Nghiên cứu của nhóm giảng viên tâm lý chỉ ra rằng việc tiếp cận thông tin liên quan đến đại dịch Covid-19 trên Facebook trong thời gian qua khiến 41,3% sinh viên lo âu ở mức đáng báo động.
Sáng nay 30.9, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn – ĐH Quốc gia TP.HCM phối hợp với Trung tâm tâm lý học ứng dụng Hoàng Đức và Hội Khoa học tâm lý – Giáo dục Đồng Nai tổ chức hội thảo khoa học sức khỏe tâm thần với chủ đề "Đại dịch Covid-19: Những vấn đề đặt ra với công tác chăm sóc sức khoẻ tâm thần".
Các nhà tâm lý học chia sẻ tại hội thảo. MỸ QUYÊN
Tại hội thảo, nhóm nghiên cứu gồm tiến sĩ Lê Thị Mai Liên, tiến sĩ Nguyễn Thị Thanh Tú cùng 2 sinh viên Nguyễn Ngọc Thu Trang và Lê Thạch Huyền Trân (Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM), chia sẻ tỷ lệ rối loạn căng thẳng sau sang chấn xảy ra cao nhất ở sinh viên năm thứ hai.
Các yếu tố phơi nhiễm với virus Corona, khó khăn về kinh tế, nhu yếu phẩm, khó khăn trong học tập, khó khăn trong mối quan hệ thân thiết và ảnh hưởng của xã hội, chính là nguyên nhân dẫn đến các rối loạn này.
Trong khi đó, thạc sĩ Nguyễn Tấn Khang, tiến sĩ Nguyễn Văn Tường, thạc sĩ Đặng Thị Mai Ly và cử nhân Nguyễn Hoàng Anh Thư có nghiên cứu chỉ ra mối tương quan giữa việc tiếp cận thông tin liên quan đến đại dịch Covid-19 trên mạng xã hội Facebook và mức độ lo âu của sinh viên, dựa trên việc khảo sát 506 sinh viên đang theo học hệ chính quy chương trình chuẩn năm học 2021-2022 tại Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, được thực hiện từ tháng 1 đến tháng 6.2022.
Cụ thể, trong số 506 sinh viên được khảo sát, chỉ có 38 sinh viên sử dụng Facebook dưới 2 giờ/ngày. Từ 2 giờ đến dưới 4 giờ một ngày là 108 sinh viên, từ 4 giờ đến dưới 6 giờ một ngày là 137, từ 6 giờ đến dưới 8 giờ một ngày là 114 và trên 8 giờ/ngày chiếm số lượng đông nhất – 109 sinh viên.
“Rõ ràng có sự tác động của việc sử dụng mạng xã hội hoặc tiếp cận thông tin trên mạng xã hội đối với sức khoẻ tâm thần của nhiều đối tượng trong xã hội, đặc biệt là học sinh, sinh viên. Với kết quả nghiên cứu, có gần 60 % trên tổng số 506 sinh viên có vấn đề về lo âu từ mức độ nhẹ đến mức độ rất nặng, riêng mức độ rất nặng chiếm 13%. Trong đó có 209 sinh viên – chiếm 41,3%, gặp vấn đề về lo âu ở mức đáng báo động cần trợ giúp”, đại diện nhóm nghiên cứu cho biết.
Một buổi tư vấn tâm lý trực tuyến cho sinh viên sau dịch Covid-19. M.Q
Kết quả thống kê cho thấy, có đến 67,9% sinh viên Trường ĐH Sư phạm TP.HCM có mức độ cảm nhận hạnh phúc ở mức trung bình và 11,3% sinh viên có mức độ cảm nhận hạnh phúc thấp. Các cảm xúc mà sinh viên trải qua nhiều là buồn chán, buồn bã, lo âu, cô đơn, thất vọng.
Tiến sĩ tâm lý Lê Minh Công, Phó trưởng khoa Công tác xã hội Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, cho rằng đại dịch Covid-19 là một khủng hoảng y tế toàn cầu và ảnh hưởng sâu rộng đến mọi mặt đời sống kinh tế – xã hội, trong đó có các vấn đề sức khoẻ tâm thần của người dân.
“Để người dân, trong đó có sinh viên, được chăm sóc sức khỏe tâm thần tốt nhất sau đại dịch Covid-19, chúng tôi đề xuất mô hình tiếp cận chăm sóc sức khoẻ tâm thần theo 3 cấp độ dịch vụ gồm phòng ngừa phổ quát cho nhóm có nguy cơ thấp, phòng ngừa mục tiêu cho nhóm nguy cơ trung bình và chỉ định can thiệp chuyên sâu cho nhóm nguy cơ cao”, tiến sĩ Lê Minh Công chia sẻ.
Theo Mỹ Quyên/TNO
Bình luận (0)