Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

“5 sao” và “2 chiều”

Tạp Chí Giáo Dục

"5 sao" là tên báo chí đặt cho bộ chuẩn phát triển trẻ 5 tuổi đang được lấy ý kiến. "2 chiều" là cách mà phụ huynh muốn biết về cơ sở khoa học cũng như cơ sở thực tiễn của nó. Bởi, bộ chuẩn này cũng tương tự "hàng hiệu made in Bộ Giáo dục" mà phụ huynh có quyền được biết nguồn gốc xuất xứ.
"C.ổ tích đời  thường"
Năm 2008, nhiều thông tin đáng chú ý của giáo dục mầm non đã nhòa đi trong bối cảnh suy thoái kinh tế và hàng loạt biến động xã hội khác.
Trong nhà trường, đã xảy ra những chuyện thắt lòng như trẻ đi học tự dưng bị mất hay vô tình rơi xuống hố rồi chết.
Ngoài xã hội, nhiều người chứng kiến câu chuyện "cổ tích giữa đời thường" của phụ huynh Mai Anh (Hà Nội) và những "người mẹ cộng đồng" với chú lính chì dũng cảm Phùng Thiện Nhân.
Ở ngành giáo dục, cấp nào cũng có ít nhất 1dự án ODA, cấp tiểu học có tới 3, thì ngành mầm non ôm nỗi ngậm ngùi "không có" (!).
Trên Quốc hội, đại biểu truy vấn Bộ trưởng gay gắt, có phải "chăm ngọn quên gốc" chỉ chú ý giáo dục ĐH, quên giáo dục mầm non khiến người đứng đầu ngành giáo dục phải phân trần rằng khi mới nhận việc, việc đầu tiên của ông là ý tưởng phổ cập trẻ 5 tuổi nhưng ngặt nỗi băn khoăn lớn nhất là ngân sách nhà nước lấy đâu ra tiền nên ý tưởng đành để đó.
"Năm học của chuẩn"
2009 được ngành giáo dục đặt tên cho phong trào "năm học của chuẩn và đào tạo theo nhu cầu xã hội".
Cuối năm 2008, "chuẩn" về chức danh GS, PGS, chuẩn về chức danh giám đốc Sở GD-ĐT đã ban hành.
Trước đó, "chuẩn giáo viên tiểu học" cũng đã hoàn tất trong dự án "Phát triển giáo viên tiểu học" trị giá trên 35,7 triệu USD.
Hiện tại, bộ chuẩn giáo viên THPT đang được nỗ lực xây dựng.
Đầu năm 2009, một số trường ĐH đã công bố "chuẩn đầu ra" để sinh viên biết và hướng tới "những điều cần làm được" khi tốt nghiệp.
Đầu tháng 2/2009, Chính phủ yêu cầu các trường nghề đến 2010 phải công bố chuẩn đầu ra, từ đó khuyến cáo  việc trả lương  cho người tốt nghiệp trong tương quan  với các trình độ  đào tạo, ngành nghề khác.
Cũng đầu tháng 2/2009, Bộ GD-ĐT trưng cầu ý kiến cho dự thảo chuẩn phát triển trẻ 5 tuổi, sau đó là "chương trình giáo dục mầm non mới".
Nếu như những chuẩn về các chức danh trong ngành giáo dục, còn nghi ngại sẽ có tiêu cực để "đạt chuẩn" như chạy bằng cấp, chứng chỉ,v.v… thì với "chuẩn đầu ra" với sinh viên, "chuẩn phát triển" với trẻ mầm non, dễ nhận được sự chia sẻ bởi đó là những "yêu cầu mong đợi đạt được chính đáng" mà cách đạt được duy nhất là phương pháp giáo dục đúng, không chỉ của giáo viên, nhà trường, mà còn cả của phụ huynh đối với con em mình.
2 chiều
Thế nhưng, sự đồng thuận có được hay không, lại nằm ở cách thức thuyết minh của những người có trách nhiệm "sản xuất ra chuẩn".
Bộ GD-ĐT từng mở đợt góp ý cho một số chính sách đang làm như trưng cầu ý kiến về dự thảo chiến lược giáo dục đến năm 2020, trưng cầu ý kiến về sách giáo khoa.
