Sự kiện giáo dụcTin tức

40 Start-Up vào chung kết là 40 sáng kiến đặc biệt

Tạp Chí Giáo Dục

Chiều 17-4, ban tổ chức giải thưởng Tuổi Trẻ Start-Up Award 2023 đã họp báo công bố loạt hoạt động của chuỗi sự kiện này. Giải thưởng do Hội Liên Hiệp Thanh niên Việt Nam TP.HCM và Báo Tuổi Trẻ tổ chức.


Ông Trần Xuân Toàn – Phó Tổng biên tập Báo Tuổi Trẻ nói về giải thưởng Tuổi Trẻ Start-Up Award 2023

Phát biểu tại họp báo, Nhà báo Trần Xuân Toàn – Phó Tổng biên tập Báo Tuổi Trẻ, Trưởng ban tổ chức nhấn mạnh việc lấy chủ đề “Trong khủng hoảng, tìm thấy cơ hội?” thể hiện mong muốn làm sao lan tỏa tinh thần khởi nghiệp cho cộng đồng Start-Up; đồng thời cho thấy khi vượt qua khó khăn thì giá trị nhân lên gấp hai, thậm chí ba.

Theo Phó Tổng biên tập Báo Tuổi Trẻ, Tuổi Trẻ Start-Up Award năm nay có 3 hoạt động chính, bao gồm xây dựng chuyên trang về khởi nghiệp nhằm quy tụ các dự án khởi nghiệp trên toàn quốc, tổ chức hoạt động thường niên về giải gofl khởi nghiệp và đặc biệt là hoạt động talk-show truyền cảm hứng.

Ban tổ chức đã nhận về hơn 100 các dự án Start-Up trong mọi lĩnh vực. Qua sơ tuyển, hội đồng thẩm định đã chọn ra 40 dự án đi vào vòng cuối cùng để chọn ra 20 dự án tiêu biểu.

“Khác mọi năm, năm nay có nhiều dự án do các Start-Up tự ứng cử, thông qua tiêu chí ban tổ chức đưa ra đó là sự đổi mới sáng tạo gắn với sự phát triển bền vững. Đặc biệt có những dự án các Start-Up là người nước ngoài hoặc người Việt Nam đang sinh sống ở nước ngoài”,  nhà báo Trần Xuân Toàn nói.

Ông Phạm Phú Ngọc Trai – Chủ tịch sáng lập Công ty Tư vấn kinh doanh Hội nhập toàn cầu (GIBC), cố vấn chương trình cho biết, chuỗi sự kiện lần này đánh dấu một chặng đường không mấy thuận lợi trước tình hình kinh tế của đất nước nói chung và thành phố nói riêng còn khó khăn. Tuy nhiên, qua thẩm định các dự án vào vòng cuối đã cho thấy có khí thế, niềm tin, cảm hứng khởi nghiệp của các Start-Up. Điều này đóng góp một phần vào sự phát triển chung của nền kinh tế.

Ông Phạm Phú Ngọc Trai đánh giá các dự án lần này thực hiện ở mọi lĩnh vực khác nhau tuy nhiên có chiều sâu, đa dạng và giải quyết các bài toán cụ thể về kinh tế, môi trường, xã hội với xu thế bền vững, phát triển xanh.


PGS.TS Nguyễn Phương Thảo – giám đốc Trung tâm nghiên cứu bệnh truyền nhiễm Trường đại học Quốc tế (Đại học Quốc gia TP.HCM), thành viên của hội đồng thẩm định chia sẻ một số điểm nổi bật của các dự án

Đa số các dự án có ứng dụng công nghệ, tuy nhiên một số dự án không cần công nghệ cao mà thực hiện với mục đích cải thiện cuộc sống, đóng góp cho xã hội, mang tính nhân văn. Nổi bật phải kể đến dự án giải quyết vấn đề nâng cao chiều cao trẻ em, dự án hỗ trợ người điếc, khiếm thị.

“Đây là sự lan tỏa mang ý nghĩa rất lớn trong điều kiện chúng ta đang gặp khó khăn nhưng không vì lí do đó mà bỏ qua những giá trị cho xã hội” ông Phạm Phú Ngọc Trai nhấn mạnh; và ông đánh giá: “40 Start-Up vào chung kết là 40 nỗ lực, 40 sáng kiến rất đặc biệt”.

Theo ban tổ chức, đến nay, sau thành công của cả ba mùa (2019-2022), chuỗi sự kiện lần 4 đã chính thức quay trở lại. Đây là sân chơi mà các nhà khởi nghiệp trẻ có thể tham gia, bên cạnh được vinh danh trên mặt báo, còn có cơ hội tiếp cận với nhiều quỹ đầu tư cũng như được truyền thông, quảng bá hình ảnh của mình đến với công chúng.

Và theo thông lệ hàng năm, ban tổ chức cũng sẽ lựa chọn ra các Start-Up tiêu biểu để hỗ trợ một khoản kinh phí, cũng như có sự đồng hành của các đơn vị tài trợ. Ngoài ra sẽ có một giải đặc biệt là 100 triệu đồng từ GIBC.

N.Trinh

Bình luận (0)