không đủ sức hoà tan thì nó sẽ kết tinh và đọng lại thành sỏi mật. Hầu như các sỏi đều được hình thành từ các cặn sỏi là cholesterol này. Chuyện ăn bao nhiêu cholesterol là đủ thì không có một ước lượng quy chuẩn nào cho người bị sỏi. Nhưng có một điều khuyên là không nên ăn những thực phẩm giàu chất này. Các thực phẩm cần hạn chế là lòng đỏ trứng gà, phủ tạng động vật như tim, gan, óc… Một tuần không nên ăn quá 3 quả trứng và không quá 1 quả tim.
Thứ hai, cần tăng vận động cho đường mật để tăng tống sỏi. Các thực phẩm làm tăng vận động mật là các thực phẩm làm tăng vận động cơ đường mật và nhu động ruột. Sữa, gói thuốc bột MgSO4, rau quả là những thứ có tác động làm tăng vận động đường mật rõ rệt. Hiệu quả cuối cùng là làm mật ra trơn tru và giảm lắng đọng. Lời khuyên là bổ sung nhiều rau quả vào chế độ ăn, tối thiểu 500g rau một ngày. Nếu bạn không thích ăn rau thì cũng nên thay đổi.
Thứ ba, cần tăng thêm liều thuốc vận động cho cơ thể. Vận động làm tăng hoạt động cơ, làm tăng nhu động mật, làm giảm sự ứ trệ. Nó rất có hiệu quả làm mạnh mẽ sức khỏe hệ tiêu hóa và giảm hẳn nguy cơ sỏi mật tái phát. Thực hiện phương pháp vận động phù hợp theo lứa tuổi là điều có lợi nhất. Các môn thể thao như đi bộ, chạy chậm, tập dưỡng sinh là những môn thể thao tốt với mọi người ở mọi lứa tuổi. Nếu có thể, buổi sáng bạn vận động 30 phút, buổi chiều vận động 30 phút. Như thế sẽ tốt hơn cho hệ tiêu hóa. Nên nhớ là không vận động quá nặng với sức khỏe thể lực, điều đó có hại hơn có lợi.
Thứ tư, chúng ta cần duy trì đủ 3 bữa/ngày dù có vội. Vì mật được tiết ra liên tục, nếu chúng ta ăn đủ 3 bữa/ngày thì sẽ không có cơ hội cho mật lắng đọng. Làm như thế, chúng ta sẽ giảm hẳn nguy cơ sỏi mật tái phát. Đừng nhịn ăn sáng để đến quá trưa ăn một thể. Điều này có nhiều tai hại hơn chúng ta tưởng.
Theo BS. Nguyễn Khánh Trang
SK&ĐS
SK&ĐS
Bình luận (0)