Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

5 lưu ý phòng chống bệnh đậu mùa khỉ

Tạp Chí Giáo Dục

Ngày 3.10, VN ghi nhận ca bệnh đậu mùa khỉ đầu tiên. Bộ Y tế đã có hướng dẫn giám sát và phòng chống bệnh đậu mùa khỉ.

Theo hướng dẫn, trường hợp nghi ngờ ca bệnh đậu mùa khỉ là trường hợp có phát ban cấp tính dạng mụn nước hoặc mụn mủ và không giải thích được bằng các bệnh phát ban phổ biến khác (thủy đậu, herpes, sởi, nhiễm trùng da do vi khuẩn, lậu, giang mai…), đồng thời có một hoặc nhiều triệu chứng sau: đau đầu, sốt (trên 38,5 độ C), nổi hạch (sưng hạch bạch huyết), đau cơ, đau lưng, đau nhức cơ thể. Biểu hiện triệu chứng tương tự bệnh đậu mùa, tuy nhiên hay gặp tổn thương da toàn thân và có hạch to.

5 lưu ý phòng chống bệnh đậu mùa khỉ - ảnh 1

Vết thương trên da một bệnh nhân mắc đậu mùa khỉ. AFP

Ngoài các yếu tố trên, ca nghi ngờ có một hoặc nhiều yếu tố dịch tễ sau: trong vòng 21 ngày trước khi khởi phát triệu chứng, có tiếp xúc với trường hợp bệnh xác định hoặc trường hợp bệnh nghi ngờ, thông qua tiếp xúc vật lý trực tiếp với da hoặc tổn thương da (bao gồm cả quan hệ tình dục), hoặc tiếp xúc với các vật dụng bị ô nhiễm như quần áo, giường, đồ dùng cá nhân của người bệnh; trong vòng 21 ngày trước khi khởi phát triệu chứng, có quan hệ với nhiều bạn tình.

Về xét nghiệm vi rút xác định ca bệnh đậu mùa khỉ, thông tin từ đơn vị đầu ngành của Bộ Y tế cho biết hiện chưa thực hiện xét nghiệm này, chờ hướng dẫn thêm từ Bộ Y tế.

Về năng lực xét nghiệm đậu mùa khỉ trong nước, GS Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cho hay sẽ điều phối giữa các đơn vị trong nước để đảm bảo việc xét nghiệm các ca nghi ngờ, phục vụ giám sát phát hiện kịp thời ca bệnh.

Bệnh thường diễn biến nặng ở trẻ em, phụ nữ có thai hoặc người bị suy giảm miễn dịch. Thời gian ủ bệnh từ 5 – 21 ngày (phổ biến từ 6 – 13 ngày).

Để phòng chống bệnh đậu mùa khỉ, người dân cần thực hiện 5 biện pháp sau đây:

Thứ nhất, tránh tiếp xúc gần gũi với người mắc bệnh, tránh tiếp xúc trực tiếp với vết thương, dịch cơ thể, giọt bắn và các vật dụng, đồ dùng bị nhiễm mầm bệnh.

Thứ hai, thường xuyên rửa tay sạch bằng xà phòng và các dung dịch sát khuẩn thông thường; che miệng khi ho, hắt hơi; không khạc nhổ nơi công cộng.

Thứ ba, người có các triệu chứng của trường hợp nghi ngờ cần chủ động liên hệ cơ sở y tế để được theo dõi, tư vấn kịp thời; đồng thời cần chủ động tự cách ly và tránh quan hệ tình dục.

Thứ tư, người xác định mắc bệnh (có kết quả xét nghiệm dương tính với vi rút gây bệnh đậu mùa khỉ bằng kỹ thuật PCR hoặc giải trình tự gien) phải được cách ly y tế đến khi điều trị khỏi bệnh.

Thứ năm, người dân chủ động nâng cao sức khỏe bằng cách thực hiện lối sống lành mạnh, tăng cường vận động thể lực, đảm bảo an toàn thực phẩm.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tỷ lệ tử vong khi mắc bệnh theo thống kê (thời điểm tháng 8.2022) dao động từ 0 – 11% và cao hơn ở trẻ nhỏ. Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Mỹ, tỷ lệ tử vong liên quan đến nhóm vi rút đậu mùa khỉ nhánh Tây Phi là 1%, và có thể cao hơn ở những người bị suy giảm miễn dịch.

2 ca bệnh đậu mùa khỉ vừa được ghi nhận ở Phuket

Phuket, hòn đảo nổi tiếng về du lịch của Thái Lan và cũng rất quen thuộc với khách du lịch từ VN, vừa công bố 2 ca đậu mùa khỉ được phát hiện tại đây hôm 1.10, nâng tổng số ca mắc tại Thái Lan lên 10 ca.

Theo Cơ quan Kiểm soát bệnh tật của Thái Lan, 2 ca bệnh nêu trên là một phụ nữ người Thái và một nam người Đức. Bệnh nhân nữ 37 tuổi, làm nhân viên phục vụ, có triệu chứng sốt, đau họng và đau cơ vào ngày 16.9. Cô đã tiếp xúc gần gũi với người đàn ông Đức 54 tuổi vào ngày 17.9. Sau đó, cô bị phát ban và nổi mụn nước trên cơ thể. Theo tờ Bangkok Post, kết quả xét nghiệm của cả hai cho thấy dương tính với vi rút đậu mùa khỉ.

Theo CDC Mỹ, đến ngày 30.9, thế giới có 28 ca tử vong do đậu mùa khỉ.

Phương An

Theo Liên Châu/TNO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)