Trong cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam và cùng nhân dân Campuchia đánh đổ chế độ diệt chủng Pôn Pốt (7-1-1979), biết bao người lính đã nằm xuống khi tuổi đời còn rất trẻ, trong đó có lực lượng thanh niên xung phong (TNXP) TP.HCM.
Đền tưởng niệm liệt sĩ thanh niên xung phong TP.HCM
Đền tưởng niệm TNXP TP.HCM (xã Long Phước, huyện Bến Cầu, tỉnh Tây Ninh) những ngày này có rất đông đồng đội, người thân về hương khói tưởng nhớ người đã anh dũng hy sinh trong cuộc chiến khốc liệt tròn 40 năm trước.
Họ ra đi khi tuổi còn rất trẻ
Theo tài liệu của TNXP TP.HCM, Liên đội 5, Tổng đội 7 TNXP được thành lập tháng 5-1978 (tháng 8-1978 đổi tên thành Liên đội 303 – Tổng đội 3 biên giới) với quân số ban đầu gồm 600 người, đa số của TP.HCM.
Ngày 14-6-1978, Liên đội 5 nhận lệnh lên đường ra biên giới làm nhiệm vụ phục vụ chiến đấu với quân số gần 500 người (65 nữ) và biên chế thành 4 đại đội. Địa bàn đóng quân đầu tiên tại biên giới Tây Nam là Rừng Nhum (xã Long Phước, huyện Bến Cầu, tỉnh Tây Ninh). Liên đội được phân công phối hợp với Sư đoàn 7 – Quân đoàn 4 làm nhiệm vụ chủ yếu là cáng thương, tải đạn, chống lầy, bốc xếp đạn dược, lương thực, khâm liệm, chôn cất tử sĩ…
Chiều 21-7-1978, do yêu cầu phục vụ chiến đấu, Liên đội 5 đã điều Trung đội 3 (Đại đội 1) đang đảm bảo giao thông trên tuyến đường 10km từ Rừng Nhum – Bến Cầu đến xã Koky Som, tỉnh Svay Riêng (Campuchia), di chuyển lên phía trước chốt chặn gần ngã ba Koky Som đảm bảo an toàn tuyệt đối tuyến đường huyết mạch ra mặt trận. Tại đây, rạng sáng 22-7-1978, một tiểu đoàn lính Pôn Pốt trên đường tập kích vào Sư đoàn 7 đóng tại Men Chay, chúng đã chạm trán Trung đội 3, Đại đội 1, Liên đội 5 và vấp phải sự chống trả quyết liệt của ta nên ý đồ của chúng thất bại. Tuy nhiên, do thiếu kinh nghiệm chiến đấu, chưa được trang bị đầy đủ vũ khí nên 24 đồng chí đã anh dũng hy sinh.
Cán bộ tuyên giáo, báo chí, xuất bản và văn nghệ sĩ TP.HCM hát tại Nghĩa trang liệt sĩ Tân Biên
Tên của 99 liệt sĩ khắc trên bia tưởng niệm là 99 cán bộ, đội viên TNXP. Những cái tên đồng đội thân quen như anh em một nhà đã vĩnh viễn nằm lại mảnh đất này luôn được đồng đội nhắc tên như Trần Đình Thái, Ngô Chí Thành, Nguyễn Minh Trí, Hoàng Trọng Tuệ, Đỗ Thị Vân… Mỗi người một cảnh nhưng họ đều có điểm chung là tinh thần tình nguyện và đều nằm xuống khi tuổi chỉ đôi mươi.
Người may mắn sống sót trở về sau cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam với thân thể đầy thương tích, cựu binh Lê Thanh Hoàng (Long Khánh, Đồng Nai) nhớ lại: “Không thể nào quên giây phút ấy, những trận càn, bố ráp qua lại rồi chứng kiến cảnh đồng đội hứng họng súng. Đồng đội chết trên tay, lời nhắn gửi chưa tròn… Chúng tôi được trở về bên gia đình, người thân đó là sự may mắn, thương đồng đội nằm lại nơi chiến trường nên khi có điều kiện là anh em đến đền tưởng niệm để hương khói, thăm hỏi người thân của đồng đội như là cách để tri ân…”.
Bài ca bất tử
Nhắc lại ngày tháng ấy, nhạc sĩ Trần Xuân Tiến bồi hồi: “Nơi đây – chiến trường đạn bom ác liệt nhưng các anh chị vẫn kiên gan một lòng để rồi gửi lại một phần xương máu của mình trên mảnh đất này. Mỗi liệt sĩ nằm xuống là một bài ca bất tử. Các anh chị đã ra đi khi tuổi xuân đang tới và thế hệ trẻ phải xem họ là những tấm gương sáng để soi rọi mình”.
“Năm nào cũng vậy, tôi để dành những bông vạn thọ tốt nhất để làm giống. Tôi trồng vạn thọ trước là để trang trí các lối ra vào đền, nhà trưng bày, sau đó là để đồng đội, người thân đến cúng viếng liệt sĩ TNXP”, chị Ngọc Minh nói. |
Nghĩa trang liệt sĩ Tân Biên, tỉnh Tây Ninh là nơi yên nghỉ của 14.000 liệt sĩ, trong đó có khoảng 5.000 mộ chưa có tên. Đến dâng hương, dâng hoa tại đây, đoàn cán bộ tuyên giáo, nhà báo, xuất bản và văn nghệ sĩ TP.HCM còn quây quần bên những ngôi mộ đàn, hát. Những bài ca về người lính hào hùng, giai điệu tình cảm, sâu lắng đậm chất lính vang vọng giữa những mộ và mộ. Nhạc sĩ Thế Hiển cũng mang đến cho thế hệ trẻ những câu chuyện cảm động của những ngày tháng cùng đồng đội băng rừng lội suối. Câu chuyện của 40 năm trước mà cứ ngỡ mới đây thôi.
Chị Ngọc Minh (quê Kiên Giang), nhân viên Đền tưởng niệm TNXP chia sẻ: “Tôi làm việc ở đây chưa lâu nhưng yêu thương mảnh đất này như máu thịt. Tôi thật sự cảm kích lòng quả cảm, không ngại gian khổ của TNXP mà cất công tìm hiểu từng liệt sĩ, về gia đình, quê quán… Tôi nhớ rõ những người cha, người mẹ… tóc bạc trắng, bước chân liêu xiêu vì tuổi tác vẫn cố đến đây để thắp hương cho con, ngồi lại hàng giờ. Có người mang đến cúng những món mà con mình thích nhất. Như người nhà của liệt sĩ Đỗ Thị Vân thì lần nào lên mâm cúng cũng có thịt heo kho tàu. Hay như mâm cúng liệt sĩ Nguyễn Minh Trí và đồng đội không thể thiếu mắm kho quẹt và chén chè đậu…”, chị Ngọc Minh kể.
Bài, ảnh: T.Anh
Bình luận (0)