Dù kinh tế suy giảm, nhưng trung bình cứ mỗi ngày TPHCM lại có thêm 125 chiếc ôtô và gần 1.000 môtô được đăng ký mới. Số lượng xe cơ giới tại TPHCM trong năm 2008 đã tăng với tốc độ chóng mặt.
Tại Hội nghị Tổng kết hoạt động năm 2008 của Sở GTVT TPHCM ngày 16/1, Giám đốc Sở Trần Quang Phượng cho biết: nếu tính cả xe ngoại tỉnh thì số xe cơ giới lưu thông hàng ngày tại TPHCM đã lên đến con số 5 triệu chiếc.
Trong đó, xe ôtô đang có chiều hướng tăng nhanh hơn môtô rất nhiều. Số ôtô đầu năm nay đã tăng hơn đầu năm 2008 đến 12,7%, còn số mô tô chỉ tăng 9,5%; trong khi niên hạn sử dụng xe ôtô dài gấp mấy lần xe môtô. Như vậy, trong khi số xe môtô gần như đã bão hòa, số xe tăng chỉ đủ để thay thế lượng xe loại bỏ hàng năm thì có đến gần 80% số xe ôtô là đáp ứng nhu cầu mới.
Tính đến nay thì TPHCM đã có 3.687.000 xe môtô và 371.000 xe ôtô, tổng cộng là 4.058.000 chiếc. Cộng thêm 1.000.000 xe môtô và 60.000 xe ôtô ngoại tỉnh vào TP mỗi ngày thì số xe lưu thông trên đường đã hơn con số 5 triệu chiếc. Đó là chưa kể đến 2.000.000 chiếc xe đạp và xe thô sơ các loại khác.
Trong khi đó, tỷ lệ tăng diện tích đường của TPHCM hàng năm không đến 1%. Diện tích đường hiện tại cũng không đủ để “chất” số xe mà TP hiện có, như cách nói vui của ông Phượng. Sự quá tải trên cộng với tình trạng bắt buộc phải rào đường tràn lan như hiện nay đã khiến tình trạng kẹt xe tại TPHCM diễn biết hết sức phức tạp, hầu như ngày nào cũng kẹt.
Thống kê trong năm 2008 đã có 48 vụ ùn tắc giao thông nghiêm trọng, tăng 19 vụ so với năm 2007. Dự kiến trong năm 2009 sẽ càng phức tạp hơn. Vì năm 2008 TP chỉ mới triển khai rào thi công 40% diện tích cần đào, năm 2009 sẽ rào và đào 60% còn lại nên số lô cốt, diện tích và thời gian chiếm đường sẽ tăng lên rất nhiều.
Về lý do diện tích đường chậm được mở rộng, các cơ sở hạ tầng giao thông yếu kém, nhiều chuyên gia tại hội nghị cho rằng một phần lớn là do các công trình thi công cơ sở hạ tầng luôn hoàn thành chậm tiến độ, vốn đầu tư tăng cao, hiệu quả đầu tư kém… nên ít nhà đầu tư mặn mà với công việc này. Do vậy, các chủ đầu tư là đơn vị nhà nước đều than trời.
Còn việc công trình chậm tiến độ thì ai cũng đồng tình là do công tác đền bù giải tỏa mặt bằng luôn trễ hẹn. Tuy nhiên, ông Lê Quốc Cường, Trưởng ban bồi thường giải phóng mặt bằng quận 1, lại đưa ra nhiều lý do dẫn đến công tác giải phóng mặt bằng chậm trễ là từ… chính các nhà đầu tư và quy hoạch.
Ông cho rằng: các nhà quy hoạch công trình giao thông đã không sâu sát thực tế cư trú của người dân khi quy hoạch, chính sách áp giá bồi thường chưa rõ ràng… Dẫn đến việc người dân ít đồng tình với chủ trương đền bù giải tỏa của nhà nước mỗi khi có dự án. “Làm giải phóng mặt bằng mà nói không được ép dân thì làm sao làm?”, ông Cường thốt lên.
Như vậy, “nút thắt” của việc giải quyết bài toán “hạ tầng và sự phát triển phương tiện” lại xoay trở về tay các đơn vị chủ quản ngành giao thông và xây dựng chính sách.
Tuy nhiên, để giải quyết bài toán này cần có sự phối hợp của rất nhiều ban ngành và phải có sự chỉ đạo của chính phủ. Nhưng tình thế trước mắt của TPHCM về vấn nạn kẹt xe là rất nguy cấp. Do vậy, TPHCM đã chủ động triển khai ngay 4 biện pháp hành động nhằm giảm ùn tắc trong năm 2009. Trong đó, biện pháp hạn chế xe cá nhân và tăng cường phát triển hệ thống vận tải công cộng song song nhau đã chính thức được TP phê duyệt.
Tùng Nguyên (dantri.com.vn)
Bình luận (0)