Bạn thường xuyên không nhớ mình để chìa khóa ở đâu hoặc “ngủ mơ” ngay cả khi đang nói chuyện với người khác…? Đó là do cuộc sống quá bận rộn, bạn bị hội chứng giảm trí nhớ hay còn những nguyên nhân nào khác?
Có rất nhiều nguyên nhân khác gây ra chứng “lãng đãng” của bạn:
Quá tải về công nghệ thông tin
Máy tính, di động, Iphone, Ipod… đều tác động đến khả năng tập trung. Ở phương diện nào đó, bộ não của chúng ta như một người thư ký, giúp chúng ta sắp xếp công việc, tổ chức thời gian nhưng càng cố kiêm nhiệm nhiều việc, não càng khó tập trung.
Việc học các kỹ năng tổ chức cơ bản như liệt kê công việc cần làm, duy trì kế hoạch trong ngày như đã định, có thể giúp cải thiện tình trạng mất tập trung. Ngoài ra, hạn chế xem TV liên tục hay “ngồi thiền” bên internet; thậm chí đặt ra thời gian “phi công nghệ” cho cả nhà là sau khi ăn hoặc trước giờ đi ngủ… cũng giúp cải thiện tình trạng mất tập trung.
Nhưng nếu cách này không làm thay đổi tình hình thì bạn nên đi khám.
Thiếu ngủ
Khi không dành đủ thời gian để đôi mắt và não bộ được nghỉ ngơi (khoảng 7-8 giờ/ngày), bạn dễ nổi nóng, đầu óc mụ mị, không hoàn thành công việc trong ngày như dự kiến… như là đương nhiên.
Nếu ngủ không ngon giấc, không tỉnh táo khi tỉnh dậy, tính khí thay đổi thất thường, khó tập trung v.v. thì nên đi khám.
Lo lắng trong công việc
Tất nhiên, không mấy ai hài lòng hoàn toàn với công việc của mình, lúc thì lỡ lời trước mặt khách hàng, khi thì bị “sếp” nhận xét không tốt. Môi trường làm việc thiếu tổ chức, dự án kém hấp dẫn cũng khiến ta sao nhãng, kém tập trung. Điều này là lẽ thường. Nhưng nếu tình trạng này lặp đi lặp lại, bạn thường xuyên không hoàn thành công việc theo yêu cầu, không đúng hẹn, luôn bị phân tâm, luôn trục trặc với các dự án, không hứng thú với công việc v.v. thì lại là vấn đề khác. Bạn nên đổi việc… Nhưng tình hình không cải thiện dù bạn đã đổi chỗ làm vài ba lần trong năm thì giải pháp cuối cùng là đến gặp bác sỹ.
Căng thẳng
Căng thẳng dễ khiến người ta mất tập trung nhất. Giới chuyên môn cho biết, “stress” tác động trực tiếp lên các trung tâm thần kinh nhận thức – nơi chịu trách nhiệm cho ra những suy nghĩ sắc bén, nhanh nhạy.
Các nhà nghiên cứu tại Đại học Wisconsin – Madison phát hiện được rằng, những kĩ thuật thư giãn của thiền có thể giúp tăng khả năng chống phân tâm.
Lười vận động
Càng ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy tập luyện thường xuyên có thể giúp đầu óc trở nên nhanh nhẹn, sắc bén, tăng khả năng học hỏi và tăng trí nhớ. Nó hữu ích ngay cả với người mắc chứng rối loạn trí nhớ. Vận động còn giúp bạn tiêu hao bớt năng lượng dư thừa, tiêu hóa tốt, nhờ thế có giấc ngủ ngon hơn về đêm.
Lan Anh HD
Theo Tạp chí Sức khỏe
Bình luận (0)