Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

4 kiến nghị cho giáo dục ĐBSCL

Tạp Chí Giáo Dục

Cùng với giao thông, thủy lợi, giáo dục – đào tạo và dạy nghề được xác định là 1 trong 3 mũi đột phá của vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Qua hơn 3 năm thực hiện Quyết định 20/2006 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển giáo dục, đào tạo và dạy nghề ĐBSCL đến năm 2010, các bộ, ngành trung ương và địa phương trong vùng đã tập trung đầu tư nâng cấp, mở rộng cơ sở vật chất, quy mô đào tạo, phát triển về số lượng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của vùng. Tuy vậy, do xuất phát điểm thấp so với cả nước, đến nay GD-ĐT ĐBSCL vẫn còn nhiều bất cập. Chúng tôi xin kiến nghị 4 giải pháp cho vấn đề giáo dục và phát triển nguồn nhân lực của ĐBSCL.
        Nhiều nỗ lực nhưng còn nhiều bất cập
ĐBSCL đã đầu tư hơn 1.800 tỷ đồng xây dựng gần 12.000 phòng học; đang triển khai chương trình kiên cố hóa trường học và nhà công vụ cho giáo viên giai đoạn 2008-2012, với kế hoạch xây dựng khoảng 24.000 phòng học và trên 180.000m² nhà ở công vụ giáo viên. Mạng lưới trường lớp từ mầm non đến trung học phổ thông, giáo dục đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và dạy nghề có bước phát triển toàn diện.

