Trong khi mạng điện thoại di động thế hệ thứ tư đang trở thành động lực cho ngành ICT ở nhiều nước, viễn cảnh phát triển của công nghệ mới này ở Việt Nam còn phụ thuộc vào những nỗ lực sắp tới của các nhà mạng và công nghiệp nội dung số.
Công nghệ 4G LTE đang thúc đẩy ngành ICT toàn cầu – Ảnh: K.L
|
Mạng điện thoại di động thế hệ thứ tư (4G) được hứa hẹn sẽ làm thay đổi hoàn toàn cách sử dụng smartphone, và qua đó lối sống, của mọi người trong những năm tới. Phát biểu tại hội nghị khu vực về công nghệ 4G LTE ở Bangkok (Thái Lan) cuối tuần qua, nhiều diễn giả đã nhấn mạnh ưu thế vượt trội của 4G so với 3G xét dưới dưới góc độ trải nghiệm của người dùng, cũng như những lợi ích kinh tế khổng lồ mà 4G đem lại cho ngành công nghệ thông tin và truyền thông.
Nhờ khả năng truyền dữ liệu tốc độ cao lên tới 300 Mbps (trong điều kiện lý tưởng), LTE có thể giúp người dùng tải về một bộ phim chỉ trong vài giây, còn dữ liệu video streaming gần như đến tức thì sau thao tác nhấn phím, ông Bob Cai, Chủ tịch LTE FDD, Network thuộc tập đoàn Huawei, chia sẻ với Thanh Niên tại cuộc họp báo bên lề hội nghị.
Trên thực tế ở những nước đã khai thác mạng 4G, người dùng LTE tiêu thụ dữ liệu (data) gấp hơn 2 lần so với người dùng 3G. Vì vậy, LTE góp phần thúc đẩy sự phát triển các ứng dụng dữ liệu nặng, đặc biệt là các dịch vụ video và âm nhạc trực tuyến. Kể từ khi LG U+ (Hàn Quốc) thương mại hóa các dịch vụ LTE lần đầu tiên vào tháng 7.2011 (phủ sóng 100% dân số), chỉ sau 9 tháng nhà mạng này đã thu hút được 8,3 triệu thuê bao LTE. Đặc biệt, số thuê bao VoLTE (dịch vụ thoại trên nền LTE) đạt tới 3,9 triệu, ông Bob Cai cho biết.
Tại châu Âu, nhà khai thác LTE lớn nhất là EE đã phủ sóng tới hơn 80% dân số và có hơn 7 triệu thuê bao LTE. Các dịch vụ LTE rất đa dạng và phong phú. Ví dụ, LG U + đang cung cấp dịch vụ truyền hình IPTV di động; game full-HD trên nền tảng đám mây (cloud-base C-games)…
Các thuê bao LTE tiêu thụ trung bình khoảng 1 – 5 GB dữ liệu mỗi tháng, gấp từ 3 – 10 lần so với dịch vụ 3G, điều đó có nghĩa là doanh thu nhà mạng sẽ tăng. Tại Anh, doanh thu trung bình trên một khách hàng (ARPU) của nhà mạng EE đã tăng 30% sau khi triển khai LTE. Hay ARPU của LG U+ đã tăng 26% kể từ khi triển khai LTE trong năm 2012.
Trên bình diện vĩ mô, 4G sẽ là động lực dẫn dắt toàn ngành di động trong những năm tiếp theo. Ông Joe Guan, người điều phối chính sách băng tần khu vực châu Á – Thái Bình Dương của Hiệp hội các nhà mạng thế giới (GSMA) ước tính riêng năm 2013, công nghệ di động đã đạt doanh thu 864 tỉ USD, tương đương 4,7% GDP của toàn khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Đáng chú ý là phần đóng góp của các nhà mạng viễn thông lên tới 257,8 tỉ USD, trong khi các ngành công nghiệp liên quan cũng tạo ra 61,9 tỉ USD.
Theo số liệu trình bày tại hội nghị của bà Nicole McCormick, nhà phân tích chính của hãng tư vấn OVUM, Khu vực châu Á – Thái Bình Dương đang chiếm 47% tổng số 500 triệu thuê bao LTE toàn thế giới. Trong 5 thị trường LTE lớn nhất thế giới bao gồm Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Anh, hơn một nửa nằm ở Đông Á. Độ phủ LTE đạt tỷ lệ rất cao ở những nước như Hàn Quốc (73%), Nhật Bản (55%)… Với tốc độ này, mạng 3G sẽ phải nhường vị trí dẫn đầu của mình cho LTE vào năm 2019.
Thách thức với Việt Nam
Việt Nam là một trong những quốc gia cuối cùng của khu vực triển khai 4G (dự kiến 2016), sau cả Lào và Campuchia, nơi Viettel đã đưa 4G vào thị trường thông qua các liên doanh. LTE vào Việt Nam chậm có nhiều lý do, trong đó chủ yếu là do các nhà mạng chưa muốn nhập cuộc do chưa thu hồi đủ vốn và có lợi nhuận từ việc đầu tư vào mạng 3G trước đây. Xây dựng tiếp mạng 4G đồng nghĩa với việc phải đổi mới nâng cấp hệ thống truyền dẫn, trạm BTS…. tốn kém ước tới 1 tỉ USD. Mặt khác, giá thiết bị đầu cuối 4G (điện thoại) còn cao gấp 2-3 lần thiết bị 3G. Nếu làm 4G vào thời điểm hiện nay, Việt Nam sẽ phải chi khoảng 1 tỉ USD để nhập khẩu điện thoại đời mới.
Ông Xiao Yu, Phó Chủ tịch phụ trách sản phẩm giải pháp và marketing, Huawei khu vực Đông Nam châu Á, thừa nhận tỷ lệ thuê bao di động LTE tại các nước đang phát triển sẽ chỉ khoảng 30% vào năm 2020 so với 90% tại các nước phát triển.
Ngoài các điều kiện về quy hoạch băng tần (nhà nước), mức độ sẵn sàng của hạ tầng mạng (nhà mạng), triển vọng phát triển 4G tại Việt Nam còn phụ thuộc rất nhiều vào sự năng động của ngành công nghiệp nội dung số. Nếu chỉ để lướt web đọc tin tức, tra cứu thông tin, trao đổi email… mạng 3G hiện nay hoàn toàn có thể làm tốt vai trò đó. Chỉ khi nào các sản phẩm nghe nhìn như IPTV, game, xem phim, dịch vũ dữ liệu lớn… đủ hấp dẫn người dùng Việt Nam để họ chấp nhận trả một khoản tiền cho gói dữ liệu 4G, khi ấy LTE mới có đất sống. 4G đồng nghĩa với dịch vụ cao cấp thì yêu cầu về chất lượng đối với nhà cung cấp nội dung cũng phải cao cấp. Đây lại là điểm yếu của doanh nghiệp ICT Việt Nam, vốn đang phải vật lộn với đủ khó khăn từ hành lang pháp lý đến quy hoạch phát triển, bảo vệ tác quyền, khả năng sáng tạo, chính sách ưu đãi…
Tuy nhiên những thách thức mà 4G đặt ra cũng chính là cơ hội cho các doanh nghiệp nội dung Việt Nam bắt kịp “chuyến tàu” đi vào tương lai của kỷ nguyên số.
Vạn Lý
(TNO)
Bình luận (0)