Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

4 chàng trai “vàng” của Vật lý Việt Nam

Tạp Chí Giáo Dục

Những chàng trai “vàng” của Vật lý Việt NamIPhO 39 lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam đã khép lại bằng lễ bế mạc chiều tối ngày 28-7-2008. Trong số 46 thí sinh đạt huy chương vàng thì đội chủ nhà Việt Nam “đóng góp” tới 4 gương mặt.

Huỳnh Minh Toàn: Khắc phục “gót chân Asin”

Ít nói, dáng người nhỏ nhắn đó là những điều tôi ấn tượng khi tiếp xúc với Huỳnh Minh Toàn, huy chương vàng IPhO 39 tổ chức tại Việt Nam. Toàn là học sinh Trường THPT Lê Quý Đôn, Đà Nẵng. Dù lần đầu tiên tham gia IPhO, nhưng Toàn đã chứng tỏ mình bằng số điểm cao nhất của đoàn Việt Nam và xếp thứ 11 trong tổng số 376 thí sinh tham gia. Trước đó, Toàn đã giành huy chương bạc tại APhO (Olympic Vật lý châu Á) tổ chức tại Mông Cổ) vừa qua.

“Những năm học THCS, em vẫn học toán và tham gia đội tuyển toán” – đó là tâm sự của cậu bé vàng IPhO Việt Nam. Toàn chỉ đến với vật lý vào năm lớp 10. Lúc đó, cậu cho biết, không biết nên theo môn nào (vì biết chắc mình không thể tiếp tục theo đuổi môn toán), Toàn “đành” chọn vật lý. Nhưng tình cờ lại nên “duyên”, gắn bó với vật lý rồi, Toàn mới thấy không thể xa môn khoa học chính xác này được. Như “khơi trúng khả năng” của mình, càng học, Toàn càng thấy hứng thú. Năm lớp 11, Toàn giành giải nhất quốc gia môn vật lý. Những ngày ôn luyện tại Hà Nội, bên cạnh thời gian tập trung cho sách vở, cậu vẫn thèm được đá bóng, môn thể thao yêu thích nhất của Toàn. Dù là thí sinh ở xa nhất, gác lại nỗi nhớ nhà, Toàn chuyên tâm vào học tập và quyết khắc phục “gót chân Asin” của mình (chính là thực nghiệm). Cậu cho biết, bước vào IPhO 39, dù là nước chủ nhà, nhưng tâm lý rất thoải mái, tự tin và Toàn đã làm bài thi “hết công suất”. Bố mẹ Toàn đều là giáo viên dạy THCS (mẹ dạy văn, bố dạy toán), không theo “nghiệp” của cả hai người, nhưng cậu nhận được sự động viên rất lớn của họ. Ông Vũ Đình Chuẩn, Phó giám đốc, Hiệu trưởng Trường THPT Lê Quý Đôn Đà Nẵng khẳng định: “Đây là lần đầu tiên Toàn ra sân chơi quốc tế. Toàn là một học sinh ngoan và rất kiên trì”.

Nguyễn Tất Nghĩa: Chàng trai “bất bại”

Không ai còn lạ gì với Nghĩa, cậu đã quá quen thuộc trên các phương tiện thông tin đại chúng bởi thành tích luôn “bất bại” của mình. Năm lớp 11, Nghĩa đứng thứ nhất trong cuộc thi học sinh giỏi tỉnh Nghệ An môn vật lý và được chọn đi thi học sinh giỏi toàn quốc môn vật lý vốn dành cho học sinh lớp 12. Vượt qua các “đàn anh”, Nghĩa đạt giải nhì quốc gia môn vật lý. Sau một đợt thi khắt khe nữa, Nghĩa được chọn vào đội tuyển gồm 5 người đi thi IPhO 2007 tổ chức tại Iran. Và một lần nữa, Nghĩa lại khẳng định tài năng của mình khi mang về cho đoàn Việt Nam tấm huy chương vàng IPhO quý giá. Lên lớp 12, thời gian dành cho các kỳ thi nhiều hơn, nhưng Nghĩa vẫn giữ vững “phong độ” của mình. Là 1 trong 8 người có thành tích cao nhất trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia môn vật lý quốc gia 2008, Nghĩa được chọn đi dự thi APhO 2008 tại Mông Cổ. Không để mọi người thất vọng, tấm huy chương vàng môn vật lý thứ hai được Nghĩa mang về trong đấu trường châu lục. Tham gia IPhO lần thứ 39 tổ chức tại Việt Nam, tuy không đạt được số điểm cao như mong đợi nhưng Nghĩa vẫn giữ “màu huy chương” khi giành huy chương vàng. Chia sẻ về vấn đề này, Nghĩa cho biết: “Năm 2007, thi IPhO 38 tại Iran, tâm lý có thoải mái hơn rất nhiều so với năm 2008. Năm nay, dù được tổ chức trên sân nhà nhưng tâm lý lại “căng” hơn. Chính vì vậy mà ở bài thi thực nghiệm, sau khi hoàn thành, Nghĩa phát hiện ra một số sai sót, phải làm lại. Vì sợ không đủ thời gian nên có một số điểm chưa chính xác. Do đó, điểm của Nghĩa có bị “tụt” hơn so với năm trước. Nhưng dù vậy, Nghĩa cũng rất vui và hạnh phúc”. Trong lễ bế mạc IPhO, dưới hàng ghế khán đài, mọi người đều nhìn thấy hình ảnh người cha già thân thương của Nghĩa. Dường như, qua mỗi cuộc thi, đâu đó, đều có bóng ông bên cạnh Nghĩa để động viên và là chỗ dựa tinh thần.

