Theo cơ quan an ninh điều tra – Bộ Công an, 5 người bị bắt trong vụ án đặc biệt nghiêm trọng xâm phạm an ninh quốc gia đã cơ bản nhận tội. Hiện các cơ quan chức năng đang hoàn tất thủ tục pháp lý để sớm đưa vụ án ra xét xử.
5 người bị cơ quan An ninh điều tra (Bộ Công an) khởi tố, bắt tạm giam về hành vi chống Nhà nước gồm: Trần Huỳnh Duy Thức, Lê Công Định, Lê Thăng Long, Nguyễn Tiến Trung, Trần Anh Kim.
Cơ quan an ninh điều tra cũng đã triệu tập, mời làm việc hơn 20 người khác trong vụ án được đánh giá là đặc biệt nghiêm trọng này.
Trước đó, ngày 24/5/2009, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã bắt khẩn cấp Trần Huỳnh Duy Thức khi đang sử dụng đường truyền internet để liên lạc với đối tượng phản động bên ngoài.
Căn cứ tài liệu thu được và lời khai của Trần Huỳnh Duy Thức, Cơ quan An ninh điều tra lần lượt bắt khẩn cấp Lê Thăng Long – Tổng Giám đốc Công ty Innotech; Lê Công Định – Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Lê Công Định; Nguyễn Tiến Trung, Trần Anh Kim.
Theo cáo buộc của cơ quan điều tra, Trần Huỳnh Duy Thức (sinh năm 1966, Tổng Giám đốc Công ty OCI) đã viết, sưu tầm, trao đổi qua thư điện tử 60 đầu tài liệu bao gồm 381 trang (19 bài trên blog “Change we need”, 23 bài trên blog “Trần Đông Chấn”, 16 bài trên blog “Psonkhanh”, 194 trang trên thư điện tử chihaichibachitu@gmail.com); Thức trực tiếp viết 53 bài gồm 14 bài công kích sự điều hành, chính sách kinh tế của Chính phủ; 21 bài xuyên tạc sự lãnh đạo của Đảng; 10 bài chia rẽ nội bộ lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước.
Kết quả điều tra, qua các bản cung và bản tự khai của Trần Huỳnh Duy Thức cho thấy: Trần Huỳnh Duy Thức chủ mưu thành lập “nhóm nghiên cứu Chấn” từ cuối năm 2005 nhằm thay đổi chế độ, là người khơi nguồn công kích xuyên tạc các chính sách của Chính phủ và trực tiếp công kích quyết liệt Thủ tướng Chính phủ bằng các blog “Psonkhanh”, “Trần Đông Chấn”, “Change We Need”.
Lê Công Định (sinh năm 1968, nghề nghiệp: Luật sư) bị cáo buộc đã có những hành vi chống Nhà nước. Theo cơ quan an ninh điều tra, được sự giới thiệu của Nguyễn Tiến Trung, Lê Công Định tham gia tổ chức phản động lưu vong có tên gọi “Đảng dân chủ Việt Nam” từ đầu năm 2008, tham gia “Ban thường vụ” từ tháng 5/2009, được Nguyễn Sỹ Bình bổ nhiệm làm “Tổng thư ký” từ tháng 6/2009 nhưng chưa công bố thì bị bắt.
Tháng 3/2009, tại Phu Khet (Thái Lan), Lê Công Định cùng Nguyễn Sỹ Bình, Trần Huỳnh Duy Thức bàn thống nhất về thời điểm thay đổi thể chế chính trị được gọi là “lúc phất cờ” 2010-2011. Lê Công Định là người nêu vấn đề bauxite Tây Nguyên là tử huyệt của chế độ cộng sản, từ đó Trần Huỳnh Duy Thức viết bài “Bauxite Tây Nguyên: Huyệt mộ triều đại Cộng sản tự đào chôn mình” trên blog “Change We Neeed”.
