Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

40 năm GD-ĐT TP.HCM phát triển: Mốc son tự hào

Tạp Chí Giáo Dục

Phó chủ tịch UBND TP Hứa Ngọc Thuận và Giám đốc Sở GD-ĐT Lê Hồng Sơn xem mô hình trường học thân thiện, học sinh tích cực của khối THPT.  Ảnh: Q.Huy
Nằm trong chuỗi hoạt động chào mừng 40 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, sáng 20-3, Sở GD-ĐT TP.HCM đã khai mạc Ngày hội 40 năm GD-ĐT TP.HCM phát triển với chủ đề “Một chặng đường phát triển, đổi mới và hội nhập”.
Ngày hội được diễn ra trong 3 ngày (từ ngày 20 đến 22-3) tại Hội trường Thống Nhất với nhiều hội thảo, hội nghị chuyên đề, giới thiệu những giải pháp của ngành GD-ĐT trong thời gian tới để đổi mới, phát triển với mục tiêu đưa GD-ĐT TP hội nhập với khu vực và quốc tế, thu hút hàng ngàn giáo viên, học sinh và người dân TP.HCM tham gia.
Những đổi thay vượt bậc
Phát biểu tại lễ khai mạc, ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở GD-ĐT cho biết: Hàng năm, ngành GD-ĐT TP đều tổ chức Ngày hội giáo dục phát triển nhằm giới thiệu cho người dân TP những thành quả của giáo dục trong năm qua và những định hướng, những chương trình giáo dục hay, những ngôi trường chất lượng, những sản phẩm giáo dục tích cực để phụ huynh lựa chọn và tiếp cận. “Năm 2015, sự kiện này được tổ chức với quy mô lớn nhất từ trước đến nay, là điểm nhấn để GD-ĐT TP tham gia chuỗi sự kiện chào mừng 40 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, cũng là dịp để nhìn nhận lại những thành tựu của giáo dục TP trong 40 năm xây dựng và phát triển. Đây cũng là dịp để GD-ĐT TP giới thiệu những định hướng phát triển trong tương lai, tri ân những thế hệ thầy cô giáo và các tập thể, cá nhân đã đóng góp vì sự phát triển của giáo dục TP”, ông Sơn khẳng định.

Học sinh TP tham gia cổ động, tuyên truyền phòng chống HIV-AIDS tại Ngày hội giáo dục phát triển. Ảnh: N.ANH
Có thể nói, cột mốc 40 năm đối với ngành GD-ĐT là một mốc son đáng tự hào. Từ khoảng 15.000 lớp học, sau 40 năm phát triển, TP.HCM đã có gần 28.000 lớp học, đảm bảo đủ chỗ cho hơn 1,2 triệu học sinh học mỗi năm; 99% giáo viên giảng dạy đạt chuẩn. TP.HCM luôn là địa phương tích cực trong thí điểm các mô hình giáo dục tiên tiến, với nhiều mô hình được nhân rộng tại TP và cả nước, nhiều trường còn tích cực xây dựng mô hình giảng dạy theo chuẩn quốc tế. Hoạt động dạy học hướng vào cá nhân, đề cao phương pháp tự học, tăng cường tính chủ động cho học sinh. Tỷ lệ tốt nghiệp THPT luôn đạt vào tốp cao của cả nước, số lượng học sinh đạt thành tích trong kỳ thi quốc gia, quốc tế cũng tăng liên tiếp trong nhiều năm qua. Ngành GD-ĐT TP được đánh giá là một trong những địa phương đi đầu cả nước trong áp dụng những phương pháp giáo dục tiên tiến của thế giới vào giảng dạy và hội nhập. Các hoạt động hợp tác quốc tế được tăng cường ở tất cả các cấp học, góp phần đáng kể trong việc cung ứng nguồn nhân lực chất lượng cao cho sự phát triển của TP.HCM.
Đến với ngày hội, người xem đã chứng kiến những đổi thay vượt bậc về quy mô, chất lượng đào tạo của ngành GD-ĐT sau 40 năm khi tham quan các khu vực trưng bày về: 40 năm GD-ĐT TP.HCM phát triển; Các công trình trường học tiên tiến, hiện đại; Các chương trình giảng dạy tiên tiến theo xu thế hội nhập… Được sống lại không gian hoài niệm khi đến với gian trưng bày Sự học xưa và nay; Phong trào học sinh sinh viên TP qua các thời kỳ… Các nhà giáo lão thành cũng có dịp được gặp gỡ, chia sẻ cảm xúc với nhau trong chương trình giao lưu Chung tay vì sự nghiệp giáo dục nhằm tôn vinh những cá nhân, đơn vị đã có nhiều đóng góp trong sự nghiệp trồng người…
Nhiều sân chơi khoa học lý thú

Lãnh đạo Bộ GD-ĐT, UBND, Sở GD-ĐT TP xem Triển lãm mô hình giáo dục tiên tiến tại Ngày hội 40 năm GD-ĐT TP.HCM phát triển. Ảnh: Q.Huy
Trong khuôn khổ ngày hội, học sinh các trường trên địa bàn TP.HCM cũng được tham gia ngày hội học sinh trung học với các hoạt động giao lưu bổ ích như thi nhảy flash mob, dân vũ, thi ghép tranh bằng hạt đậu, thi robotics… Song song với các hoạt động giao lưu, các em cũng được tham gia các hoạt động khoa học bổ ích giới thiệu các sản phẩm khoa học, công nghệ trong trường học như robot, đồ vật thông minh, tham gia các hoạt động thế giới robot ảo (Vitual Robot), làm phim hoạt hình Animation, các game show khoa học nhằm khám phá một số thành tựu về khoa học, công nghệ trong giáo dục hiện nay trên thế giới. Ngoài ra, các em cũng được tham quan hơn 500 gian hàng của các đơn vị, doanh nghiệp kinh doanh liên quan đến giáo dục và các khu triển lãm riêng biệt theo từng chủ đề.
TP đã ghi nhận những nỗ lực của nhiều thế hệ lãnh đạo qua nhiều nhiệm kỳ, các nhà giáo gắn bó và góp phần cho sự đổi thay của ngành GD-ĐT. Ông Hứa Ngọc Thuận, Phó chủ tịch UBND TP cho rằng: Với tầm vóc đứng đầu cả nước về quy mô GD-ĐT, TP.HCM trong gần bốn thập niên đã có những bước tiến quan trọng, đạt được nhiều thành tựu ấn tượng trong đổi mới, phát triển và hội nhập, để lại nhiều bài học có ý nghĩa cho TP và cả nước. “Tôi đề nghị chúng ta không nên xem GD-ĐT, khuyến học, khuyến tài xây dựng xã hội học tập chỉ là trách nhiệm riêng của ngành giáo dục và các nhà giáo. Nguồn nội lực còn tiềm tàng trong nhân dân đang được phát huy bằng nhiều hình thức khác nhau, tạo cơ hội cho người người, nhà nhà cũng như các tổ chức kinh tế – văn hóa, xã hội trong và ngoài nước làm nghĩa vụ xã hội đối với giáo dục một cách tự giác, tự nguyện. Tiếp tục phát huy kết quả đã đạt được, tôi mong rằng tới đây TP phải bám sát mục tiêu xây dựng đội ngũ trí thức tinh hoa, phát huy vai trò và trọng dụng hiền tài phải trở thành chiến lược ưu tiên số một, lâu dài trong chính sách phát triển TP mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại”, Phó chủ tịch UBND TP Hứa Ngọc Thuận yêu cầu.
Ngọc Anh
 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)