Những người tìm việc thường chuẩn bị trước cho những tình huống xấu như nhà tuyển dụng không bao giờ gọi lại hay câu hỏi phỏng vấn “khó nhằn”. Nhưng đó vẫn chưa phải là những “cơn ác mộng” thực sự có thể xảy đến với bạn khi bạn đi tìm một công việc mới.
Điều tồi tệ nhất là khi sếp hiện tại phát hiện bạn đang đi phỏng vấn ở những công ty khác, hoặc khi một thỏa thuận công việc mới đổ vỡ sau khi bạn đã nộp đơn xin thôi công việc hiện tại…
Dưới đây là 4 “thảm họa” có thể xảy ra khi bạn tìm việc. Rất hy vọng bạn sẽ không bao giờ rơi vào những tình huống như thế:
Ảnh minh họa. |
1. Sếp hiện tại phát hiện ra bạn đang nhăm nhe “nhảy” việc, trong khi bạn chưa sẵn sàng thông báo về việc này
Trên thực tế, cũng có một số nhà quản lý giữ thái độ bình thường khi đón nhận thông tin bạn muốn chuyển sang một công ty mới. Tuy nhiên, đa số các sếp đều không vui khi biết điều đó. Nhiều nhà quản lý khi đối mặt với tình huống này đều xem bạn là nhân viên không trung thành hoặc “đứng núi này trông núi nọ”. Kết quả là, họ sẽ ngừng giao cho bạn những nhiệm vụ quan trọng, hạn chế đầu tư cho sự phát triển nghề nghiệp của bạn, và thậm chí thẳng tay sa thải bạn.
Tất nhiên, không phải nhà quản lý nào cũng có những cách phản ứng như vậy, nhưng bạn cần phải đề phòng trước tất cả để tránh bị động trong tình huống xấu nhất. Điều quan trọng là bạn cần phải hiểu sếp mình là người như thế nào.
Trong trường hợp sếp phát hiện ra bạn muốn chuyển trước khi bạn sẵn sàng ra đi, cách tốt nhất để cứu vãn tình thế là bạn không nói dối. Nếu bạn nói dối, và sau đó bạn tìm được một công việc mới, rồi chuyển đi không lâu sau đó, bạn sẽ lộ rõ là người không trung thực và sẽ mất đi mối quan hệ với công ty cũ. Thay vào đó, bạn nên giải thích là mình đang xem xét những cơ hội để thúc đẩy sự nghiệp, hoặc nói rằng bạn lo ngại về sự ổn định của công ty trong bối cảnh kinh tế khó khăn, sau đó thể hiện qua công việc rằng bạn vẫn cam kết gắn bó với công ty.
2. Bạn hiểu là sẽ không nhận được lời giới thiệu tốt từ vị sếp gần nhất
Nếu sếp cũ dành cho bạn một bản giới thiệu (reference) bất lợi, bạn có thể giấu biệt, không nộp cho nhà tuyển dụng. Nhưng cách này có thể không mấy hiệu quả, vì nhà tuyển dụng có thể gọi điện cho bất kỳ công ty nào mà bạn đã làm việc qua, hoặc một ai đó biết bạn, cho dù bạn không hề đề cập đến họ trong danh sách tham khảo.
Vì vậy, tốt nhất, bạn hãy gọi cho sếp cũ và hỏi xem liệu ông/bà ấy có nhất trí với bạn về những gì mà ông/bà ấy định nói về bạn với nhà tuyển dụng trong trường hợp bạn xin bản giới thiệu hay nhà tuyển dụng gọi tới. Nếu cách này không đạt kết quả, bạn có thể trao đổi với bộ phận nhân sự của công ty cũ và bộ phận này có thể sẵn sàng giúp bạn đề xuất với sếp của bạn.
Trong trường hợp tất cả các cách trên đều thất bại, rất có thể bạn sẽ phải nói với nhà tuyển dụng rằng, những lời giới thiệu về bạn từ công ty cũ sẽ không phải là những lời tốt đẹp. Khi đó, bạn sẽ phải đưa ra lý do và bối cảnh để giải thích về những gì mà họ có thể nhận được trong bản giới thiệu từ công ty cũ của bạn. Chẳng hạn, mối quan hệ của bạn với sếp cũ xấu đi sau một sự kiện cụ thể nào đó. Bạn có thể nói thêm: “Sếp cũ vốn đánh giá cao tôi, nhưng về sau, mối quan hệ xấu đi và tôi lo rằng, điều đó ảnh hưởng tới những lời giới thiệu”. Bạn cũng cần phải chuẩn bị trước cho những câu hỏi của nhà tuyển dụng về nguyên nhân dẫn tới sự căng thẳng quan hệ của bạn với sếp cũ.
3. Một công ty nói với bạn sẽ nhận bạn và bạn ngừng kiếm việc, nhưng sau đó họ lại không nhận nữa
Tình huống này thường xuyên xảy ra. Một công ty nói có khả năng nhận bạn và đang làm các thủ tục, nhưng sau đó họ im lặng. Nếu bạn hỏi, họ nói đang tiến hành, nhưng bạn chờ mãi không có kết quả. Trong khi đó, bạn đã từ chối các lời mới phỏng vấn khác và ngừng gửi hồ sơ tới các công ty khác vì chắc mẩm sẽ được công ty này nhận vào làm.
Tình huống này rất dễ tránh, chỉ cần bạn nhớ rằng bạn chưa thực sự được một công ty nhận nếu chưa có được lời đề nghị chính thức từ họ, bằng văn bản càng tốt. Đừng từ bỏ quá trình tìm việc trước khi bạn có được lời đề nghị chính thức đó, cho dù bạn đã tin chắc đến đâu. Ngoài ra, ngay cả khi bạn đã có được lời đề nghị, bạn có thể không hài lòng về mức lương hay các vấn đề khác. Bởi vậy, hãy duy trì công cuộc tìm kiếm công việc.
4. Bạn nhận một công việc mới, bỏ công việc hiện tại, nhưng sau đó công ty mới lại hủy lời mới dành cho bạn
Trong trường hợp này, bạn đã nộp đơn xin thôi việc cũ, và rốt cục chẳng có công việc nào. Tình huống như vậy không xảy ra nhiều, thậm chí là rất ít, nhưng bạn vẫn cần phải đề phòng.
Ở nhiều quốc gia, nếu điều này xảy ra, bạn có thể đòi bồi thường từ công ty mới, với lập luận rằng, bạn thôi việc ở công ty cũ vì lời hứa hẹn của họ. Bạn cũng có thể trao đổi với công ty cũ xem bạn có thể tiếp tục ở lại không. Tuy nhiên, sẽ là hơi “kỳ quặc” nếu bạn xin nghỉ việc rồi lại xin ở lại.
Có một tin tốt lành là hầu hết những người tìm việc làm đều không rơi vào những “cơn ác mộng” đề cập ở trên. Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế và việc làm khó khăn như hiện nay, lường trước không bao giờ là thừa.
Theo Phương Anh
Dân trí
Bình luận (0)