Hội nhậpGiáo dục phát triển

41 năm – Dấu ấn một ngôi trường

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Tọa lạc tại số 413, đường 30/4, phường Hưng Lợi, quận Ninh Kiều, TP.Cần Thơ, Trường CĐ Cần Thơ ngày càng trở thành ngôi trường uy tín và là một trong những trường CĐ trọng điểm của TP.Cần Thơ và cả nước.

TS. Hồ Thanh Tâm (Phó Hiệu trưởng nhà trường, bìa phải) xem sản phẩm dầu sinh học và cây Patroka của trường

1. Được thành lập năm 1976, Trường CĐ Sư phạm Cần Thơ có chức năng đào tạo giáo viên THCS cho tỉnh Hậu Giang (bao gồm tỉnh Hậu Giang, Sóc Trăng và TP.Cần Thơ ngày nay) và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long. Khoá học đầu tiên có 4 ngành đào tạo với 438 SV. Từ năm 1998, trường liên kết với một số trường ĐH mở các lớp chuẩn hóa bậc ĐH cho giáo viên trình độ CĐ. Đến tháng 8-2006, trường được Bộ GD-ĐT quyết định đổi tên thành Trường CĐ Cần Thơ và chuyển sang đào tạo đa ngành.

Qua 41 năm xây dựng và trưởng thành, vượt qua bao sóng gió, khó khăn, Trường CĐ Cần Thơ trở thành địa chỉ uy tín trong đào tạo nhân lực chất lượng cao của khu vực. Và ý niệm “Lương sư hưng quốc” đã là kim chỉ nam và phương châm sống của những người thầy nơi đây. Các thầy cô phấn đấu nâng cao trình độ, làm mọi việc trong khả năng để đạt mục tiêu chất lượng đào tạo là hàng đầu của trường, với tiêu chí cụ thể: Đào tạo những con người có nhân cách “vừa hồng, vừa chuyên”. Hiện trường có trên 390 cán bộ, viên chức, nhân viên; trong đó có 4 tiến sĩ, 137 thạc sĩ, đang theo học nghiên cứu sinh 11 người và cao học là 35 người. Trường có 8 phòng chức năng, 7 khoa đào tạo, 3 trung tâm, 1 trường mầm non thực hành, 1 trường tiểu học thực hành. Tổng số ngành trường đang đào tạo là 43, trong đó 25 ngành hệ CĐ, 18 ngành hệ TCCN, với trên 150 lớp và gần 10.000 HS-SV đang theo học các hệ. Trường đảm bảo quy mô, cơ cấu hợp lý đối với các bậc học, loại hình đào tạo. Các yêu cầu về chuẩn đầu ra, chuẩn ngoại ngữ (tiếng Anh) thực hiện đối với từng bậc, từng hệ đào tạo. Cơ sở vật chất ngày càng hoàn thiện với hơn 80 phòng học, cùng hệ thống giảng đường, phòng thí nghiệm thực hành, nhà tập, sân chơi; khu ký túc xá với sức chứa hơn 1.000 HS-SV. Hàng năm hơn 80% HS-SV ra trường có việc làm, riêng ngành sư phạm tỷ lệ có việc làm gần 100%. Thành quả này chứng minh hiệu quả đào tạo, góp phần để hàng năm trường luôn đạt chỉ tiêu tuyển sinh. 

2. Các khoa luôn cập nhật, bổ sung giáo trình, đẩy mạnh hợp tác, liên kết trong đào tạo. Chẳng hạn: Khoa kinh tế – quản trị kinh doanh thường tổ chức hoạt động ngoại khóa để HS-SV tiếp cận thực tiễn. Kết hợp với các tổ chức kinh tế, xã hội, doanh nghiệp như thỉnh giảng các doanh nhân có nhiều kinh nghiệm thực tiễn về kinh doanh, mời chuyên viên các sở/ngành để giảng dạy và hướng dẫn thực hành các môn chuyên ngành, giúp HS-SV ra trường làm việc được ngay. Khoa Việt Nam học – du lịch kết hợp các công ty du lịch, tổ chức cho HS-SV tham gia và thực tập trong các tour du lịch. Khoa kỹ thuật công nghệ môi trường đẩy mạnh hoạt động thực tập như: Tổ chức đưa HS-SV tham quan nhà máy điện, tham dự hội chợ Expo Asus, đi thực tế ở nhiều tỉnh/thành trong nước…, qua đó trang bị cho HS-SV kiến thức chuyên ngành và sự am hiểu về hoạt động xã hội. Khoa sư phạm có nhiều giảng viên tài giỏi, tâm huyết, là cánh chim đầu đàn của khu vực trong đổi mới chương trình và phương pháp giảng dạy…

Trường luôn đẩy mạnh công tác hợp tác quốc tế và nghiên cứu khoa học, hiện có 4 cán bộ, giảng viên đang học tập, nghiên cứu tại Bỉ, Úc, New Zealand. Trong 41 năm, các giảng viên thực hiện 368 công trình nghiên cứu, nhiều đề tài được ứng dụng trong thực tiễn mang lại hiệu quả cao. Đặc biệt, trường hợp tác với công ty Revo International (Nhật Bản) thực hiện đề tài khoa học: Nghiên cứu trồng thử nghiệm cây Jatropha để lấy nguyên liệu sản xuất nhiên liệu dầu sinh học dùng cho các động cơ, trong đó có động cơ máy bay. Dự án triển khai trồng gần 2ha cây Jatropha tại tỉnh Kiên Giang. Nếu hiệu quả, trường và công ty sẽ mở rộng diện tích từ 5.000ha trở lên, triển khai rộng rãi đến nông dân Đồng bằng sông Cửu Long. Dự án thành công sẽ góp phần bảo vệ môi trường, giảm tác hại của biến đổi khí hậu, mở ra triển vọng trong đa dạng sản xuất và góp phần nâng cao thu nhập cho người nông dân.

