Khoa học - Công nghệPhát minh khoa học

4 tranh cãi không hồi kết của người dùng công nghệ VN

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Những "từ khóa" như iPhone, Windows, bản quyền… luôn khơi mào cho những tranh luận khó phân định thắng thua giữa phe ủng hộ và phản đối.

iPhone và các điện thoại khác

Giới hâm mộ iPhone tuyên bố sản phẩm này không có đối thủ. Các điện thoại xếp vào hàng "sát thủ" đều bắt chước smartphone của Apple từ kiểu dáng, giao diện đến tính năng rồi tăng thêm chút cấu hình, bổ sung bàn phím… nhưng chưa thiết bị nào thực sự đột phá. Đặc điểm người dùng tự hào nhất ở iPhone chính là cảm ứng đa điểm "chạm và vuốt" nên bất cứ sản phẩm sử dụng cảm ứng điện trở nào cũng sẽ bị nhận xét: "Riêng cái kiểu màn hình chọt chọt là không mê được rồi". Còn với thiết bị có multitouch như HTC HD2 lại bị chê "chưa mượt và sáng như iPhone". Lời khẳng định "còn lâu mới bằng iPhone" xuất hiện quá nhiều khiến không ít người ngao ngán than: "Điện thoại nào cũng bị đem ra so sánh mà vẫn chưa chán sao?".

Windows và Mac OS

Nếu người dùng hệ điều hành của Microsoft coi Mac là "cô nàng đỏng đảnh khó chiều" thì người sử dụng chương trình của Apple tuyên bố: "Đã xài Mac, miễn bàn về bà già Windows". Độc giả Mai Đình Thắng ví von: "Mac OS như một thiếu nữ đẹp với vẻ ngoài thanh tao, sang trọng và làn da sáng trắng mịn màng. Nàng là con nhà danh giá nên giá cả sở hữu cũng đáng phải bàn. Còn Windows là một cô gái không bắt mắt những vẫn có thể hoạt động tốt để giúp bạn đạt hiệu quả công việc. Vấn đề nhỏ là cô Mac sexy nhưng lại bị "hôi miệng" còn Windows thì không. Vậy bạn sẽ hôn cô nào, chọn cô nào?". Lập tức, độc giả Minh Thắng "phản pháo" rằng: "Hôi miệng thì còn có thể chữa được chứ sexy thì khó lắm".

Phần mềm bản quyền và phần mềm lậu

Phần mềm được bàn cãi nhiều nhất vẫn là hệ điều hành Windows. Không ít người Việt Nam cho rằng mức giá sản phẩm quá cao so với thu nhập trung bình, đặc biệt là học sinh sinh viên, nên không thể tránh khỏi tình trạng sử dụng Windows "chùa". "Sinh viên như tôi thì tiền ăn học cũng mệt rồi huống chi là để mua bản quyền. Với người VN, khái niệm này còn xa vời, chắc sẽ có thay đổi trong tương lai nhưng giờ thì vẫn dùng bản lậu trên mạng thôi", độc giả Minh Lộc nhận xét.

Tuy nhiên, nhiều người cho rằng không thể lấy giá cả và hoàn cảnh ra để biện minh cho hành vi trái pháp luật bởi đầu tư 2 triệu đồng cho một chương trình có thể hoạt động 5 năm cũng không phải quá đắt đỏ, hoặc nên chuyển sang Ubuntu và các hệ điều hành nguồn mở cũng như các phần mềm miễn phí khác.

Sản phẩm công nghệ giá cao

Điện thoại, máy tính khoảng 20 triệu đồng luôn bị đem ra cân đong đo đếm, ví dụ như số tiền mua iPhone 3GS (khi mới xuất hiện) được cho là đủ để sắm một bộ máy tính + điện thoại + camera, hay 20 triệu cho Nokia Booklet 3G có thể mua hai laptop có cấu hình tương tự. Đặc biệt, những phiên bản sang trọng như Vertu gây tranh cãi nhiều nhất. Một số độc giả VnExpress.net nhận xét: "Điện thoại (Vertu nắp gập) không sang trong quý phái mà cảm giác như một điện thoại bình thường được trang trí loè loẹt. Thiết kế không đặc sắc và giá trị không xứng với số tiền bỏ ra" hoặc "Máy thế này hàng Trung Quốc đầy mà chỉ có hơn 1 triệu đồng".

Tuy nhiên, nhiều người khẳng định đây là điện thoại "dành cho giới thượng lưu" – những người không cần nhiều tính năng nhưng cần một thiết bị thể hiện đẳng cấp. "Người ta có thể chọn mua dễ dàng những sản phẩm được sản xuất hàng loạt. Với Vertu, người ta mua một dịch vụ hoàn hảo, một sản phẩm tinh xảo, đẳng cấp. Cái khác biệt của người dùng bình thường là chỉ sử dụng chức năng chứ chưa đủ đẳng cấp để tiếp cận những dịch vụ mà Vertu mang lại", độc giả An Nguyễn chia sẻ.

Lê Nguyên (Theo VNE)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)