Kẻ Nam người Bắc do chiến tranh ly tán, họ đến với nhau qua mai mối và giới thiệu của gia đình và tình yêu nảy nở bắt đầu từ đó. Vậy mà suốt 40 năm qua, đôi vợ chồng nhà giáo Trần Cảnh Vinh – Nguyễn Thị Hoan vẫn sống trong hạnh phúc chính từ những san sẻ yêu thương của “người trong cuộc” dù đến nay tóc bạc da mồi.
Vợ chồng nhà giáo Trần Cảnh Vinh hạnh phúc trong ngày 20-11-2016 |
Tình yêu đến sau hạnh phúc
Có thể nói câu chuyện tình yêu thời trai trẻ của ông Trần Cảnh Vinh – nguyên GV Trường THPT Hùng Vương, Q.5, TP.HCM là “tình sử” gần như phổ biến thời chiến tranh vì họ đến với nhau không phải qua lời ước hẹn của người trong cuộc mà đều do sự sắp đặt của cha mẹ và gia đình. Dù thời gian đã trôi qua 40 năm nhưng những kỷ niệm gian khổ về ngày kháng chiến vẫn còn lưu giữ trong ký ức người đàn ông đã ngoài 70 tuổi: “Tôi sinh ra ở làng Như Lệ, nay là xã Hải Lệ, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị nhưng theo ba mẹ tập kết ra Bắc. Sau khi học hết phổ thông tôi trúng tuyển vào ĐH và học tại Trường ĐH Sư phạm Hà Nội. Tuy nhiên do hoàn cảnh chiến tranh nên vào năm 1962, sau khi tốt nghiệp mong ước được trở về quê hương dạy học chưa được toại nguyện thì được Bộ Giáo dục phân công về công tác tại tỉnh Nam Định”. Theo lời kể của ông Vinh, chỉ dạy tại Nam Định 2 năm nhưng đây là thời gian ông thực sự được làm thầy giáo đúng nghĩa nhất khi đứng trên bục giảng của một chế độ hòa bình. Tuy nhiên đến năm 1964 tình hình chiến sự ở chiến trường miền Nam càng ngày càng khốc liệt cần sự chi viện tối đa người và của cho tiền tuyến nên ông cùng đồng nghiệp tình nguyện vào Nam công tác: “Được phiên về Tiểu ban Giáo dục của đoàn K33 cùng các thầy cô giáo từ miền Bắc chi viện vào, tôi còn nhớ điểm xuất phát từ Trường BT Công nông tỉnh Phú Thọ, trước khi lên đường chúng tôi còn được gặp nhà thơ Tố Hữu, đồng chí Lê Duẩn đến thăm và động viên tinh thần”. Tính đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, nhà giáo Trần Cảnh Vinh có tròn 10 năm tham gia công tác giảng dạy, tuyên truyền, làm báo ở chiến trường.
Có thêm người nối nghiệp
Đến đường 14, P.Bình An, Q.2 hỏi thăm nhà ông Trần Cảnh Vinh ít người biết nhưng khi nhắc đến ông giáo già là người mê chơi cờ tướng thì hầu như mọi người đều chỉ đúng đường. Bên bàn cờ tướng, ông tiếp tục kể cho chúng tôi nghe câu chuyện thời trai trẻ của mình mà lớp bụi thời gian chưa khỏa lấp hết mọi ký ức: “Ngay sau ngày giải phóng vào tháng 6-1975 từ Bù Đốp, Bình Phước tôi được phân công về dạy văn hóa cho cán bộ trong quân đội tại Trường H240 ở cứ sư đoàn dù trên đường Hoàng Hoa Thám, Q.Tân Bình. Chưa được bao lâu Bộ Giáo dục lại điều về Trường BTCN 2 lúc này ở P.Linh Trung, Thủ Đức”. Đây cũng là năm ông thành lập gia đình để có một tổ ấm hạnh phúc tại TP.HCM. Kỷ niệm mà ông còn nhớ mãi là sau ngày giải phóng, người cha của ông từ Hà Nội đáp chuyến bay đầu tiên để vào tìm đứa con trai sau hơn 10 năm vào Nam hoạt động: “Tôi thật bất ngờ khi chưa kịp về thăm gia đình ở Hà Nội thì bố tôi đã vào Sài Gòn thăm mình”. Nói sao hết nỗi bồi hồi xúc động khi hai cha con gặp nhau trong niềm vui đoàn tụ của đất nước. Niềm vui đó càng được nhân lên khi người cha giới thiệu cho một cô gái là em của người làm chung cơ quan ở huyện Hà Trung, Thanh Hóa từ 5 năm trước. Lúc đầu ông nghĩ tình yêu khó thành vì chưa một lần gặp mặt để hiểu hết với nhau nhưng do tin tưởng vào sự giới thiệu của gia đình và đặc biệt sau này gặp gỡ ông cảm nhận đây cũng là người bạn đời mà ông đang tìm nên họ đã nhanh chóng thành đôi nên lứa. Cũng như ông, bà Nguyễn Thị Hoan chưa một lần gặp mặt “người xa lạ” nhưng vì cảm phục và tin tưởng cha mẹ ông nên cô kế toán xây dựng đã chờ đợi với niềm tin trọn vẹn nhất. Thế là một đám cưới đơn sơ trong những ngày đầu mới giải phóng được tổ chức với những lễ nghi giản dị mà ấm áp tình thương yêu. Cho đến bây giờ sống trọn vẹn với nhau gần cả cuộc đời, họ mới biết duyên trời khéo sắp đặt để tình yêu theo thời gian càng thêm mặn nồng. Ông bà thành đạt nên con cháu chăm ngoan. Trong thời kỳ khó khăn nhất ngoài đồng lương ít ỏi, ông bà phải làm thêm nghề chụp ảnh, nuôi gà, trồng rau để nuôi con. Cậu con trai út là kỹ sư xây dựng còn cô con gái lớn Trần Thị Như Thu là GV giỏi cấp quận miệt mài theo nghiệp bố dạy ở Trường TH Chính Nghĩa, Q.5. Đây là hạnh phúc thật giản dị mà ông bà có được trong những tháng ngày hôm nay.
Bài, ảnh: Phan Quang
Bình luận (0)