Nhắc đến thầy Mai Xuân Mùi, Phó Giám đốc Nhà Thiếu nhi Đà Nẵng, nhiều người nghĩ ngay đến clip múa “Đàn gà con” do một thầy giáo già tóc bạc đang múa cùng các đoàn viên trẻ tuổi đang được quan tâm trên các trang mạng xã hội. Nhưng ít ai biết rằng, suốt 40 năm qua, thời gian dù có làm thay màu tóc, người thầy ấy vẫn lặng thầm gắn với công tác Đội bằng nhiệt huyết và tâm hồn tươi trẻ, luôn có lửa!
40 năm cống hiến, thầy Mai Xuân Mùi vẫn một tình yêu dành cho thiếu nhi |
Lặng thầm với công tác Đội
Trở về sau chuyến tập huấn ngắn ngày cho các thành viên Hội đồng Đội tại tỉnh Quảng Trị, thầy Mai Xuân Mùi lại tất bật với công tác của mình trong vị trí một Phó Giám đốc. Niềm nở đón khách vào cuối giờ chiều, thầy Mùi bảo, nghề của mình không có thời gian nghỉ, công việc ngoài giờ lại căng thẳng và bận rộn hơn gấp nhiều lần trong giờ hành chính, riết rồi cũng thành quen, mà cái chính là mình đam mê. Thầy Mùi sinh ra và lớn lên ở thành phố Huế. Tốt nghiệp lớp 12, vốn có năng khiếu ca hát, thầy quyết định thi vào Trường Trung cấp Sư phạm Thanh Khê (Đà Nẵng). Tốt nghiệp loại ưu, năm 1977, thầy được giữ lại trường giảng dạy công tác Đội. Trong thời gian đó, thầy vừa đứng lớp vừa tranh thủ bồi dưỡng thêm kiến thức, kinh nghiệm về công tác thiếu nhi ở Học viện Thanh thiếu nhi TW2 tại TP.HCM. “Ngày đó mình vừa giảng dạy vừa tích lũy kinh nghiệm. Đến năm 1990, khi trường nhập với Trường CĐ Sư phạm Đà Nẵng thì Tỉnh đoàn Quảng Nam – Đà Nẵng xin mình về làm công tác thiếu nhi. Thế là mình rời giảng đường nhưng công tác thiếu nhi thì ở đâu vẫn vậy. Thay vì trực tiếp giảng dạy cho sinh viên, mình chuyển sang giảng dạy cho các thành viên Hội đồng Đội, các em thiếu nhi…”, thầy Mùi nói. Rồi đến năm 1998, khi Quảng Nam – Đà Nẵng tách thành hai tỉnh, thành phố khác nhau, thầy lại về công tác trên cương vị Phó Giám đốc nhà thiếu nhi, rồi đảm đương thêm nhiệm vụ Phó Chủ tịch Hội đồng Đội thành phố cho đến bây giờ.
40 năm tròn gắn bó với nghề, không chỉ làm công việc chính ở nhà thiếu nhi vốn đã chiếm gần hết thời gian của thầy dành cho gia đình, thầy còn dành thời gian đi truyền đạt kinh nghiệm, hướng dẫn công tác Đội cho Hội đồng Đội, hoặc các trường học từ Quảng Bình, Quảng Trị cho đến Quảng Nam, Quảng Ngãi, Kon Tum… Ở đâu cần là thầy lại sắp xếp thời gian, cuối tuần lại tất bật lên tàu xe tìm đến nơi có người cần, nhiệt tình và nhẫn nại. Hàng chục lớp tổng phụ trách Đội trưởng thành qua những giờ lên lớp của thầy. Thầy nói: “Nghề này chẳng mấy khi biết đến sự nghỉ ngơi ngoài giờ hành chính, thậm chí những lúc đó mình còn phải làm việc nhiều hơn. Cũng may bà xã mình cảm thông nên mình được theo đuổi đam mê”.