3. Với 41 năm “trồng người”, Trường CĐ Cần Thơ đã đào tạo 52.454 HS-SV, trong đó 2/3 tốt nghiệp CĐ hệ chính quy, 5.481 người tốt nghiệp ĐH, còn lại là TCCN. Nhiều cựu HS-SV của trường đã và đang giữ vị trí then chốt trong các cơ quan, tổ chức, gặt hái thành công trong công việc và cuộc sống. Riêng ngành sư phạm, rất nhiều thầy cô trở thành giáo viên dạy giỏi các cấp, hoặc những nhà quản lý tài năng. Đơn cử như cô Trịnh Thị Nhung (SV lớp CĐ sư phạm ngữ văn đầu tiên của trường), không chỉ là giáo viên giỏi các cấp, nhận giải thưởng Võ Trường Toản, cô còn được phụ huynh tin yêu vì sự tận tụy, mẫu mực. Trở thành Hiệu trưởng Trường Tiểu học Bình Thủy (quận Bình Thủy), cô cùng tập thể sư phạm đưa ngôi trường có quy mô 51 lớp với gần 2.000 HS trở thành một trong số các trường chất lượng cao, điển hình của ngành GD-ĐT TP.Cần Thơ trong đổi mới phương pháp giảng dạy, kiểm tra đánh giá HS và nhiều phong trào thi đua khác. Cô Trịnh Thị Nhung cho biết: “Có được thành quả này là nhờ công ơn giáo dục, đào tạo của thầy cô ở Trường CĐ Cần Thơ. Hồi ấy dù cuộc sống rất khó khăn, phương tiện giảng dạy hạn chế nhưng các thầy cô hết lòng giảng dạy, tận tụy với SV. Thầy cô tự làm dụng cụ trực quan để tiết học sinh động, giúp chúng tôi dễ tiếp thu và nhớ bài. Đặc biệt, học môn tâm lý giáo dục và phương pháp giảng dạy, thầy cô tạo nhiều tình huống sư phạm để chúng tôi giải quyết, qua đó rèn luyện phong cách sống đạo đức và thái độ ứng xử đúng mực với HS và phụ huynh, có biện pháp giải quyết khoa học trước những tình huống sư phạm…”. Là SV khóa đầu tiên lớp CĐ Việt Nam học, ngành du lịch, anh Nguyễn Thanh Thông tốt nghiệp năm 2006. Sau thời gian làm việc tại các công ty du lịch lữ hành, anh Thông mạnh dạn thành lập Công ty Du lịch Sen Đại Việt, chuyên tổ chức những tour du lịch trong và ngoài nước… Anh trải lòng: “Kiến thức do thầy cô trang bị là nền tảng giúp tôi đạt thành công. Nhiều bạn, sau thời gian thực tập được công ty tuyển dụng. Nói đến Trường CĐ Cần Thơ là nói đến chất lượng. HS-SV cầm tấm bằng tốt nghiệp đi xin việc, các công ty rất an tâm, tin tưởng”.

Trường CĐ Cần Thơ

4. TS. Hồ Thanh Tâm (Phó Hiệu trưởng nhà trường) cho biết: “Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và xu thế toàn cầu hóa, để đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, trường đã chỉ đạo các khoa xây dựng lại chương trình đào tạo. Riêng khoa sư phạm phải soạn lại giáo trình cho từng ngành học, phù hợp chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, theo mục tiêu đào tạo giáo sinh khi ra trường có đủ năng lực dạy học theo hướng tích hợp, liên môn, xuyên môn. Tăng cường thời lượng thực hành, thực tập, giúp giáo sinh có nghiệp vụ, kỹ năng vững vàng, khi ra trường đáp ứng yêu cầu của giáo dục là phát triển năng lực, phát hiện năng khiếu của HS, và giúp các em có năng lực tự học… Với các ngành đào tạo ngoài sư phạm, trường chuyển sang hướng ứng dụng thực hành, giảm giờ học lý thuyết. Tiếp tục kết nối doanh nghiệp và các sở/ngành liên quan để tham gia xây dựng chương trình đào tạo, hỗ trợ HS-SV thực hành, thực tập. Thầy cô phải đổi mới phương pháp truyền thụ. Trường tăng cường thiết bị thực hành, liên kết với Trường ĐH Cần Thơ và các công ty đưa HS-SV đến thực tập, tiếp cận công nghệ hiện hành, để khi ra trường có tay nghề vững vàng, kỹ năng thành thạo, đáp ứng yêu cầu lao động của xã hội”.

Với những đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”, Trường CĐ Cần Thơ đã nhận các danh hiệu: Huân chương Lao động hạng nhì và hạng ba; nhiều Bằng khen, Cờ thi đua của UBND TP.Cần Thơ và Bộ GD-ĐT.

Đan Phượng

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)