Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

45% người dân có xu hướng vay vốn ngân hàng để mua nhà

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Theo báo cáo nghiên cứu "Đánh giá nhu cầu nhà ở và các yếu tố quyết định hành vi vay vốn mua nhà của người dân trên địa bàn Hà Nội và xu hướng thị trường nhà ở năm 2011" của Công ty cổ phần Báo cáo đánh giá Việt Nam (Vietnam Report), 45% người dân có xu hướng vay vốn ngân hàng để mua nhà và chung cư, đất nền.


45% người dân có xu hướng vay vốn ngân hàng để mua nhà và chung cư, đất nền.

Trong số 400 mẫu điều tra tại thị trường bất động sản (BĐS) Hà Nội, 45% người mua nhà có kế hoạch vay ngân hàng, 30% có kế hoạch vay mượn từ các nguồn khác và chỉ có 25% người được hỏi có kế hoạch tự mua nhà ở bằng tiền của mình.
Trong khi đó, nhà chung cư và đất vẫn là lựa chọn số một của đa số người dân trong cuộc điều tra. Đối với những người có mức thu nhập trung bình dưới 20 triệu đồng/tháng phần lớn chọn loại hình nhà chung cư để mua (chiếm tỷ lệ 47%), các loại hình khác như nhà xây trên nền móng riêng và mua đất để tự xây chiếm tỷ lệ nhỏ hơn khoảng một nửa (26%).
Những người có thu nhập dưới 20 triệu đồng/tháng, đa số chọn tỷ lệ vay dưới 20% giá trị ngôi nhà (chiếm 55%). Đối với những người có thu nhập trong các khoảng trên 20 triệu đồng/tháng, chủ yếu chọn tỷ lệ vay từ 30 – 50% giá trị ngôi nhà.
Bên cạnh đó, tỷ lệ những người trẻ dưới 30 tuổi có dự định vay ngân hàng nhiều hơn những người ở độ tuổi trung niên. Cụ thể, có đến 60% những người dưới 30 tuổi dự định vay ngân hàng để mua nhà ở, tỷ lệ này giảm dần ở các độ tuổi từ 30-40 (47%) và từ 40-50 (32%). Đồng thời, đại đa số những người trẻ có thu nhập trong khoảng trên dưới 30 triệu đồng/tháng đã nghĩ đến giải pháp vay ngân hàng để mua nhà nhiều hơn.
Đánh giá về mức độ khó, dễ trong tiếp cận các nguồn tín dụng BĐS của ngân hàng, chỉ có 12% người được điều tra nhận định quá trình thẩm định trước khi cho vay là dễ dàng và chỉ 13% cho rằng các điều kiện vay vốn là dễ dàng. Về cách tiếp cận nguồn vốn vay, 56% cho biết là tiếp cận qua giới thiệu của bạn bè và người thân, tiếp đến là qua website ngân hàng 21%.
Về tỷ lệ vay ngân hàng sử dụng để mua nhà trên tổng giá trị ngôi nhà định mua, số liệu thống kê cho thấy có tới 51% vay từ 30-50% giá trị ngôi nhà, 16% vay từ 50-80% giá trị ngôi nhà và 33% vay dưới 20% giá trị ngôi nhà. Kỳ hạn vay phổ biến được người tiêu dùng chọn là dưới 10 năm (chiếm 69%) và chỉ 8% người tiêu dùng vay với kỳ hạn trên 15 năm.
Trong số những người đã lựa chọn vay ngân hàng để mua nhà có 23% vay từ Techcombank, 18% vay từ BIDV, 15% vay từ GP Bank, 13% vay từ ACB và 11% vay từ AB Bank. Một số ngân hàng khác chiếm tỷ lệ không đáng kể.
Xem xét các nguyên nhân mà các cá nhân không được vay vốn ngân hàng để mua nhà, đa số các ngân hàng cho rằng chủ yếu là không có tài sản thế chấp phù hợp (44,4%), tiếp đến là không chứng minh được thu nhập (33,3%), vấn đề lãi suất và phương án sử dụng vốn vay chỉ chiếm 11%.
Trên cơ sở ba yếu tố chủ yếu khi cân nhắc vay ngân hàng mua nhà ở là lãi suất, thời hạn vay và các thủ tục, đa số người tiêu dùng (56%) cho rằng, lãi suất là yếu tố rất quan trọng khi vay vốn ngân hàng, chỉ có 20% cho rằng thủ tục vay có vai trò quan trọng.
Nghề nghiệp và thu nhập có xu hướng làm tăng khả năng vay ngân hàng tiếp tục của người tiêu dùng. Người tiêu dùng có thu nhập cao dường như có quyết định tiếp tục vay ngân hàng trong tương lai. Trong khi đó, số nhân khẩu trong hộ, thời hạn vay và lãi suất có tác động ngược lại, trong đó lãi suất có tác động nhiều nhất, quyết định cho người tiêu dùng lựa chọn vay vốn ngân hàng hay không.
Ngoài ra, qua phỏng vấn trực tiếp và thông qua phiếu hỏi với 10 ngân hàng trên địa bàn Hà Nội; 20 doanh nghiệp và một số chuyên gia trong lĩnh vực BĐS, Vietnam Report cho biết, 60% các ngân hàng sẽ thắt chặt hơn nữa thủ tục và quy trình cho vay; trong khi đó đối với các khoản vay ngắn hạn, 80% các ngân hàng cho rằng sẽ không có nhiều thay đổi, chỉ có 20% ý kiến sẽ thắt chặt thủ tục và quy trình.

Nguồn DĐDN


 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)