Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (GDNN, Bộ LĐ-TB&XH) vừa giao 45 trường tuyển sinh và đào tạo 22 nghề trọng điểm cấp độ quốc tế theo chương trình chuyển giao từ Đức. Đây là cơ hội để các trường khẳng định uy tín và vị thế của mình trong hệ thống GDNN cũng như trên thị trường nhân lực chất lượng cao.
Nghề hàn là một trong 22 nghề trọng điểm cấp độ quốc tế được tuyển sinh và đào tạo trình độ CĐ theo bộ chương trình chuyển giao từ Đức
Theo nhiều chuyên gia, đào tạo nghề theo chương trình chuyển giao từ nước ngoài đã được một số trường nghề triển khai, tuy nhiên vẫn còn manh mún, chưa mạnh dạn nên hiệu quả không cao. Đến nay, Tổng cục GDNN thông báo tuyển sinh đào tạo thí điểm 22 nghề chất lượng cao cấp độ quốc tế theo chương trình tiên tiến được chuyển giao từ Đức là điều đáng mừng. Theo đó, trong năm 2019, 45 trường nghề trên cả nước sẽ tuyển sinh và đào tạo 1.056 sinh viên, thời gian đào tạo từ 3 đến 3,5 năm (tùy nghề). Ông Lê Quân (Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH) cho biết đây là một trong những hoạt động của chương trình đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển kinh tế – xã hội theo đề án “Chuyển giao các bộ chương trình; đào tạo, bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý dạy nghề; đào tạo thí điểm các nghề trọng điểm cấp độ khu vực ASEAN, quốc tế giai đoạn 2012-2015” (Quyết định số 371/QĐ-TTg ngày 28-2-2013 của Thủ tướng Chính phủ).
Trao đổi về chương trình này, TS. Trương Anh Dũng (Phó Tổng cục trưởng Tổng cục GDNN) cho biết mỗi nghề của chương trình được thiết kế hai phần, cụ thể là các môn học chung thiết kế theo quy định của Luật Dạy nghề Việt Nam và phần chuyên môn sâu từ bộ chương trình của Đức chuyển giao. Các trường được giao tuyển sinh đào tạo hoàn toàn đủ năng lực thực hiện, từ đội ngũ giảng viên đến cơ sở vật chất, trang thiết bị đào tạo… TS. Nguyễn Thị Hằng (Hiệu trưởng Trường CĐ Kỹ nghệ II) khẳng định việc Tổng cục GDNN triển khai tuyển sinh và đào tạo thí điểm chương trình chuyển giao từ Đức là một bước tiến nhằm khẳng định vị thế, uy tín của hệ thống GDNN đối với thị trường lao động trong và ngoài nước. Đức có bề dày kinh nghiệm trong đào tạo nghề, đặc biệt là các ngành kỹ thuật đáp ứng nhu cầu nhân lực chất lượng cao trên thế giới. “So với các nước trong khu vực, đến thời điểm này chúng ta mới triển khai thí điểm đào tạo từ chương trình của nước ngoài là hơi chậm, song đây sẽ là cơ hội để các trường phát huy khả năng, tạo điều kiện, môi trường tốt nhất cho sinh viên nghề học tập và làm việc sau khi tốt nghiệp”, TS. Hằng nói.
Đề cập đến đầu vào của chương trình, TS. Hằng cho rằng không quá khó để lựa chọn bởi đầu vào tốt nghiệp THPT hoặc bổ túc văn hóa đều được, tuy nhiên các em phải có khả năng ngoại ngữ nhất định và sẽ ưu tiên đối tượng gia đình chính sách, có học lực phổ thông từ khá trở lên. “Tiếng Đức thì hơi hiếm chứ tiếng Anh thì không quá khó, nếu các em có nền tảng ngoại ngữ rồi thì trong quá trình học sẽ được học thêm để đảm bảo khi kết thúc chương trình phải đạt tối thiểu trình độ B1 theo khung tham chiếu trình độ ngoại ngữ chung châu Âu hoặc tương đương”, TS. Hằng chia sẻ.
22 nghề đào tạo theo bộ chương trình chuyển giao từ Đức gồm: cắt gọt kim loại, công nghệ ô tô, điện công nghiệp, điều khiển tàu biển, khai thác máy tàu thủy, công nghệ chế tạo vỏ tàu thủy, bảo trì hệ thống thiết bị cơ khí, hàn, chế tạo thiết bị cơ khí, lắp đặt thiết bị cơ khí, kỹ thuật chế biến món ăn, quản trị khách sạn, quản trị lễ tân, vận hành máy thi công nền, thiết kế thời trang… Hoàn thành chương trình đào tạo này, sinh viên đạt yêu cầu sẽ được cấp 2 bằng là bằng CĐ của Việt Nam và bằng tốt nghiệp của Đức (bậc 4 theo khung trình độ quốc gia Đức). |
Trong số 45 trường được chọn đào tạo 22 nghề này, Trường CĐ Công nghệ Thủ Đức, Trường CĐ Lý Tự Trọng TP.HCM được chọn đào tạo nghề điện công nghiệp; Trường CĐ Xây dựng TP.HCM đào tạo nghề kỹ thuật xây dựng; Trường CĐ Kỹ nghệ II đào tạo nghề công nghệ ô tô và hàn… Bà Nguyễn Thị Lý (Hiệu trưởng Trường CĐ Công nghệ Thủ Đức) cho biết với trang thiết bị đào tạo được đầu tư xứng tầm, giáo viên đạt chuẩn của Đức là cơ hội tốt để sinh viên học tập, trau dồi kỹ năng làm việc ở môi trường chuyên nghiệp. Trong đó, cơ hội lớn nhất là việc làm ở nước bạn nếu đạt chứng chỉ B1 tiếng Đức và học lực khá trở lên. Ông Nguyễn Khánh Cường (Hiệu trưởng Trường CĐ Quốc tế Lilama 2) cho hay hiện trường đang tuyển khoảng 50 sinh viên để đào tạo 3 nghề là lắp đặt thiết bị cơ khí, hàn và chế tạo thiết bị cơ khí. Đây cũng là các nghề chủ lực của trường được các doanh nghiệp trong và ngoài nước đặt hàng đào tạo. “Để khuyến khích, trước mắt số sinh viên này sẽ được miễn 100% học phí và được hỗ trợ chỗ ở cũng như tài liệu nghiên cứu, học tập”, ông Cường thông tin.
Trong khi đó, đại diện một trường CĐ tại TP.HCM đánh giá cao chương trình đào tạo nghề trọng điểm cấp độ quốc tế theo tiêu chuẩn chuyển giao từ Đức, song nếu không đánh giá kỹ ở đầu vào e rằng sinh viên sẽ không theo kịp chương trình. “Đầu vào ở trường nghề những năm gần đây có khá hơn, tuy nhiên con số này không nhiều và không đồng đều ở các trường. Vì vậy, để chọn lựa cần có một hội đồng để đánh giá khách quan, thực chất năng lực của sinh viên, trong đó đặc biệt chú trọng đến khả năng ngoại ngữ, thái độ học tập và hạnh kiểm…”, vị đại diện này lưu ý.
T.Anh
Bình luận (0)