Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

5 bí quyết giúp con bớt gây lộn với bạn

Tạp Chí Giáo Dục

Với trẻ, gây lộn với bạn nhiều lần sẽ làm trẻ mất niềm tin về bạn bè. Nó cũng khiến trẻ bị hạn chế kỹ năng giao tiếp, kỹ năng xây dựng tình bạn.

5 bí quyết giúp con bớt gây lộn với bạn - Ảnh 1.

Một buổi sinh hoạt hè 2016 của học sinh Trường tiểu học Châu Văn Liêm, Q.6, TP.HCM – Ảnh: NHƯ HÙNG

Đối với trẻ trong tuổi đi học, tình bạn vô cùng quan trọng, giúp trẻ khẳng định vị thế của mình. Vì thế, khi có những mâu thuẫn dẫn đến xích mích, cãi nhau thậm chí là đổ vỡ sẽ khiến trẻ rất day dứt, lo lắng. 

Bé Xuân An, 10 tuổi, ngụ Q. Gò Vấp, TP.HCM rất thích có bạn. Mỗi lần các bạn qua chơi, cháu đều đem đồ chơi cho bạn. Vậy mà chỉ được một lúc là cãi cọ, tranh giành, kết cục là ai về nhà nấy. 

Tâm sự với mẹ, cháu nói áy náy vì đã thiếu kiềm chế nhưng không biết phải làm sao. Mẹ cháu cũng bối rối không kém vì không biết dạy con kỹ năng hàn gắn mối quan hệ tình bạn ra sao.

Mối quan hệ tình bạn thật sự được xây dựng và duy trì bền vững thường dựa trên cơ sở là các trẻ tự nguyện tham gia và yêu quý, vui vẻ khi ở bên nhau, tin tưởng nhau khi chia sẻ mọi chuyện. 

Do đó, khi con trẻ xích mích, cãi lộn dẫn đến mất mát trong tình bạn, nếu cha mẹ muốn trẻ hàn gắn lại tình cảm thì hãy dựa vào hai yếu tố: tự nguyện và tình cảm tích cực từ các trẻ. 

Nếu trẻ không hội đủ hai yếu tố đó thì hãy giúp con biết chấp nhận sự đổ vỡ và thiết lập một tình bạn mới.

Cha mẹ có thể tham khảo 5 "bí quyết" dưới đây để giúp con:

Thấu hiểu sự tổn thương: Chuyện trẻ con gây lộn, cãi nhau dẫn đến rạn nứt tình bạn là chuyện xảy ra như cơm bữa do tâm lý trẻ vẫn còn non nớt, thiếu kinh nghiệm ứng xử trước các tình huống. 

Song cha mẹ đừng xem nhẹ mà hãy đồng cảm với trẻ, bởi chuyện xích mích sẽ gây cho trẻ một nỗi buồn đau thật sự, nhất là đối với những đứa bạn thân hoặc với những mối quan hệ đã có từ lâu. 

Vì vậy, cha mẹ hãy nhìn nhận nỗi khổ sở và sự khó chịu của con, bày tỏ sự quan tâm và động viên con sẽ hàn gắn được tình bạn đó nếu con có thiện chí và cố gắng.

Chia sẻ với con những câu chuyện hàn gắn: Hãy gần gũi và kể cho trẻ nghe những câu chuyện về tình bạn của cha mẹ, cũng như những xích mích, đổ vỡ, mất mát, những cố gắng để hàn gắn. 

Điều này sẽ giúp trẻ vơi bớt nỗi buồn và hiểu những mâu thuẫn trong tình bạn cũng là chuyện thường tình và nếu con thật sự trân trọng tình bạn, hãy nỗ lực quyết tâm khắc phục những lỗi lầm của bản thân là nguyên nhân khiến bạn bè chia tay, xa rời.

Cha mẹ không nên can thiệp sâu: Dù rất quan tâm và muốn con nhanh chóng giải quyết mối bất hòa. Tuy nhiên, chuyện xích mích và đổ vỡ trong tình bạn của con là vấn đề của con, hãy để trẻ tự suy nghĩ cách xử lý trên cơ sở những định hướng từ phía cha mẹ.

Bạn bè của trẻ chỉ thật sự tôn trọng và hàn gắn tình cảm với trẻ khi trẻ biết tự lập giải quyết các mâu thuẫn trong các mối quan hệ tình bạn. Nếu cha mẹ can thiệp quá sâu, tự ý đi xử lý giúp con chỉ làm cho sự đổ vỡ càng khó cứu vãn. 

Bởi trẻ con cũng có lòng tự trọng của mình, chúng không muốn ai làm thay, nhất là trong tình bạn.

Dạy con cách thích ứng: Cuộc sống không phải lúc nào cũng diễn ra theo mong muốn của bản thân. Do đó, các bậc cha mẹ nên dạy cho trẻ biết chấp nhận tình trạng sau khi xích mích, đổ vỡ, đứa trẻ kia có thể sẽ thờ ơ, dửng dưng với con, không còn tin tưởng và muốn làm bạn với con nữa. 

Con có thể tìm kiếm và xây dựng một tình bạn mới, đồng thời phải rút được kinh nghiệm, bài học quý giá để không làm mất mát, tổn thương trong tình bạn. 

Để thuyết phục con, cha mẹ có thể kể về các kinh nghiệm của chính bản thân mình để trẻ hiểu rõ là ai cũng có thể bị một người bạn tẩy chay, gạt bỏ.

Tìm sự chia sẻ từ chuyên gia tâm lý: Với hầu hết trẻ, chuyện cãi vã, xích mích với bạn tuy để lại khá nhiều tổn thương nhưng vẫn là một phần bình thường của sự phát triển và hoàn thiện nhân cách. 

Nhưng nếu trẻ cứ tỏ ra đau khổ, day dứt, ân hận kéo dài, thậm chí từ chối tất cả các mối quan hệ bạn bè khác, chỉ sống khép kín, không giao lưu với ai, thì rất có thể tinh thần trẻ đang có vấn đề. Lúc này cha mẹ cần bình tĩnh tìm sự giúp đỡ từ chuyên gia tâm lý.

LÊ PHẠM PHƯƠNG LAN (giảng viên tâm lý)/TTO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Xin lỗi vì bài viết này không hữu ích cho bạn

Giúp chúng tôi cải thiện

Làm sao để chúng tôi cải thiện bài viết này?

Bình luận (0)