Hội nghị tổng kết một năm thực hiện Quyết định số 157/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với học sinh, sinh viên (HSSV) được truyền hình trực tuyến tại 4 đầu cầu: Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng và Cần Thơ vừa được tổ chức sáng 14-8-2008. Sau một năm thực hiện vấn đề tín dụng đối với HSSV, có thể nói có nhiều bài học đã được rút ra.
Tỷ lệ người vay đi học vẫn còn thấp
Phát biểu tại hội nghị, Phó thủ tướng kiêm Bộ trưỏng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân cho biết năm vừa qua, chúng ta đã chi 5.000 tỷ đồng cho hơn 754.000 người vay, đúng đối tượng. Với tỷ lệ tổng kết được 14,5% hộ nghèo, 67% hộ cận nghèo. Thực tế thì những hộ nghèo không có điều kiện để chăm sóc con em đi học ĐH, CĐ, những hộ cận nghèo mới gửi đi học nhiều. Ngoài ra năm vừa qua, thiên tai ở nhiều nơi nên có đối tượng hoàn cảnh khó khăn là 14,8%. Phó thủ tướng cũng cho biết, tính đến tháng 8-2007, toàn bộ hệ thống ngân hàng chính sách chỉ cho vay 293 tỷ đồng. Từ sau khi có Quyết định 157 của Chính phủ riêng tỉnh Thanh Hoá đã cho vay 421 tỷ (gấp 23 lần so với trước), Nghệ An là 381 tỷ (gấp 54 lần). Còn Bắc Giang tăng gấp 23 lần. Còn tính cả nước thì quy mô tăng bình quân gấp 7 lần.
Tuy nhiên, Phó thủ tướng cũng băn khoăn là người vay để học nghề còn thấp, chưa đạt 10% mới đạt 8,6%. Báo cáo tổng kết tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận cho rằng quy trình cho vay ở một số địa phương còn chưa chặt chẽ, thậm chí còn “cứng nhắc” yêu cầu HSSV xác nhận 2 lần trong một năm. Chưa có cơ chế trao đổi thông tin về HSSV được vay vốn tín dụng giữa nhà trường và các chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội. Đồng tình với quan điểm này, nhiều trường và địa phương đều cho rằng, cần có sự phối hợp đồng bộ giữa Ngân hàng, nhà trường và địa phương. Có chính sách rõ ràng để thủ tục được đơn giản, thuận lợi hơn cho HSSV và gia đình; để HSSV có thể sử dụng đúng mục đích khoản vay.
4 tỷ USD cho HSSV vay vốn
Qua một năm thực hiện Quyết định 157 của Chính phủ, Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân nói: Từ thực tiễn này, chúng tôi thấy có thể rút ra được một số bài học. Thứ nhất, việc triển khai cho vay này làm được là dựa trên quyết tâm chiến lược của Chính phủ, sự quyết tâm cao của các bộ ngành địa phương. Cũng có lúc, trên phương tiện thông tin đại chúng có đóng góp làm thế nào để vốn vay cần kịp thời hơn. Điều đó là đúng, chứ không thể giải quyết ăn đong hàng tháng hàng quý. Phó thủ tướng khẳng định thường trực Chính phủ đã họp bàn, trong giai đoạn 1, trong vòng 5 năm tới, chúng ta dành khoảng 2 tỷ USD cho việc này. Nói tóm lại ngân sách nhà nước các nguồn hoặc qua trái phiếu sẵn sàng dành 2 tỷ USD đảm bảo vốn hoạt động cơ bản cho giai đoạn này. Tiếp sau đó là 2 tỷ USD nữa. Tổng thể chúng ta dành 4 tỷ USD để tạo một quỹ cho mọi người Việt Nam đủ tiêu chuẩn điều kiện được đi học nghề, học ĐH, CĐ, TCCN. Thứ hai là ai trả vốn vay? Chính người học. Học ĐH, CĐ, TCCN, nghề xong thì mới có thu nhập để trả được. Nhà nước cung vốn để hỗ trợ gia đình nhưng những người trực tiếp trả lâu dài chính là các em. Hiện nay, chúng ta đang có hướng dẫn đối với những em năm đầu tiên ra trường có những cam kết cùng gia đình trả nợ này. Thứ ba là hoạt động vay để học gắn với cơ sở có tính xã hội cao phải huy động với các đơn vị cùng tham gia, riêng một mình nhà nước không thể làm được. Thứ tư là những vấn đề xã hội thì luôn có rủi ro, chúng ta phải lường trước được và tìm cách khắc phục. Trong quá trình chúng ta làm, cái rủi ro thứ nhất là không đúng đối tượng.
Cũng tại hội nghị, Phó thủ tướng yêu cầu một số việc cần làm trong thời gian tới như: Đảm bảo đủ nguồn vốn 5.000 tỷ để cho sinh viên vay trong năm học mới này; rà soát lần nữa những quy định, tiêu chí cho vay; Bước vào quý 4 năm 2008, phần mềm quản lý phải được đưa vào hoạt động, phải thực hiện được 4 biết: các trường phải biết, địa phương phải biết, ngân hàng chính sách biết, 3 bộ phải biết. “Đề nghị đến hết tháng 9-2008, ngân hàng chính sách, các bộ ban ngành tham mưu cho được cách xử lý những địa phương xác nhận sai. Cái này chắc sẽ mời Bộ Tư pháp tham gia thêm. Chính phủ hiện soạn thảo quy chế, trách nhiệm bồi thường của cơ quan nhà nước khi ra quyết định sai” – Phó thủ tướng nói.
Trong hội nghị, nhiều đại biểu kiến nghị, do sự trượt giá của đồng tiền nên mức cho vay tối đa 800.000 đồng/tháng không còn đáp ứng đủ nhu cầu của HSSV. Bà Trần Thanh Bình, Phó chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang, đề xuất nâng mức vay lên 1,2 triệu đồng/tháng và mở rộng đối tượng cho vay với các xã thuộc chương trình 135. Về vấn đề này, Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân khẳng định Chính phủ sẽ trả lời trước 20-8-2008.
Nghiêm Huê
Theo Ngân hàng Chính sách Xã hội, qua kiểm tra gần 420.000 hộ vay vốn, đã phát hiện hơn 3.000 hộ gia đình ở 357 xã vay không đúng đối tượng và 77 gia đình, 59 HSSV sử dụng vốn vay sai mục đích. Ngân hàng này kiến nghị, dừng cho vay và thu hồi trước hạn đối với các trường hợp cho vay sai đối tượng và sai mục đích. |
Bình luận (0)