Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

5 điều cần thận trọng khi dùng Đông dược

Tạp Chí Giáo Dục

Đối với các loại thuốc thảo dược trong Y học cổ truyền của nhiều dân tộc, các nghiên cứu về tác dụng và độ an toàn dưới góc độ khoa học hiện đại còn chưa hoàn chỉnh. Thường thì, nhiều người vẫn cho rằng, các thứ thuốc dược thảo có độ an toàn tương đối cao và ít gây ra tác dụng phụ so với các thuốc Tây. Tuy nhiên, chúng ta nên biết: những thứ thuốc thảo dược cũng chứa đựng những nguy cơ tổn thương sức khỏe.
Nguy cơ đầu tiên
Trong một số dược thảo có những chất gây ra ung thư. Ví dụ như, “khoản đông” là vị thuốc chữa ho và viêm khí rất thông dụng tại Trung Quốc, Nhật Bản và nhiều nước châu Âu: trong hoa, lá và rễ của nó đều có thành phần gây ung thư. Các nghiên cứu gần đây cho biết: nếu sử dụng “khoản đông” với liều lượng lớn và lâu ngày, sẽ có thể dẫn đến ung thư gan. Trong khi đó, trong các sách Bản thảo thời xưa trong Y học cổ truyền Trung Hoa, khoản đông được coi là vị thuốc không độc.
 Dùng thuốc Đông y cũng có nguy cơ gây tai biến.
Nguy cơ thứ hai
Trong một số vị thuốc thảo dược, ngoài những thành phần có tác dụng điều trị, còn có sẵn những thành phần gây độc. Thí dụ như, tại Hoa Kỳ, một bệnh nhân uống trà lợi tiểu chế từ vị “thương lục” và đã phải đưa vào bệnh viện cấp cứu. Các nghiên cứu cho biết: trong thương lục có các chất độc làm tổn thương dạ dày, ruột, tim và trung khu thần kinh, thậm chí còn gây nên tử vong. Một phần các chất độc trong các thuốc thảo dược bị phá hủy sau được bào chế ở nhiệt độ thích hợp. Nhiệt độ quá cao thì các thành phần hữu hiệu có thể bị phá hủy hết, nhiệt độ quá thấp thì hàm lượng chất độc sẽ còn lại quá nhiều. Chính vì vậy, không nên tùy tiện dùng các thứ thuốc thảo dược không biết rõ nguồn gốc và cơ sở bào chế.
Nguy cơ thứ ba
Trong một số thảo dược hàm lượng thủy ngân, chì và một số kim loại nặng quá cao. Khi sử dụng lâu ngày, sẽ làm tổn thương thần kinh, thận và một số cơ quan khác bên trong cơ thể. Hàm lượng kim loại nặng quá cao trong thảo dược thường do đất đai bị ô nhiễm. Với những người thường xuyên dùng thuốc bổ, cần định kỳ đem các mẫu thuốc đến cơ quan kiểm nghiệm, để kiểm tra độ độc và chỉ nên sử dụng các thứ thuốc không bị ô nhiễm.
Nguy cơ thứ tư
Trong một số thảo dược có các chất làm teo tuyến ức. Tuyến ức là nơi sinh ra các tế bào miễn dịch – có thể tiêu diệt các tế bào ung thư, các vi khuẩn, virus và các tác nhân gây bệnh khác. Các tế bào trong tuyến ức bị giảm dần cùng với tuổi tác, không tái sinh thêm; cho nên tuổi càng cao, khả năng miễn dịch càng suy giảm, sức chống bệnh càng kém. Thế nhưng, trong vị thuốc “sài hồ” – vị thuốc bảo vệ gan rất thông dụng trong Đông y và vị thuốc “ý dĩ” – một vị thuốc có tác dụng làm đẹp nổi tiếng, lại có các thành phần làm teo tuyến ức. Đáng tiếc là, ngoài hai thứ nói trên, trong một số thuốc thảo dược khác, cũng có những thành phần làm teo tuyến ức.
Nguy cơ thứ năm
Trong thời gian chuẩn bị thụ thai hoặc khi đã có thai, uống một số vị thuốc thảo dược có thể làm cho thai dị hình. Đối với những vị thuốc tân dược có thể làm cho thai biến dị, khoa học đã nghiên cứu tương đối kỹ lưỡng. Trong khi đó, đối với các thứ thuốc thảo dược, tác hại này vẫn chưa được khảo sát toàn diện.
Tóm lại, mặc dù Đông y dược đã có một lịch sử phát triển rất lâu dài và các phương pháp bào chế cùng lý luận về cách thức lập phương dụng dược, có tác dụng tăng cường tính hữu hiệu và làm giảm độ độc của thuốc; Thế nhưng, khi dùng thuốc thảo dược cũng cần rất thận trọng và không nên khinh xuất. Khi chẳng may mắc bệnh, muốn dùng Đông dược để chữa trị, cần tiến hành dưới sự hướng dẫn của thầy thuốc, không tự ý mua thuốc về uống theo những lời mách bảo của những người không có chuyên môn.
Lương y HUYÊN THẢO (SK&ĐS)

Bình luận (0)