Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

5 kiểu học cần lưu ý

Tạp Chí Giáo Dục

Từ trước đến nay để góp phần nâng cao chất lượng dạy học, chúng ta thường chỉ tập trung đề cập đến việc đổi mới phương pháp dạy của người thầy mà ít chú ý tới phương pháp học tập của người học.

Trong dạy học, giáo viên phải sử dụng đa dạng và kết hợp các kiểu phương pháp dạy khác nhau. Ảnh: Anh Khôi

Dù trong quan điểm có cho rằng phải lấy người học làm trung tâm, tổ chức quá trình dạy học phải chú ý đến trình độ nhận thức của người học. Song, suy đến cùng phương pháp của người học vẫn phụ thuộc khá nhiều vào phương pháp dạy. Do đó, giáo viên cần phải định hướng cho học sinh các kiểu học tập thích hợp để phát huy tính tích cực, độc lập và chủ động. Nói chung, quá trình học tập của con người có 5 kiểu cơ bản sau:

Kiểu học bắt chước, sao chép máy móc

Đây là phương pháp học đặc trưng cho kiểu học thụ động, máy móc, dựa trên nguyên tắc sao chép các mẫu có sẵn – được trình bày hoặc được tổ chức từ trước, thu nhận và ghi nhớ các thông báo, và kết quả học tập cũng chính là những mẫu, những thông báo đó. Cơ chế học “ăn sẵn” xuất phát từ việc sử dụng một kiểu phương pháp dạy học đọc – chép có tính khuôn mẫu, áp đặt, chủ yếu thể hiện ý chí của người dạy và tính chất phụ thuộc của người học. Những phương pháp dạy học kiểu này thường được gọi là phương pháp thuyết trình (phương pháp giảng dạy của giáo viên) và phương pháp học vẹt, phương pháp học gạo (lối học của học sinh). Phương pháp học này giúp cho người học thu thập tài liệu một cách giản đơn, chưa cần hiểu sâu nội dung, ý nghĩa của vấn đề.

Thông qua hành động trực quan

Phương pháp dạy học ở phổ thông một mặt phải định hướng, điều khiển các kiểu học tập, mặt khác phải thích ứng tạo ra môi trường và cơ hội để hoàn thiện hoặc phát triển hoạt động học tập của người học dựa vào chính kinh nghiệm và hoạt động của người học, mà trước hết là dựa vào các kiểu học tập cơ bản, phổ quát đối với bất kỳ cá nhân học sinh nào.

Biểu thị của việc học tập thông qua các hành động cảm tính và quan sát các sự vật hiện tượng xảy ra. Từ đó, tiến đến các mức độ trí tuệ cao hơn, có tính chất hoạt động, tìm tòi, thực nghiệm. Nó dựa vào nguyên tắc thông qua hành động tay chân, quan sát hình ảnh trong quá trình học tập để tự mình phát hiện, khai thác, tích lũy và xử lý các sự kiện (thông tin học tập), từ đó hình thành khái niệm hoặc mô hình, kỹ năng cần lĩnh hội. Nói cách khác, đó là học theo nguyên tắc phát hiện – tìm tòi. Kết quả học tập là những hình ảnh đã thay đổi do ảnh hưởng của phương pháp học tập của học sinh. Học tập bằng thao tác hoặc thông qua quan sát là một trong những kiểu học tập cơ bản của con người, kể cả của người lớn. Tương thích với kiểu học này là kiểu phương pháp dạy học có chức năng tổ chức, định hướng, tạo môi trường (điều kiện, tình huống, nguồn lực, phương tiện…), tạo thuận lợi để người học làm việc, thông qua việc làm của mình mà phát hiện, tìm kiếm, khai thác, xử lý và đánh giá thông tin học tập, lĩnh hội tri thức, kỹ năng, giá trị.

Trải nghiệm cảm xúc qua các mối quan hệ

Đây chính là việc học tập bằng cảm xúc, rung động; bằng sự đồng cảm, thông cảm giữa con người với nhau. Nguyên tắc chủ yếu của kiểu học này là sự tham gia của cá nhân và nhóm người học vào các quan hệ, các tình huống cụ thể, như trong môn học giáo dục công dân, văn học… Nội dung chủ yếu của quá trình học tập lúc này chính là những trải nghiệm, sự tương tác trực tiếp giữa người học. Phương pháp dạy học phù hợp với kiểu học tập như vậy có chức năng chủ yếu là tổ chức, kích thích động cơ, còn người học chủ yếu cần cảm nhận, trải nghiệm, đánh giá, trao đổi ý tưởng, tự đánh giá, tự khẳng định. Kiểu phương pháp dạy học kích thích phát triển trí tuệ cảm xúc (EQ) có nhiều mô hình khác nhau và khá phổ biến như phương pháp động não, đàm thoại, tranh luận, trình bày nêu vấn đề, thảo luận nhóm… và một số mô hình phát triển giá trị trong các môn học về lĩnh vực xã hội như văn học, địa lý, lịch sử, giáo dục công dân…

Thông qua suy nghĩ lý trí

Kiểu học này chủ yếu dựa vào khả năng nhận thức và tư duy lý trí của người học, thông qua hoạt động trí tuệ của cá nhân. Nguyên tắc cốt lõi ở đây là tính có vấn đề của những kiến thức mà người học cần lĩnh hội. Thực chất là mâu thuẫn giữa kiến thức và năng lực bản thân mà người học gặp phải, chứa đựng những liên hệ nhất định với kinh nghiệm và giá trị của người học. Khi những mâu thuẫn trong bài tập xuất hiện, thì người học phải suy nghĩ, xuất hiện khả năng giải quyết vấn đề. Trong dạy học, điều quyết định đối với người giáo viên là tổ chức và tạo ra được những tình huống dạy học có xác suất cao trong việc gợi ra các vấn đề để người học suy nghĩ. Sự phát triển trí tuệ của người học nói chung sở dĩ có những khác biệt cá nhân khá lớn chính là do kiểu học tập này chi phối (học 1 biết 10). Nhà trường cần tăng cường, khuyến khích và tập trung phát triển phương thức học tập bằng hoạt động trí tuệ của học sinh. Phương pháp dạy học tương ứng với kiểu học này chủ yếu là tạo tình huống, kích thích động cơ, còn người học cần biết mình phải làm gì, suy nghĩ và hành động ra sao để làm được điều đó, có thể và nên làm được điều đó đến mức độ nào.

Kết hợp hài hòa giữa các cách học

Đây là kiểu học phổ biến nhất của học sinh. Là sự kết hợp khéo léo các kiểu học tập khác nhau trong từng môn học. Nói chung con người có thể học bằng nhiều cách khác nhau, trong mọi việc, mọi nơi, mọi lúc, chứ không học một cách đơn điệu bằng một kiểu duy nhất mà phối hợp với các phương pháp học tập khác nhau. Bản thân sự đa dạng của các kiểu học tập tạo ra nhiều cơ hội để người học tiến hành hoạt động học tập, trong đó mỗi người sẽ ưu tiên sử dụng kiểu nào mà mình thấy thích hợp nhất, bổ ích nhất, hiệu quả nhất. Điều đó đòi hỏi việc sử dụng phương pháp dạy học của giáo viên vừa phải rõ ràng về kiểu loại, vừa phải đa dạng và kết hợp các kiểu phương pháp dạy học với nhau.

Lê Phạm Phương Lan
(Giảng viên tâm lý học
Trường ĐH Nguyễn Huệ)

Bình luận (0)