Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

4 năm đi tìm công bằng cho con

Tạp Chí Giáo Dục

Cầm di ảnh của người con trai đã mất trên tay, bà Đặng Thị Nhu (52 tuổi, quê huyện Đức Huệ, tỉnh Long An) vội lau đi những giọt nước mắt chia sẻ: “Con tui đã chết được hơn 4 năm rồi. Tôi cũng chỉ mong tìm ra được người đã gây ra cái chết cho nó để đòi lại công bằng thôi”.

Hai bị cáo Huỳnh Ngọc Tòng và Phạm Xuân Bình đứng trước vành móng ngựa

Ai gây ra cái chết?

Trước khi phạm tội, Huỳnh Ngọc Tòng (SN 1974, quê ở Cao Lãnh, Đồng Tháp) đang là thiếu tá, Phó đội trưởng Đội điều tra trinh sát công an thành phố Cao Lãnh. Liên quan đến vụ án còn có Phạm Xuân Bình (SN 1985, quê Đồng Tháp) cũng là cán bộ điều tra công an thành phố Cao Lãnh. Hai bị cáo được đưa ra xét xử tại ngoại tại phiên tòa phúc thẩm của TAND cấp cao tại TP.HCM với tội danh “dùng nhục hình” gây ra cái chết thương tâm cho bị hại là Nguyễn Tuấn Thanh (31 tuổi, quê ở Đức Hòa, Long An). Đã từng là cán bộ điều tra nên hai bị cáo khi đứng trước tòa đều tỏ ra khá bình tĩnh, khai báo một cách chi tiết trước Hội đồng xét xử (HĐXX). Nhưng điều đáng nói là cả hai đều “kêu oan” và cho rằng mình không phạm tội, không liên quan đến cái chết của bị hại với những bằng chứng ngoại phạm khác nhau. Bị hại Thanh khi đang điều khiển xe máy mang biển số 60S3-8037 chạy lòng vòng trên địa bàn thành phố Cao Lãnh đã bị đội trinh sát thành phố nghi ngờ là đối tượng trong vụ trộm cắp xe nên đã theo dõi đối tượng. Khi biết mình bị theo dõi Thanh đã tăng ga bỏ chạy nhưng với sự phối hợp của công an liên ngành thì bị hại đã bị bắt sau đó. Phó Trưởng công an thành phố Cao Lãnh đã ký quyết định bắt Thanh với tội danh “Trộm cắp tài sản” và giao cho bị cáo Tòng là người trực tiếp thi hành lệnh. Tuy nhiên, Thanh đã không ký vào biên bản nhận tội và bị chết sau 1 ngày giam giữ. Sau khi khám nghiệm tử thi xác định nguyên nhân chết là do tình trạng suy tuần hoàn cấp, bị chấn thương.

Luật sư Vũ Xuân Hoàng (Đoàn luật sư TP.HCM) cho biết: “Đây là vụ án có nhiều oan sai, liên quan đến nhiều người lại toàn là điều tra viên nên cần phải xem xét kỹ càng để tránh kết tội sai người và bỏ lọt tội phạm. Quyền con người cần được bảo vệ, pháp luật nghiêm cấm mọi hành vi xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe con người”.

Cúi đầu trước vành móng ngựa, giọng nói điềm tĩnh, nhẹ nhàng bị cáo Tòng phân bua: “Bị cáo bị oan, bị cáo không phạm tội, bản thân, gia đình, dòng họ bị cáo đã chịu oan ức, tai tiếng suốt 4 năm qua”. Chủ tọa phiên tòa gay gắt: “Hôm nay, bị cáo ra tòa với tư cách là bị cáo nhưng trước đây bị cáo là điều tra viên nên bị cáo phải biết khi kết tội cần phải đưa ra những chứng cứ khách quan, công bằng và minh bạch nhất”. Chủ tọa tiếp tục nhưng tỏ thái độ bức xúc: “Vậy thì ai là người gây ra cái chết cho nạn nhân? Quyền con người cần phải được pháp luật bảo vệ”.

Mong tìm ra chân lý

Thanh là con trai duy nhất trong gia đình có 4 chị em. Tuổi đời còn rất trẻ chưa có vợ con lại đã từng hoàn thành nghĩa vụ quân sự tại địa phương. Trước mất mát to lớn này cả gia đình, dòng họ ai cũng tỏ ra bức xúc đau buồn. Bà Nhu (mẹ Thanh) buồn bã kể: “Gia đình tôi thuê xe đi từ 4 giờ sáng đến 7 giờ 30 phút thì lên đến tòa đợi đến 10 giờ trưa mới đến lượt xử, cả nhà tôi mong mỏi, chờ đợi suốt 4 năm qua chỉ mong lấy lại công bằng cho con”.

Và cứ thế phiên tòa trôi qua một cách nặng nề, ai nấy đều cảm thấy mệt mỏi. Đã quá trưa chủ tọa phiên tòa phải cho nghỉ 30 phút sau đó mới tiếp tục. Cầm di ảnh con đứng trước HĐXX giọng bà Nhu run run: “Kính mong tòa xử đúng người, đúng tội để lấy lại công bằng cho con tôi”. Vị chủ tọa tỏ ra không hài lòng: “Đây là phòng xử án chứ không phải phòng thờ. Bà cất ảnh đi mang về nhà thờ ở những nơi trang trọng. HĐXX sẽ xét xử công minh nhất cho cả 2 bên để tránh quy kết sai người hay bỏ lọt tội phạm”.

Bà Nhu ra xe về nhà nhưng vẫn chia sẻ: “4 năm qua  vẫn không tìm ra được ai là người gây ra cái chết cho con tui. Cả nhà tui lại phải tiếp tục chờ nhưng không biết đến khi nào?

Cái nắng Sài Gòn đã tắt dần mà phiên tòa vẫn nóng ở phần tranh cãi giữa các luật sư. Luật sư bảo vệ quyền lợi cho hai bên đều yêu cầu hủy toàn bộ án sơ thẩm để điều tra lại do có những chứng cứ chưa rõ ràng, tòa án tỉnh Đồng Tháp xử chưa đúng. Nhận thấy vụ án còn nhiều sai sót nên HĐXX đã quyết định trả hồ sơ vụ án để điều tra lại. Luật sư Vũ Xuân Hoàng (Đoàn luật sư TP.HCM) cho biết: “Đây là vụ án có nhiều oan sai, liên quan đến nhiều người lại toàn là điều tra viên nên cần phải xem xét kỹ càng để tránh kết tội sai người và bỏ lọt tội phạm. Quyền con người cần được bảo vệ, pháp luật nghiêm cấm mọi hành vi xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe con người”.

Bài, ảnh: Nghiêm Quế

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)