Cùng quê hương, cùng nghề nghiệp lại cùng tên, đôi vợ chồng nhà giáo Lê Ngọc Minh – Đoàn Thị Minh đã có 40 năm song hành trên bục giảng và chung sống hạnh phúc cùng với 4 người con giỏi giang thành đạt.
Họp phụ huynh nên duyên chồng vợ
Năm 2015, trong không gian thân mật và ấm cúng tại nhà hàng nhỏ ở thủ đô Hà Nội, một sự kiện đặc biệt đã diễn ra vô cùng ấn tượng trong gia đình tam đại đồng đường mà bất kỳ ai có mặt hôm đó cũng không thể nào quên được vì ý nghĩa thiêng liêng của nó. Đó là đám cưới Hồng Ngọc của chú rể Lê Ngọc Minh và cô dâu Đoàn Thị Minh khi cả hai đã lên chức ông bà ở độ tuổi U70.
Đại gia đình nhà giáo Lê Ngọc Minh trong ngày đám cưới Hồng Ngọc |
Đám cưới được 4 người con đã trưởng thành của đôi vợ chồng nhà giáo Lê Ngọc Minh đứng ra tổ chức như một dấu son kỷ niệm ngày cha mẹ lấy nhau cách đây tròn 4 thập niên. Cũng trong ngày hôm đó, câu chuyện tình của ông bà được sống lại như một cuốn phim hồi tưởng được con cháu nhắc lại bằng những vần thơ ý nhị: “Em là phụ huynh của ai/ Mà sao trẻ đẹp làm say lòng thầy…”. Có thể nói lần gặp đầu tiên của hai người chính là tiếng sét ái tình của chàng trai quê ở Thạch Hà mới 25 tuổi với cô giáo trẻ gốc huyện Đức Thọ dạy toán lý trường THCS ở huyện miền núi Hương Khê trong buổi họp phụ huynh đầu năm. Món quà tinh thần mà chàng trai gửi tặng cô giáo sau cuộc họp phụ huynh là một bức thư tình mà đến nay bà vẫn còn nhớ chủ nhân mở đầu bằng một hai câu Kiều đẹp như một lời hẹn ước trong chuyện vợ chồng: “Trăm năm tính cuộc vuông tròn/ Phải dò cho đến ngọn nguồn lạch sông”. Sau những giờ soạn bài và lên lớp, từng cánh thư lại nối liền với nhau cho hai người gặp gỡ hẹn thề để có một đám cưới đơn giản được tổ chức vào năm 1975. Nhà giáo Lê Ngọc Minh nhớ lại: “Hầu hết đám cưới hồi đó không có chuyện chụp hình, quay phim như bây giờ. Đám cưới giống như liên hoan tiệc ngọt chỉ có bánh kẹo, thuốc lá và đặc sản chè xanh Hương Khê”.
Sau đám cưới, cuộc sống của đôi vợ chồng trẻ bắt đầu đối mặt với những khó khăn của đời thường nhất là thời kỳ bao cấp kéo dài gần 20 năm. 4 đứa con ra đời liền tù tì chỉ trong 6 năm như dồn thêm vất vả lên đôi vai họ nhưng họ cũng đã cố gắng vượt qua.
Tiếp nối dòng chảy gia phong
Bây giờ cả hai ông bà đã nghỉ hưu với nhiều niềm vui trọn vẹn nhưng niềm vui sướng nhất của họ là khi thấy gái trai đều thành đạt, rể thảo dâu hiền, dòng chảy nền nếp gia phong vẫn liên tục tiếp nối từ thế hệ này qua thế hệ khác. |
Trách nhiệm càng nặng nề hơn trên vai nhà giáo Lê Ngọc Minh khi ông được đề bạt chức Trưởng phòng GD-ĐT huyện vào những năm 90 của thế kỷ trước. Hương Khê là huyện miền núi có địa bàn rộng, nhiều xã còn thiếu trường học, cơ sở vật chất đụng đâu thiếu đó nhất là các huyện vùng sâu có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số đi lại khó khăn. Với nhiệt huyết của một nhà giáo có tầm nhìn bao quát, những khó khăn ban đầu đã được ông cùng Ban lãnh đạo phòng tháo gỡ để phong trào giáo dục của một huyện miền núi từng bước vươn vai sánh ngang tầm với các địa phương lân cận. Được nuôi dưỡng trong một môi trường giáo dục tốt đặc biệt là sự yêu thương và định hướng đúng đắn của mẹ cha, con đường học hành của 4 đứa con rộng mở thênh thang làm rạng danh nhà trường và dòng họ. Tài năng không đợi tuổi, hai anh em Nhật – Hằng ngay từ lớp 11 đã tham gia từ đội tuyển quốc gia đến kỳ thi toán Olympic châu Á – Thái Bình Dương mang về các giải thưởng vinh quang cho khối HS chuyên toán Trường ĐHSP Vinh. Thi thố cùng anh chị, hai em trai Vũ, Ngọc lại “rời quê lên phố” học trường năng khiếu tỉnh để dễ dàng “một bước” đi vào giảng đường ĐH. Không thể kể hết những tháng ngày cha mẹ đánh vật với nỗi cực nhọc để lo cơm gạo tiền cho từng đứa con “cơm đùm khăn gói” ra thị thành “lai kinh ứng thí”. Được hai “nhạc trưởng” gieo hạt giống tốt nên vườn ươm trí tuệ gia đình đã đầy lá xanh cành tốt. Một cậu con trai rẽ sang Trường ĐH An ninh Nhân dân còn lại 3 đứa con biết lượng sức mình nên đã “xếp hàng” trở thành sinh viên khoa đầu bảng (Ngân hàng – Tài chính) của Trường ĐH Kinh tế Quốc dân. Không chỉ học giỏi đều, 4 anh em còn là những nhà quản lý xuất sắc trong quá trình khởi nghiệp. Dù là nhân viên hay giám đốc, cả 4 đều luôn được đồng nghiệp quý trọng và lãnh đạo tin tưởng. Hiếm có một gia đình nào “đẹp” đều như thế.
Khó khăn đã đi qua, công sức ông bà bỏ ra biết bao nhọc nhằn vì tương lai con cái đến hôm nay thật không hề uổng phí. Mọi người luôn nhắc đến gia đình nhà giáo Lê Minh Ngọc bằng sự cảm phục và coi đó là một mẫu mực trong việc giáo dục con cái của cha mẹ.
Bài, ảnh: Quang Phan
Bình luận (0)