Công tác Đội gắn với những chuyến đi thiện nguyện giúp thầy có nhiều cách nhìn nhận và yêu nghề hơn. Đâu đó có những thiệt thòi của thiếu nhi vùng sâu, vùng xa, thầy lại trăn trở muốn làm một điều gì đó nhiều hơn. “Hạnh phúc của người truyền đạt kinh nghiệm không gì vui bằng khi đến một vùng quê nào đó gặp lại trò của mình cũng đang say sưa với công tác Đội cho trẻ con”, thầy Mùi bộc bạch.
Giữ “lửa” với nghề
Tôi hỏi thầy, điều gì giúp thầy “trẻ” mãi với thiếu nhi? Thầy bảo, đó chính là đam mê, nhiệt tình và phải luôn có lửa. Người làm công tác thiếu nhi sẽ không trụ được với nghề nếu thiếu đi ngần ấy tố chất. |
Ở vào tuổi 59, thầy Mùi vẫn giữ được phong thái hoạt bát, nét vui tươi son trẻ vẫn hiện hữu trên gương mặt, dáng dấp và cả nụ cười. Nói về công tác Đội, thầy vẫn say sưa và thi thoảng phụ họa bằng những điệu múa như tuổi đôi mươi. Với người thầy ấy, quy luật tuổi tác nằm ngoài niềm đam mê cống hiến với nghề. Trong ngần ấy thời gian cống hiến, thầy đã sáng tác hơn 100 điệu múa, xuất bản 4 tập kịch bản truyền thống về công tác Đội… Mỗi năm học, tùy theo từng chủ đề, chủ điểm, thầy lại sáng tác mới một điệu múa khác nhau. Tỉ mẩn với từng hoạt cảnh bằng ngôn từ, khi vừa ý, thầy lại lọ mọ tập tành cho cán bộ Hội đồng Đội, từ đó tập lại cho thiếu nhi diễn. Như mừng chiến thắng Điện Biên, thầy lại viết điệu múa Hoa Ban vào lớp; kỷ niệm Ngày Nhà giáo, thầy viết về điệu em yêu thầy cô… Để làm được điều tưởng chừng đơn giản nhưng vô cùng khó khăn đó, thầy nói phải luôn giữ cho tinh thần tươi trẻ. “Nghề nào cũng vậy, đặc biệt là nghề công tác Đội, người giáo viên phải luôn tự tìm tòi làm mới mình, phải bắt nhịp với đời sống hàng ngày để cảm nhận được nhu cầu đời sống tinh thần của thiếu nhi qua từng giai đoạn, năm tháng khác nhau. Rồi công việc sáng tác phải tùy vào từng hoàn cảnh, phù hợp với từng địa phương. Mình luôn phải tự đặt ra câu hỏi làm gì, làm như thế nào? Bên cạnh đó kỹ năng hoạt động cũng phải thay đổi bằng hình thức, yêu cầu, sân khấu hóa một cách trực quan, sinh động, đi vào thực tế để lớp trẻ dễ tiếp thu”.
Tôi hỏi thầy, điều gì giúp thầy “trẻ” mãi với thiếu nhi? Thầy bảo, đó chính là đam mê, nhiệt tình và phải luôn có lửa. Người làm công tác thiếu nhi sẽ không trụ được với nghề nếu thiếu đi ngần ấy tố chất. Thầy trải lòng: “Mình muốn cống hiến đến giây phút cuối cùng cho thế hệ trẻ, sẵn sàng san sẻ kinh nghiệm trong suốt cuộc đời theo nghề, cũng không cần tính công, chỉ cần lớp sau có những thế hệ công tác Đội trẻ, năng động để đem đến cho thiếu nhi nhiều điều tươi đẹp”. Ngừng giây lát, thầy nói thêm: “Ước mơ của mình là làm sao có một ngôi trường sư phạm chuyên đào tạo về công tác Đội để góp phần trẻ hóa đội ngũ!”. 40 năm sống với nghề, ở tuổi cận kề nghỉ hưu, người thầy ấy vẫn nghĩ và chỉ dành điều mình nghĩ cho thiếu nhi!
Bài, ảnh: Phan Vĩnh Yên
Bình luận (0)