Đối với Nguyễn Tiến Trung (sinh năm 1983), Thạc sỹ công nghệ thông tin, trú tại phường 4, quận Tân Bình, TPHCM, theo tài liệu của cơ quan an ninh điều tra, Khi còn học ở trường Đại học Bách khoa TP Hồ Chí Minh (2001-2002), Trung đã có tư tưởng chống Nhà nước. Năm 2002, khi sang Pháp du học, Trung đã tiếp xúc với một số đối tượng chống đối, bị những người này lôi kéo, hỗ trợ lập ra tổ chức “Tập hợp thanh niên dân chủ” với mục đích tập hợp lực lượng trong giới trẻ, phối hợp với lực lượng chống đối trong và ngoài nước chống Nhà nước, đòi thay đổi chế độ chính trị ở Việt Nam.
Trung đã lập blog cá nhân, viết, tán phát nhiều tài liệu, và trực tiếp điều hành, quản lý diễn đàn “Thanh niên dân chủ” trên các trang web, báo điện tử nhằm lôi kéo, tập hợp nhiều thanh niên Việt Nam đang học ở Pháp, Mỹ tham gia. Tháng 12/2006, Trung gia nhập tổ chức có tên gọi “Đảng dân chủ Việt Nam” do Nguyễn Sỹ Bình và Nguyễn Xuân Ngãi cầm đầu và được cử vào vị trí “Ủy viên trung ương đảng, Phó ban đối ngoại, Trưởng ban công tác thanh niên”; năm 2009 được vào “Ban thường vụ trung ương”, được phân công làm “Phó tổng thư ký” phụ trách thanh niên của “Đảng dân chủ Việt Nam”.
Trần Anh Kim (sinh năm 1949 tại Thái Bình), người từng có tiền án 24 tháng tù giam về tội “Cố ý làm trái nguyên tắc quản lý kinh tế” được Hoàng Minh Chính bổ nhiệm làm ủy viên trung ương “Đảng dân chủ Việt Nam” vào tháng 3/2006. Ông này bị cáo buộc đã thường xuyên viết bài đưa lên mạng internet để tuyên truyền cho “Đảng Dân chủ Việt Nam”; kêu gọi công dân Việt Nam ở trong và ngoài nước đòi xóa bỏ Điều 4 Hiến pháp, đứng lên lật đổ Nhà nước CHXHCN Việt Nam, xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, thực hiện chế độ đa nguyên, đa đảng và tuyên bố “Đảng dân chủ Việt Nam” là đối trọng của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Tháng 5/2009, Trần Anh Kim được bổ nhiệm làm “Phó Tổng thư ký Đảng dân chủ Việt Nam” tại nhà riêng, nhưng cơ quan an ninh đã kịp thời ngăn chặn.
Theo cơ quan an ninh điều tra, Trần Anh Kim tham gia “khối 8406” với vai trò trưởng ban đại diện của tổ chức này ở khu vực phía Bắc. Ông này cũng thừa nhận đã hàng trăm lần trả lời phóng viên các đài, báo nước ngoài như RFA, BBC, đài Chân trời mới…
Lê Thăng Long sinh ngày 6/4/1967, nghề nghiệp: Tổng Giám đốc công ty Innotech đã tham gia “Nhóm nghiên cứu Chấn” của Trần Huỳnh Duy Thức, trực tiếp viết “kế hoạch của Sim” nhằm đi vào nội bộ để thu thập thông tin, tác động, lôi kéo vào “nhóm Chấn” theo phương thức dùng “Đoài đánh Đoài” (Cộng sản đánh Cộng sản); đã ứng cử Đại biểu Quốc hội khóa XII nhằm mục đích nếu trúng cử tạo chỗ đứng trong cơ quan quyền lực cao nhất, tìm cách tiếp cận, lôi kéo và sử dụng ảnh hưởng của những người lãnh đạo cấp cao ủng hộ nhóm “Chấn” nhằm phục vụ âm mưu thay đổi chế độ chính trị vào thời điểm “lúc phất cờ” 2010 – 2011.
Theo cơ quan điều tra, đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng xâm phạm an ninh quốc gia, hoạt động của các đối tượng trong vụ án mang tính tổ chức, có sự móc nối, quan hệ với các tổ chức người Việt lưu vong và các thế lực thù địch bên ngoài. Cơ quan An ninh điều tra đang phối hợp với Viện Kiểm sát, Tòa án khẩn trương kết luận vụ án và đưa ra xét xử trong thời gian sớm nhất.
TTXVN
Bình luận (0)