Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

42 năm trọn nghĩa phu thê

Tạp Chí Giáo Dục

Trong ngôi nhà nằm lọt thỏm giữa con hẻm chật chội bên khu chợ tạm đường Nguyễn Cảnh Chân dù không được rộng rãi nhưng lại có thừa hạnh phúc của đôi vợ chồng gần 70 tuổi đời với những đứa con thành đạt. Đó là gia đình của ông Hồ Tấn Đãi – Trưởng ban Mặt trận KP.3 thuộc P.Cầu Kho, Q.1, TP.HCM.

Nghĩa tào khang mặn nồng

Trong ngôi nhà nhỏ hẹp bên cạnh những tấm bằng khen, huy chương là bức hình lớn đã kịp ghi lại khoảnh khắc đoàn viên thật sự hạnh phúc của gia đình ông Đãi trong ngày sum họp. Nhưng rạng rỡ nhất trong bức ảnh ấm áp sự đoàn tụ đó là nụ cười viên mãn của hai ông bà khi thấy con cháu trưởng thành. Để có được những “vòng nguyệt quế” rạng ngời như hôm nay, mỗi thành viên trong gia đình đã cố sức phấn đấu và phải vượt qua không ít thử thách trong những tháng ngày thật sự gian nan.

…Làm quen với chàng trai xứ Huế sống ở Sài Gòn không bà con ruột thịt nhưng bà Trần Thị Minh Nguyệt vẫn chấp nhận một tình yêu có nhiều khoảng cách. Hiểu rõ hoàn cảnh của ông, bà càng quý mến nghị lực của ông và quyết tâm đến với nhau. Trong ký ức xa xưa, ông Đãi vẫn nhớ như in những ngày đầu họ xây tổ ấm cho hạnh phúc gia đình: “Cũng nhờ tiết kiệm thời tuổi trẻ nên một đám cưới giản dị cũng được tổ chức để ra mắt anh em. Cưới xong không thể đưa vợ về ở đậu trong nhà người anh họ được nên tôi phải vay mượn thêm tiền mua một căn nhà ra ở riêng dù chỉ lợp mái tôn vách bằng gỗ”. Và trong ngôi nhà đó, những đứa con đã lần lượt ra đời trong tình yêu thương của đôi vợ chồng chịu thương chịu khó.

Vợ chồng ông Hồ Tấn Đãi

 Để có tiền trang trải cuộc sống, hai ông bà phải làm đủ nghề như phụ bán thuốc tây, bán heo đất, sản xuất phèn chua cho hợp tác xã… công việc nào cũng vất vả. Biết chia ngọt sẻ bùi cho nhau, tình nghĩa vợ chồng càng thêm mặn nồng thắm thiết. Đồng tiền chắt chiu từ mồ hôi cha mẹ từng ngày nâng đỡ đôi chân của những đứa con đến trường.

Viên mãn cùng con cháu

Mỗi lần quay về với “ngày xưa” để nhắc lại chuyện học hành của con cái, bà Nguyệt lúc nào cũng chạnh lòng: “So với gia đình khá giả thì các cháu thiệt thòi nhiều hơn nhưng không phải vì thế mà bê trễ chuyện học. Nuôi chúng nó lớn khôn đã mừng, thấy đứa nào cũng ngoan ngoãn và lo học, hai vợ chồng lại càng phấn khởi hơn”. Không chỉ đền đáp cha mẹ bằng tấm lòng hiếu thảo, 5 người con của ông bà còn quyết tâm học hành thành đạt để xứng đáng với dòng họ Hồ Tấn có truyền thống khoa bảng. Thương mẹ cha kiếm được đồng tiền vất vả, mấy anh em không ai bảo ai vừa đi học vừa đi làm để cho gánh nặng từ cha mẹ được con cái san sẻ bớt. Suốt nhiều năm liền họ “vịn” vào nhau đến lớp bằng những đồng tiền do mình làm ra. Thế nhưng, không phải lúc nào cũng “đầu xuôi đuôi lọt” khi đứa con áp út của ông bà vì một phút chểnh mảng mà suýt dở dang chuyện học. Thế nhưng nhờ sự phối hợp giữa gia đình và nhà trường, sự kiên trì giáo dục của cha mẹ mà Hồ Tấn An vẫn theo kịp bước chân của các anh chị để sau đó đậu thẳng vào Trường ĐH Hàng hải TP.HCM trong niềm vui của gia đình.

Theo ông, gia đình hạnh phúc không chỉ con cháu đùm đề thành đạt mà mỗi người phải sống có tình có nghĩa với xóm làng để giúp nhau khi tối lửa tắt đèn. Đó cũng là cách ông bà giáo dục con cháu của mình tinh thần tương thân tương ái.

Bài, ảnh: Quang Phan 

“Hoàn thành xuất sắc” trách nhiệm trong một gia đình, ông Hồ Tấn Đãi còn đem lại sự kính trọng và khâm phục cho bà con khu phố khi dành nhiều thời gian tham gia các hoạt động xã hội như Trưởng ban Mặt trận khu phố, Tổ trưởng dân phố, Chi hội trưởng Chi hội Khuyến học KP.3… Với những đóng góp tự nguyện đó, ông bà đã được UBND TP.HCM trao tặng bằng khen Gia đình hiếu học vì đã có nhiều thành tích cao trong công tác vận động phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” trong 10 năm và 15 năm liên tục. 

 

Bình luận (0)