Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

5 lý do để giao Bộ LĐ-TB&XH

Tạp Chí Giáo Dục

Liên quan quản lý nhà nước về lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, có 5 lý do để giao cho Bộ LĐ-TB&XH.

Một tiết thực hành trong phòng thí nghiệm của sinh viên Trường CĐ Đại Việt Sài Gòn – Ảnh: N.Hùng

Thứ nhất, việc giao cho Bộ LĐ-TB&XH thực hiện quản lý nhà nước về lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp (GDNN) đã được sự thống nhất và đồng thuận cao của lãnh đạo Đảng, Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ trong quá trình xây dựng dự án Luật GDNN.

* Thứ hai, Bộ LĐ-TB&XH là cơ quan được Chính phủ giao chủ trì xây dựng Luật GDNN, soạn thảo các văn bản quy định chi tiết thi hành luật. Vì vậy, bộ hiểu rõ các quan điểm, tư tưởng, định hướng, nội dung được quy định tại từng điều luật. Điều đó tạo ra lợi thế trong việc quản lý nhà nước, hoạch định cơ chế chính sách phát triển GDNN theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa, dân chủ hóa và hội nhập quốc tế.

* Thứ ba, trong 60 năm qua (1955-2015), Bộ LĐ-TB&XH đã có thời gian 39 năm được giao là cơ quan chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện chức năng quản lý nhà nước về dạy nghề (từ 1955-1977 và từ 1998 đến nay). Bộ LĐ-TB&XH có thời gian quản lý nhiều hơn và có nhiều kinh nghiệm quản lý về dạy nghề, nhất là trong giai đoạn từ năm 1998 đến nay. Sau khi bộ được phân công quản lý nhà nước về dạy nghề, hoạt động đào tạo nghề đã có bước phục hồi và phát triển mạnh mẽ, từng bước đáp ứng nhu cầu đa dạng về nhân lực lao động kỹ thuật phục vụ trực tiếp trong hầu hết các lĩnh vực của nền kinh tế quốc dân.

* Thứ tư, việc giao cho Bộ LĐ-TB&XH là cơ quan quản lý nhà nước về GDNN có thêm nhiều thuận lợi: Bộ LĐ-TB&XH là cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực việc làm, xuất khẩu lao động, nên sẽ thuận lợi cho việc gắn kết giữa cung (đào tạo) với cầu (việc làm), tránh được hiện tượng đào tạo tràn lan, không có việc làm, thất nghiệp như hiện nay. Bộ LĐ-TB&XH là cơ quan quản lý nhà nước trong việc phát hiện kỹ năng nghề mới, tổ chức xây dựng tiêu chuẩn kỹ năng nghề, quản lý tiêu chuẩn kỹ năng nghề… những hoạt động trên không thể tách rời hoạt động đào tạo nghề. Đó là cơ sở quan trọng nhất để đào tạo nghề theo hướng chuẩn hóa và đáp ứng yêu cầu của người sử dụng lao động. Hầu như không có quốc gia nào trên thế giới lại đào tạo nghề mà không dựa vào tiêu chuẩn kỹ năng nghề.

* Thứ năm, đào tạo nghề đảm trách số lượng đông đảo nhất trong cơ cấu nhân lực của đất nước và đang là lĩnh vực Bộ LĐ-TB&XH quản lý.

NGỌC HÀ – XUÂN LONG 

(TTO)

Bình luận (0)