Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

4 tình huống ứng phó với cúm A(H7N9)

Tạp Chí Giáo Dục

Với mục tiêu chủ động phát hiện và sẵn sàng ứng phó nhằm ngăn chặn, giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm cho người và tác động bất lợi nếu virus cúm A(H7N9) xâm nhập vào Việt Nam, ngày 18-2, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã họp Ban chỉ đạo phòng chống cúm gia cầm. Tại đây, lãnh đạo Bộ NN&PTNT đã công bố kế hoạch hành động ứng phó khẩn cấp với các chủng virus cúm gia cầm nguy hiểm có khả năng lây sang người.
Virus cúm A(H7N9) được phát hiện đầu tiên ở Trung Quốc vào tháng 3-2013. Đến nay đã ghi nhận 339 ca bệnh, trong đó 66 ca tử vong. “Nguy cơ virus cúm A(H7N9) xâm nhập vào Việt Nam trong thời gian tới là rất cao, nhất là tại các tỉnh biên giới phía Bắc và các tỉnh có liên quan tới buôn bán, tiêu thụ gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu, không rõ nguồn gốc”, đại diện Bộ NN&PTNT nhấn mạnh.
Tổ chức FAO nhận định, Việt Nam, Lào và Myanmar là những nước có nguy cơ cao lây nhiễm virus cúm A(H7N9) từ Trung Quốc. Do đó, cần thiết phải xây dựng kế hoạch chủ động nhằm phát hiện và ứng phó với virus cúm này trên gia cầm tại Việt Nam. Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch cúm gia cầm đã đưa ra 4 tình huống.
Trong đó tình huống 1 là: Chưa phát hiện virus cúm A(H7N9) trên gia cầm, môi trường và trên người. Với tình huống này, các chợ buôn bán gia cầm sống phải có khu vực buôn bán gia cầm, khu vực giết mổ gia cầm riêng biệt. Đặc biệt, mỗi tháng các chợ phải nghỉ ít nhất 1 ngày, thực hiện vệ sinh khử trùng khu vực bán gia cầm sau mỗi buổi chợ. Gia cầm sống tại các chợ của 9 tỉnh, thành gồm: Lào Cai, Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nội, Hưng Yên thường xuyên được lấy mẫu giám sát.
Tình huống 2 là: Chưa phát hiện virus cúm A(H7N9) trên gia cầm và môi trường nhưng có người mắc bệnh. Với mục tiêu giảm thiểu nguy cơ virus nhân lên và phát tán rộng, đội ứng phó nhanh của Bộ NN&PTNT phối hợp với các đơn vị của Bộ Y tế triển khai điều tra dịch tễ, tăng cường hoạt động lấy mẫu giám sát dịch bệnh trên đàn gia cầm và môi trường tại khu vực có bệnh nhân và những khu vực có yếu tố dịch tễ liên quan. Trên cơ sở kết quả điều tra dịch tễ ca bệnh trên người, đề nghị chính quyền địa phương cấm tạm thời việc vận chuyển, buôn bán gia cầm trên địa bàn có nguy cơ cao trong khoảng thời gian 7 ngày để phục vụ công tác điều tra dịch tễ trên đàn gia cầm.
Tình huống 3 là Phát hiện virus cúm A(H7N9) trên gia cầm hoặc môi trường, nhưng chưa có người mắc bệnh. Bộ NN&PTNT tăng cường lấy mẫu xét nghiệm. Trường hợp phát hiệnvirus cúm A(H7N9) trên các mẫu lấy tại chợ thì cấm tạm thời việc bán gia cầm sống đối với chợ dương tính trong khoảng thời gian tối thiểu 7 ngày để phục vụ công tác điều tra dịch tễ, xác minh nguồn gốc của virus trong chợ. Lấy mẫu giám sát và tiêu hủy ngay những đàn gia cầm đang được bán trong chợ. Triển khai việc vệ sinh, tiêu độc, khử trùng hàng ngày đối với toàn bộ khu vực chợ để giảm thiểu phát tán virus, bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Tăng cường lấy mẫu giám sát tại các chợ có liên quan; Trường hợp phát hiệnvirus cúm A(H7N9) trong các mẫu thu thập từ trại chăn nuôi, tiến hành điều tra dịch tễ, tiêu hủy gia cầm trong trang trại nhằm giảm thiểu nguy cơ lây truyền virus ra ngoài. Đóng cửa trang trại ít nhất 21 ngày và thực hiện vệ sinh, tiêu độc, khử trùng toàn trang trại. Đàn gia cầm tại các địa điểm có yếu tố dịch tễ liên quan sẽ được giám sát. Kiểm soát chặt việc vận chuyển gia cầm và sản phẩm gia cầm trên địa bàn cấp huyện, nghiêm cấm việc vận chuyển gia cầm không rõ nguồn gốc và chưa qua kiểm dịch thú y. Trường hợp phát hiệnvirus cúm A(H7N9) trong thôn, bản, ấp có nuôi gia cầm,tiến hành điều tra dịch tễ để xác định những đàn gia cầm có tiếp xúc với đàn bị nhiễm bệnh, tiêu hủy tất cả gia cầm trong các đàn bị nhiễm bệnh và đàn có tiếp xúc với đàn nhiễm bệnh. Tạm dừng việc vận chuyển gia cầm trong thôn, bản, ấp, bao gồm cả việc cấm thả rông gia cầm, lấy mẫu xét nghiệm thêm để xác định mức độ lan truyền virus trong địa bàn. Với ngành y tế, triển khai các hoạt động giám sát virus cúm A(H7N9) trên người tại những khu vực có mẫu xét nghiệm dương tính trên gia cầm, môi trường.
Tình huống cuối cùng là Phát hiện virus cúm A(H7N9) trên gia cầm hoặc môi trường và có người mắc bệnh. Mục tiêu là giảm thiểu nguy cơ virus nhân lên, phát tán rộng và tiếp tục lây nhiễm cho động vật, cho người. Ngoài việc triển khai các biện pháp như tình huống 2 và 3, đề nghị các tổ chức quốc tế và các nước hỗ trợ Việt Nam phòng chống dịch.
Kim Anh

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)