Khoa học - Công nghệSản phẩm công nghệ

5 xu hướng tiêu biểu trên các TV hiện đại

Tạp Chí Giáo Dục

Màn hình cong, thiết kế siêu mỏng giúp các TV đời mới có ngoại hình ấn tượng hơn, trong khi đó trải nghiệm hình ảnh cải tiến nhờ độ phân giải cao, công nghệ OLED hay SUHD.

4K Ultra HD trở thành trang bị tiêu chuẩn
Màn hình độ phân giải Ultra HD xuất hiện cách đây vài năm và sớm trở thành tiêu chuẩn của các nhà sản xuất thiết bị hình ảnh. Theo khảo sát của PCWorld, 92% TV trình diễn tại CES 2015 có độ phân giải 4K hoặc cao hơn, tăng đáng kể so với năm trước.
Con số trên không đồng nghĩa với việc TV 4K sẽ chiếm 92% doanh số bán trong năm 2015. Tuy nhiên điều này thể hiện xu hướng công nghệ và quyết tâm của các nhà sản xuất trong việc chinh phục người dùng bằng chất lượng hiển thị sắc nét. LG khẳng định, hơn 60% dòng sản phẩm năm nay của hãng sẽ có độ phân giải Ultra HD.
Kích thước lớn hơn
Thống kê cho biết, kích thước trung bình của TV năm 2002 là 30 inch và tăng thành 47 inch năm 2010. Sau đó, màn hình TV được giữ ở mức ổn định từ 45 đến 52 inch. Tuy nhiên trong loạt sản phẩm mới trình diễn đầu năm 2015, kích thước TV trung bình là 63 inch, tăng đáng kể so với mức 52 inch năm 2014 và 45 inch năm 2013. Dù vậy, các sản phẩm thương mại năm nay sẽ chủ yếu dao động ở mức 50 inch.
Cong và ngày càng mỏng
CRO-Electronics-CES-Sony-XBR-X-8566-5629
Sony XBR-X900C, TV mỏng nhất thế giới với "số đo" 5 mm.
Đầu năm 2015, Sony trình diễn TV màn hình siêu nét XBR-X900C với điểm mỏng nhất chỉ 5 mm. Điều này có nghĩa sản phẩm của nhà sản xuất Nhật Bản còn mảnh mai hơn hầu hết các smartphone được bán trên thị trường. Model này cũng sở hữu những công nghệ hiện đại như màn hình độ phân giải 4K, chạy Android.
Xu hướng này có thể dự đoán trước, khi Samsung và LG liên tục đưa ra các TV có thiết kế siêu mỏng. Ngoài ra, hai công ty Hàn Quốc còn chạy đua phát triển dòng TV màn cong, tối giản viền màn hình.
Mọi TV sẽ sớm dùng hệ điều hành
Theo PCWorld, 79% TV mà họ theo dõi là dòng TV thông minh. Con số này còn nhiều hơn nếu tính trên các model cao cấp. Nhà sản xuất thiết bị hình ảnh cũng liên tục làm mới các tính năng trên dòng Smart TV của mình.
Samsung chọn hệ điều hành Tizen do hãng tự phát triển. LG theo đuổi nền tảng webOS với phiên bản 2.0 nhiều cải tiến. Nhà sản xuất Panasonic tung ra loạt TV mới dùng Firefox OS. Trong khi đó tất cả các TV 4K thế hệ mới của Sony sẽ chạy Android và đây cũng là lựa chọn của Philips. 
Nâng cao chất lượng hình ảnh
lg-oled-tv-6897-1422351136.jpg
LG được cho là nhà sản xuất tiên phong và quyết tâm theo đuổi công nghệ OLED. Bằng chứng là đầu năm 2015 hãng đã giới thiệu 5 model TV OLED 4K Ultra HD với các lựa chọn màn hình phẳng, màn hình cong và cả mẫu linh hoạt có thể chuyển từ phẳng sang cong bằng nút bấm. Ưu điểm của TV OLED là khả năng hiển thị xuất sắc, thiết kế mỏng có thể đạt dưới 3 mm và trọng lượng nhẹ. Đây hứa hẹn là công nghệ thay thế LCD, LED khi mà rảo cản lớn nhất là giá bán đang được điều chỉnh.
Đối trọng với LG, Samsung trình làng TV công nghệ SUHD. Theo nhà sản xuất này, SUHD đạt độ tương phản, độ sáng và khả năng tái tạo màu sắc tốt hơn. Hệ thống cũng tự động phân tích độ sáng của hình ảnh để tối ưu hoá điện năng tiêu thụ trong khi vẫn đảm bảo chất lượng hiển thị với màu đen sâu hơn. SUHD được khẳng định có độ sáng gấp 2,5 lần TV truyền thống.
Sharp trình diễn TV AQUOS với công nghệ "Beyond 4K UHD" tại CES 2015. Như tên gọi, sản phẩm này có màn hình lên tới 66 triệu điểm ảnh, cao hơn 42 triệu so với TV 4K thông thường (hiện đa số TV 4K có số điểm ảnh là 24 triệu). Để đạt được con số ấn tượng trên, Sharp sử dụng công nghệ Quattron chia đôi mỗi điểm ảnh thành hai điểm với giá trị màu sắc riêng. Hãng điện tử Nhật khẳng định hệ thống mới có thể hiển thị nhiều màu sắc hơn bất cứ TV nào họ từng sản xuất.
Theo VNE

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)