ĐBSCL hiện có 11 trường đại học, 1 phân hiệu Đại học Thủy sản Nha Trang (tăng 2 trường, chưa kể Bộ GD-ĐT đang triển khai đầu tư xây mới một trường đại học tiêu chuẩn quốc tế tại Cần Thơ), 27 trường cao đẳng (tăng 8 trường). Hệ thống trường trung cấp chuyên nghiệp phát triển mạnh với 52 cơ sở đào tạo (có 28 trường trung học chuyên nghiệp). Quy mô giáo dục và đội ngũ giáo viên từng cấp học đều phát triển mạnh so với năm học 2005-2006.
Tuy nhiên, từ một xuất phát điểm thấp so với các vùng miền khác, giáo dục – đào tạo và dạy nghề ĐBSCL vẫn chưa tương xứng tiềm năng và yêu cầu phát triển của một vùng kinh tế trọng điểm thứ tư của cả nước.
Tỷ lệ học sinh THPT đi học đúng độ tuổi mới đạt 43%, tỷ lệ lao động qua đào tạo mới đạt 17,24%, bình quân mới có 85 sinh viên đại học/một vạn dân (chỉ tiêu là 150 sinh viên/vạn dân). Tình trạng học sinh bỏ học ở ĐBSCL vẫn cao so với cả nước (ở mức 3,1% so với bình quân chung cả nước là 1,37%).
Nguyên nhân của thực trạng trên chủ yếu là do: quy hoạch mạng lưới trường học còn nhiều hạn chế; cơ chế, chính sách về dạy nghề cho lao động nông thôn còn bất cập; cơ sở vật chất, trang thiết bị lạc hậu; thông tin thị trường lao động, việc làm chưa đầy đủ và kịp thời, người lao động còn lúng túng trong việc lựa chọn nghề, tìm kiếm việc làm sau khi học nghề; tính liên thông, liên kết trong đào tạo, dạy nghề, giữa đơn vị đào tạo và sử dụng lao động còn nhiều hạn chế; năng lực của một bộ phận cán bộ quản lý chưa đáp ứng yêu cầu phát triển, chưa tham mưu được cơ chế chính sách linh hoạt, phù hợp với đặc điểm kinh tế, xã hội địa phương.
Học sinh vùng lũ tỉnh An Giang đến trường. Ảnh: ĐÌNH TUYỂN
        Những giải pháp để phát triển đồng bộ
Để giáo dục – đào tạo và dạy nghề ĐBSCL tiếp tục phát triển, cần thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, đáp ứng yêu cầu tình hình mới, gắn với chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, khai thác hiệu quả những tiềm năng, thế mạnh, phát huy sức mạnh tổng hợp của vùng, tăng cường liên kết, giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo, tận dụng hỗ trợ từ ngoài vùng (TPHCM và ngoài nước); khắc phục những bất cập, yếu kém trên tất cả các lĩnh vực có liên quan đến phát triển nguồn nhân lực ĐBSCL.
Trên cơ sở nhìn nhận đúng thực chất tình hình, Ban chỉ đạo Tây Nam bộ, Bộ GD-ĐT, Bộ LĐTB-XH, các tỉnh, thành Tây Nam bộ thống nhất kiến nghị Chính phủ tiếp tục tập trung đầu tư cho lĩnh vực có tính đột phá này của vùng những định hướng và giải pháp quan trọng sau:
Một là, xây dựng chương trình phát triển nguồn nhân lực trong 10 năm tới, tầm nhìn 20 năm để triển khai ngay sau khi kết thúc việc thực hiện Quyết định 20/2006 vào năm 2010. Trong đó, tiếp tục xác định GD-ĐT là nhân tố quyết định đối với sự phát triển của ĐBSCL, đưa ra được những mục tiêu và giải pháp cụ thể
Theo đó, tăng đầu tư ngân sách cho ĐBSCL cao hơn so với thời gian qua, mức tối thiểu tương ứng với tỷ lệ dân số của vùng (tương đương 22% so với cả nước). Ưu tiên cho vùng ĐBSCL tiếp cận và phát huy các nguồn vốn ODA thông qua những dự án cụ thể.
Hai là, ban hành cơ chế chính sách đặc thù về GD-ĐT và dạy nghề cho ĐBSCL. Kiến nghị Chính phủ hỗ trợ 100% kinh phí đền bù cho các dự án trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề trên địa bàn các tỉnh còn trợ cấp của trung ương thay vì hỗ trợ 50% theo như Nghị định số 69/2008 ngày 30-5-2008 của Chính phủ về chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề.
Có chương trình cụ thể nhằm cải thiện môi trường làm việc tại vùng ĐBSCL; khôi phục và phát triển các làng nghề truyền thống có giá trị kinh tế, gắn liền với quá trình đô thị hóa nông thôn bằng việc kết hợp công nghệ truyền thống với tri thức hiện đại và công nghệ mới.
Ba là, đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng mới tại Cần Thơ một trường đại học theo tiêu chuẩn quốc tế; cùng với việc đầu tư nâng cấp Trường Đại học Cần Thơ thành trường trọng điểm quốc gia, xây dựng Trường Đại học An Giang trở thành trường đại học trọng điểm quốc gia thứ hai trong vùng. Đầu tư và xây dựng 2 trường dạy nghề có trình độ khu vực ASEAN. Xây dựng trung tâm thông tin, dự báo phát triển nguồn nhân lực vùng ĐBSCL.
Bốn là, tăng cường liên kết, hợp tác giữa các tỉnh, thành ĐBSCL, các bộ ngành trung ương và TPHCM. Theo đó, xác định các thứ tự ưu tiên cần giải quyết trong tổng số các nguồn lực của địa phương và trung ương đầu tư; rà soát và hoàn thiện quy hoạch mạng lưới trường học, cơ sở đào tạo và dạy nghề.
Nghiên cứu xây dựng nội dung chương trình đào tạo nghề mới theo hướng đa dạng về chương trình và hình thức đào tạo nghề phù hợp với khả năng và nhu cầu của người dân các địa phương trong vùng ĐBSCL. Xã hội hóa mạnh mẽ trên cơ sở đảm bảo chuẩn chất lượng nguồn nhân lực tại ĐBSCL.
Tạo điều kiện cho doanh nghiệp tham gia đào tạo nguồn nhân lực tại ĐBSCL. Khuyến khích đào tạo và có chế độ hỗ trợ đào tạo nghề cho những doanh nghiệp tự đào tạo nghề. Đào tạo nghề theo nhu cầu. 
LƯU PHƯỚC LƯỢNG
Phó Trưởng ban chỉ đạo Tây Nam bộ
SGGP

Bình luận (0)