Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

5 loại bệnh rình rập trường học

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Phụ huynh đưa con đến khám tại Bệnh viện Nhi Đồng I

Chiều 26-2, UBND TP.HCM đã có buổi làm việc với Sở Y tế, Sở GD-ĐT và UBND 24 quận, huyện về việc phòng chống dịch bệnh.
Nguy cơ bùng phát 5 bệnh
Tại buổi làm việc, ông Lê Trường Giang – Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết: “Đây đang là mùa khô, thời điểm thuận lợi để các bệnh lây qua đường hô hấp bùng phát. Hiện nay nổi lên 5 bệnh, đó là sởi, rubella, tay chân miệng, H5N1 và tiêu chảy cấp”.
Đối với tiêu chảy cấp và H5N1, mặc dù thành phố chưa phát hiện ca bệnh nhưng mỗi ngày có hàng trăm người vãng lai nên nguy cơ có dịch là rất khó tránh khỏi. Còn bệnh tay chân miệng, hiện nay trung bình mỗi tuần có khoảng 20 ca, rất ít so với mọi năm. Tuy vậy, các ca bệnh lại không tập trung ở một nơi mà nằm lẻ tẻ tại 24 quận, huyện. Theo đó mầm bệnh tiềm ẩn có khắp mọi nơi. Mỗi năm bệnh tay chân miệng có 2 đỉnh dịch, đỉnh thứ nhất là tháng 4, tháng 5, đỉnh thứ hai là tháng 9, tháng 10. Đỉnh thứ hai rất lớn, có năm mỗi tuần có tới 400 – 500 trẻ nhập viện. Nguy hiểm hơn sởi, rubella, bệnh tay chân miệng có nguy cơ tử vong cao, nhất là với trẻ dưới 2 tuổi. “Chỉ còn một tháng nữa là vào đỉnh dịch thứ nhất, nên ngay từ bây giờ các quận huyện phải triển khai khống chế không cho dịch bệnh có cơ hội bùng phát. Mỗi quận, huyện nên chọn một ngày thứ bảy hoặc chủ nhật đồng loạt ra quân làm vệ sinh môi trường, nhất là ở những hộ gia đình có con dưới 5 tuổi và các trường mầm non. Hãy lau chùi nhà, đồ chơi của trẻ bằng thuốc khử trùng Chloramine”, ông Giang khuyến cáo.
Riêng sởi và rubella, đang là hai bệnh “nóng” nhất hiện nay trên địa bàn thành phố. Tính đến ngày 25-2, toàn thành phố có 40 ca sởi tại 35 điểm và 20 ca rubella. Ở ổ dịch khu vực Trường Tiểu học Quới Xuân, P.Thạnh Xuân, Q.12 phát hiện thêm 2 ca sởi và 3 ca rubella. 3 ca rubella là học sinh của trường, còn 2 ca sởi là trẻ em sống gần nhà học sinh Lê Dương Khánh – 7 tuổi, học sinh Trường Quới Xuân. Em Khánh có kết quả xét nghiệm dương tính với sởi vào ngày 18-2. Theo đó, khu vực xung quanh trường và Trường Quới Xuân đã có 3 ca sởi và 8 ca rubella.
“Hai năm trước rubella bùng phát ở các khu công nghiệp, khu chế xuất – nơi tập trung hàng chục ngàn công nhân với điều kiện sinh hoạt kém vệ sinh, nhưng năm nay bệnh lại xảy ra ở trường học, công sở. Do vậy, bất kỳ là quận trung tâm hay quận ven, huyện ngoại thành đều có nguy cơ bùng phát dịch bệnh”, ông Giang khẳng định.
Trường học quá lơ là
Trước sự việc dịch sởi và rubella xuất hiện ở Trường Mầm non tư thục Phượng Hồng, Q.Thủ Đức và Trường Tiểu học Quới Xuân, Q.12, bà Nguyễn Thị Thu Hà – Phó chủ tịch UBND TP.HCM tỏ ra không hài lòng về công tác phòng dịch ở khu vực trường học.
“Hôm nay có Sở GD-ĐT họp ở đây, tôi đề nghị sở phải chỉ đạo các trường đẩy mạnh công tác phòng chống dịch bệnh. Phòng y tế ở trường học không chỉ đơn giản là nơi phát thuốc mỗi khi học sinh bị bệnh tới xin thuốc mà còn là nơi giáo dục, tuyên truyền học sinh, giáo viên ngăn ngừa dịch bệnh. Tôi đã từng xuống một số trường tổ chức bán trú và phát hiện có không ít trường không chú trọng đến vấn đề vệ sinh môi trường, đồ dùng cho học sinh. Ở nhiều trường, khăn lau của học sinh không được phơi nắng. Tôi đề nghị khăn lau phải được hấp, sấy khử trùng, đồ chơi của trẻ mầm non phải thường xuyên được sát khuẩn”, bà Hà chỉ đạo.
Ông Lê Trường Giang – Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM khuyến cáo: “Cả 5 bệnh rubella, sởi, tay chân miệng, H5N1 và tiêu chảy cấp khi khởi phát đều có chung một triệu chứng đó là sốt. Vì vậy khi phát hiện sốt thì phải đưa bệnh nhân tới ngay cơ sở y tế để được chẩn đoán bệnh. Việc phát hiện bệnh càng sớm thì nguy hiểm càng ít cũng như việc lây lan ra cộng đồng càng hạn chế”.
Theo đề xuất của Sở Y tế TP.HCM về việc mua vaccine của Công ty Dược – Mỹ phẩm May để dự trữ tiêm ngừa cho các đối tượng nguy cơ cao trong vùng dịch khi có chỉ định nhằm dập tắt ổ dịch, ngăn chặn dịch bùng phát và lan rộng. Số lượng dự kiến mua đối với các loại vaccine phòng sởi, rubella, quai bị (Trimovax) là 20.000 liều, vaccine đơn liều ngừa sởi (Rouvax) là 96.700 liều. Bà Hà chỉ đạo ngành y tế tiến hành tiêm ngừa cho người dân, khu vực dân cư nghèo thì tiêm miễn phí, khu vực dân cư có điều kiện thì vận động người dân đóng tiền.
Bên cạnh đó bà Hà cũng yêu cầu trong tuần này hoặc tuần tới, Sở Y tế phối hợp với Sở Tài nguyên Môi trường và 24 quận, huyện tiến hành tổng vệ sinh môi trường chung. Bởi, dịch bệnh có thể bùng phát là do vệ sinh môi trường ở nhiều nơi còn kém…
“Trung tâm y tế TP, trung tâm y tế 24 quận, huyện không nên đợi đến khi dịch bệnh xảy ra rồi mới tới phun xịt mà phải tuyên truyền tới tận hộ dân để người dân biết cách phòng bệnh. Sắp tới, tôi sẽ trực tiếp xuống các hộ gia đình có ca bệnh, nếu xác minh người dân chưa được tuyên truyền phòng bệnh thì ngành y tế phải chịu trách nhiệm”, bà Hà nhấn mạnh.
Kim Anh

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)