Lãnh đạo Vụ ĐH đã nhiệt tình "đối thoại online" (trực tiếp trên mạng) và cả "offline" (nói chuyện trong các buổi gặp gỡ trực tiếp) về các chính sách tuyển sinh với thí sinh.
Những tín hiệu "đối thoại 2 chiều" tích cực trên là điều đáng ghi nhận.
Nhưng dư luận có quyền đòi hỏi cao hơn. Bởi, với một chiến lược cho hơn 10 năm thì dường như việc "trưng cầu dân ý" trong 2 tháng (lại vướng thời gian nghỉ Tết), khó lòng mà góp ý cho kịp, cho kỹ.
Hay đợt góp ý cho SGK chỉ ra kết quả "khiêm tốn" – sửa 133 lỗi, chủ yếu về chính tả, cách diễn đạt – chưa "xứng tầm" với một đợt trưng cầu về sách được đánh giá là lớn nhất từ trước tới nay.
Và các chính sách về giáo dục ĐH thì nhu cầu được biết của người dân không chỉ là chuyện "nhắc lại những điều cần biết" trong quy chế tuyển sinh mà còn là "thắc mắc biết hỏi ai" về chương trình, đội ngũ, việc mở trường,v.v… đang còn để ngỏ.
Không phải Bộ GD-ĐT thiếu chủ trương. Chẳng thể vì lý do "thiếu phương tiện". Câu chuyện "tăng học phí" là một ví dụ.
Về chủ trương, người đứng đầu ngành giáo dục đã nói năm học 2008 – 2009 sẽ thực hiện "ba công khai" và "công khai" cũng là một trong những nguyên tắc trong đề án học phí này.
Về phương tiện, ít nhất, ngành giáo dục cũng có trang thông tin điện tử thường lọt hạng "top 5" về "khả năng sẵn sàng của chính phủ điện tử".
Thế nhưng, trong khi phần "Dự thảo" của trang thông tin mạng còn lác đác, ý định "tăng học phí" 5 lần, 7 lượt rục rịch tăng rồi lại hoãn vì chưa có sự "khai thông" giữa ngành giáo dục với dư luận bên ngoài, thì bóng dáng của dự thảo học phí vẫn là … "hãy đợi đấy".
Hàng "made in Bộ Giáo dục"
Trên thị trường, hàng giáo dục "made in Bộ GD-ĐT" thường là những thứ người mua xem xét đầu tiên.
Trong khi các "bà mẹ thông minh" nuôi và dạy con theo sách, đã dành nhiều thời gian tìm và "test" các “bộ chuẩn phát triển của trẻ”, các hãng sữa đã nhanh chân hơn Bộ GD-ĐT với việc gửi cho khách hàng nhiều tài liệu liên quan.
Bộ chuẩn phát triển trẻ 5 tuổi cũng tương tự "hàng hiệu made in Bộ Giáo dục" mà phụ huynh có quyền được biết "nguồn gốc xuất xứ".
"Nguồn gốc xuất xứ" đó là sự "thuyết minh" về cơ sở khoa học, cơ sở thực tiễn cũng như cách mà trường mầm non sẽ áp dụng trong thực tế.
Ít ra, là để không còn băn khoăn: Tại sao, ở bản dự thảo "chuẩn phát triển trẻ 5 tuổi" đã công bố tuần trước lại có chỉ số "trẻ chạy liên tục trong 150m", còn bản dự thảo "chương trình giáo dục mầm non mới" công bố tuần này lại được thay thế bằng "trẻ chạy chậm trong 80m"?
Chuẩn "5 sao" khi thông "2 chiều" sẽ tạo sự đồng thuận để thực hiện "nâng cao tầm vóc người Việt Nam" – một mục đích tốt đẹp của bộ chuẩn mà bà Phó Chủ tịch Hội bảo vệ quyền trẻ em, nguyên Thứ trưởng phụ trách mầm non của ngành giáo dục đã nói tới.

Hạ Anh (Vietnamnet)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)