Đỗ Hoàng Anh: Bốn lần ra sân chơi quốc tế

So với các bạn trong đội tuyển tham dự IPhO (Olympic Vật lý quốc tế) lần thứ 39, Đỗ Hoàng Anh có vẻ “to con” hơn cả và cũng lại mang dáng dấp “gà công nghiệp” nhất. Hoàng Anh rất kiệm lời và rất khó nói chuyện trong lần gặp đầu tiên. Tuy nhiên, đó chỉ là vẻ bề ngoài, còn thực chất, Hoàng Anh hiền như… con gái. Và cái tên Đỗ Hoàng Anh đã không còn xa lạ với sân chơi vật lý quốc tế, chỉ trong vòng hai năm (2007 – 2008), cậu đã 4 lần “góp mặt” tại APhO (Olympic Vật lý châu Á) và IPhO.

“Lây” bệnh đi ngủ từ sớm của mẹ (mẹ Hoàng Anh hay bị mất ngủ nên thường đi ngủ từ rất sớm) chính vì vậy mà có hôm mới có 9 giờ, Hoàng Anh đã tắt đèn đi ngủ. Nhưng không vì thế mà niềm say mê môn vật lý của cậu bị sụt giảm. Cậu học trò có gương mặt thông minh và vóc dáng khỏe mạnh này tâm sự: “Không có bí quyết nào khác để học tốt môn vật lý này ngoài sự say mê nó một cách thực sự. Việc tự học cũng rất quan trọng nhưng cũng cần phải cân đối thời gian cho các môn học và nghỉ ngơi. Mỗi ngày em chỉ dành khoảng 2-3 tiếng để tự học vào buổi tối và luôn cố gắng đi ngủ trước 10 giờ để giữ gìn sức khỏe”. Chị Hoàng Thị Toan, mẹ của Hoàng Anh tự hào: “Hoàng Anh đã từng tham dự 2 kỳ APhO và giành 1 huy chương đồng, 1 huy chương vàng. IPhO Hoàng Anh giành 1 huy chương bạc (IPhO 38 tại Iran) và 1 huy chương vàng (IPhO 39 tổ chức tại Việt Nam). Như vậy, trong bộ sưu tập huy chương của mình, Hoàng Anh đã giành trọn bộ.

Nguyễn Đức Minh: “Tự học là bí quyết thành công”

Học chuyên lý Trường THPT Hà Nội – Amsterdam, Minh là thành viên thứ tư của đội tuyển IPhO Việt Nam mang về tấm huy chương vàng quý giá. Với tâm lý tự tin, thoải mái, không chịu sức ép tâm lý, Minh bước vào sân chơi IPhO 39 như một cuộc chơi thực sự. Bà nội của Minh là cô giáo Nguyễn Phương Nga cho biết, năm lớp 10, Minh thi đỗ vào chuyên Lý của 3 trường chuyên lớn tại Hà Nội: khối chuyên ĐH Quốc gia Hà Nội, Hà Nội – Amsterdam, khối chuyên ĐH Sư phạm Hà Nội. Nhưng Minh đã chọn Trường Ams vì nó mang tính “phổ thông” hơn. Tại đây, Minh đã được các thầy cô trong trường tận tình giảng dạy. “Chính các thầy đã cho Minh mượn tài liệu của các anh chị đi trước để lại. Minh thường mang về nhà để tự giải” – bà của Minh chia sẻ. Không những thế, Minh cũng “download” các bài tập trên mạng về để tham khảo thêm. Nghe tin Minh đạt huy chương vàng tại IPhO 39, bà nội, bố mẹ Minh đã đến Trung tâm Hội nghị quốc gia, nơi diễn ra lễ bế mạc và là nơi trao huy chương cho các thí sinh, để động viên, khích lệ và chia sẻ niềm vui với Minh. Nói về bí quyết học tập của mình, Minh cho biết tự học là cách tốt nhất giúp Minh thành công. Bên cạnh đó, phải kể đến công lao dạy dỗ của các thầy cô giáo và công lao chăm sóc của gia đình.

Nghiêm Huê

Bình luận (0)