Bộ tiêu chuẩn phát triển trẻ 5 tuổi đánh giá được một cách toàn diện sự phát triển nhân cách của trẻ ở tất cả các lĩnh vực: thể chất, tình cảm – xã hội, ngôn ngữ và nhận thức. Tuy nhiên, một số tiêu chuẩn còn chồng chéo, chỉ số thiếu rõ ràng, quá dễ hoặc quá khó.
> Trẻ 5 tuổi phải chạy được liên tục 150m
> Trẻ 5 tuổi phải đạt 29 chuẩn ở 4 lĩnh vực phát triển
Thạc sĩ Hồ Đắc Hải Miên (Phó Giám đốc Trung tâm Đánh giá và Kiểm định chất lượng giáo dục, Viện Nghiên cứu Giáo dục thuộc ĐHSP TP.HCM) góp ý cho "dự thảo bộ chuẩn phát triển trẻ 5 tuổi" mà Bộ GD-ĐT vừa đưa ra để lấy ý kiến.
HS Trường Mẫu giáo Việt Bun (Hà Nội) trong giờ học. Ảnh: Bảo Anh |
Phù hợp với xu hướng thế giới
Xét về tính hợp lý, bộ tiêu chuẩn đánh giá được một cách toàn diện sự phát triển nhân cách của trẻ 5 tuổi ở tất cả các lĩnh vực: thể chất, tình cảm – xã hội, ngôn ngữ và nhận thức.
Do đặc trưng của trẻ 5 tuổi là chuẩn bị vào lớp 1, nên bộ tiêu chuẩn cũng có đề cập đến việc đo lường tính sẵn sàng đi học của trẻ.
Điều này phù hợp hoàn toàn với xu hướng của thế giới khi các trường mầm non luôn đưa ra khung tiêu chuẩn để đánh giá xem trẻ có hội đủ các điều kiện để vào lớp 1 chưa (school readiness).
Nếu nhìn sơ qua, các bậc phụ huynh có thể phát biểu rằng bộ tiêu chuẩn có quá nhiều chuẩn và chỉ số để đánh giá, tuy nhiên, để đánh giá tổng thể sự phát triển toàn diện của trẻ thì phải bao gồm nhiều khía cạnh và nhiều mặt như vậy.
Xét về tính không hợp lý, có 5 điểm đáng lưu ý.
Chồng chéo tiêu chuẩn
Điểm không hợp lý đầu tiên liên quan đến việc sắp xếp các chuẩn nằm trong các nhóm lĩnh vực.
Có một số chuẩn không thật phù hợp với tên gọi của lĩnh vực. Điều này sẽ dẫn đến sự chồng chéo giữa các tiêu chuẩn với nhau, dẫn đến việc đánh giá không chính xác từng lĩnh vực một.
Ví dụ: Chuẩn 4 “hiểu biết và thực hành chăm sóc sức khoẻ, dinh dưỡng”, Chuẩn 5 “thực hành chăm sóc vệ sinh cá nhân” và Chuẩn 6 “hiểu biết và thực hành về an toàn cá nhân” không thuộc về lĩnh vực thể chất, mà thuộc về lĩnh vực phát triển nhận thức (nhận thức về dinh dưỡng hay sức khoẻ).
Tương tự như vậy, Chuẩn 7 (nhận thức về bản thân) không thuộc về lĩnh vực phát triển tình cảm và xã hội, mà thuộc về lĩnh vực nhận thức (về bản thân hay tự ý thức). Chuẩn 8 (tự tin và tự trọng) cũng không thuộc lĩnh vực phát triển tình cảm và quan hệ xã hội.
Chỉ số thiếu rõ ràng
Điểm không hợp lý tiếp thứ hai liên quan đến các chỉ số trong từng tiêu chuẩn.
Có một số chỉ số không thể hiện được chính xác, hoặc không thể hiện rõ ý nghĩa của tiêu chuẩn. Ví dụ: Chỉ số a (chuẩn 13) “nói được khả năng và sở thích của người khác” không nên dùng để đo chuẩn 13 “biết tôn trọng người khác”. Các chỉ số khác của chuẩn này cũng chưa thật rõ ràng. Nếu đọc và phân tích thêm, ta cũng thấy những lỗi tương tự như vậy trong các chuẩn khác.
Quá dễ hoặc quá khó
Điểm không hợp lý thứ ba liên quan đến sự tương đồng về độ khó giữa các chỉ số.
Có các chỉ số rất dễ mà trẻ lên 3 (phát triển bình thường) cũng có thể làm được như “cài và mở cúc áo” hay “biết bộc lộ cảm xúc vui, buồn, tức giận, sợ hãi, ngạc nhiên, xấu hổ”, “hiểu và đáp lại lời nói của người khác”…
Lại có những chỉ số quá khó mà trẻ khó đạt được như “chạy 18m với thời gian nhiều nhất là 5s”, thời gian quá ngắn và rất hiếm trẻ có thể thực hiện được.
Ngoài ra, còn có các chỉ số đòi hỏi khả năng khá cao ở trẻ như “biết ý nghĩa các biển báo giao thông…”, “nhận biết được các phần của sách truyện”, “tự viết được đúng tên mình (trẻ chưa học viết và ghép vần thì không thể tự viết tên mình được” hay “dự đoán các hiện tượng thiên nhiên”…
Thừa chỉ số
Điểm không hợp lý thứ tư liên quan đến sắp xếp các ý trong một chỉ số.
Một chỉ số chỉ nên đo một kỹ năng/kiến thức duy nhất. Ví dụ: Chỉ số “biết được công dụng và chất liệu của các đồ dùng…”. Người đánh giá trẻ sẽ quyết định như thế nào nếu trẻ chỉ biết được công dụng mà không biết chất liệu của vật.
Một ví dụ khác như: “Nói được ngày trên lốc lịch và giờ (…) trên đồng hồ”. Có những bé chỉ coi được giờ trên đồng hồ mà không coi được ngày trên lịch.
Thế nào là "sẵn sàng với việc học"?
Điểm không hợp lý cuối cùng liên quan đến việc ghép tính “sẵn sàng với việc học” vào chung với lĩnh vực “phát triển nhận thức”.
Ở đây, ta cần làm rõ nội hàm của cái gọi là “sẵn sàng với việc học”.
“Sẵn sàng với việc học” bao gồm việc kiểm tra các kỹ năng cần thiết mà trẻ cần phải có để thích ứng tốt với môi trường ở lớp 1.
Các kỹ năng được kiểm tra bao gồm: việc thông hiểu từ vựng, khả năng giao tiếp, số học, sao chép và sử dụng biểu tượng, tự kiểm soát hành vi, khả năng tập trung chú ý, nỗ lực học tập, tính tò mò, khả năng hợp tác, độc lập trong việc giữ gìn vệ sinh cá nhân…
Rõ ràng, có thể thấy “sẵn sàng với việc học” là một khái niệm rộng và bao hàm rất nhiều lĩnh vực. Vì vậy không nên ghép “sẵn sàng với việc học” vào lĩnh vực phát triển nhận thức.
Ths. Hồ Đắc Hải Miên
(Phó Giám đốc Trung tâm Đánh giá và Kiểm định
chất lượng giáo dục, Viện Nghiên cứu Giáo dục)
Theo Vietnamnet
Bình luận (0)