Một tiết ôn tập môn địa của học sinh lớp 12A3 Trường THPT Lương Văn Can (TP.HCM) chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp năm 2012. Ảnh: Anh Khôi
|
Nghề sư phạm từ xưa đến nay luôn được đánh giá là nghề cần thiết, quan trọng và cao quý. Usinxki đã từng nói: “Dưới ánh sáng mặt trời, không có nghề nào cao quý bằng nghề dạy học”. Ông cha ta cũng đã từng răn dạy con cháu “không thầy đố mày làm nên”.
Tuy nhiên trước đây, do chế độ ưu đãi đối với người thầy chưa đảm bảo, khiến cho nghề sư phạm “có danh mà không có thực”, cuộc sống của người thầy nghèo khó, thanh bần; sự quan tâm chưa thỏa đáng của xã hội còn tồn tại, sự đánh giá chưa đúng của mọi người về vai trò của người thầy giáo… điều đó đã thực sự tác động không nhỏ tới xu hướng chọn nghề sư phạm của học sinh.
Sau đây chúng tôi xin đề cập 5 yếu tố cụ thể ảnh hưởng tới xu hướng chọn nghề sư phạm của học sinh.
Ảnh hưởng của nền kinh tế – xã hội
Trước đây học sinh ít có mong muốn, nguyện vọng vào học nghề sư phạm, và nếu có cũng là do bắt buộc. Những năm gần đây, do tác động của nền kinh tế – xã hội thời mở cửa, nên cách nhìn nhận, đánh giá về nghề sư phạm cũng thay đổi. Nghề sư phạm dần dần được quan tâm hơn. Nhà nước đã có những chế độ, đãi ngộ đối với giáo viên, giúp cho họ yên tâm hơn, hứng thú hơn với nghề sư phạm. Mặc dù còn một số nơi do những nguyên nhân khách quan và chủ quan, đời sống thực tế của đội ngũ nhà giáo còn gặp không ít khó khăn, tuy vậy, sự tác động tích cực của chính sách kinh tế – xã hội đã có ảnh hưởng thuận lợi đến việc chọn nghề, xu hướng nghề sư phạm của sinh viên.
Ảnh hưởng của nhà trường, thầy cô
Việc giáo dục của nhà trường, nhất là giáo dục nghề nghiệp của thầy cô khi học sinh chuẩn bị chọn cho mình một nghề “một con đường lập nghiệp mai sau” có ảnh hưởng rất lớn đến sự hứng thú và khuynh hướng nghề nghiệp của các em. Vì vậy, vấn đề dạy dỗ một cách có hệ thống trong nhà trường phổ thông sẽ giúp các em có những hiểu biết khá sâu sắc về nghề sư phạm. Đã có những tấm gương cao quý về lòng nhân hậu, sự vất vả hy sinh của các thầy cô giáo, để rồi các em đã học được tính kiên trì, sự cao thượng, vẻ vang và tầm quan trọng của nghề sư phạm. Chính điều này đã làm cho các học sinh yêu và chọn nghề sư phạm. Vì vậy có những học sinh khi bước vào lĩnh vực hoạt động nghề nghiệp đã hình thành cho mình xu hướng nghề sư phạm rõ nét. Và có thể nói nhà trường, thầy cô giáo có ảnh hưởng lớn tới việc hình thành xu hướng chọn nghề sư phạm của những sinh viên tương lai như là một tất yếu khách quan mang tính quy luật.
Nhu cầu xã hội
Khi lựa chọn nghề nghiệp, mỗi cá nhân bao giờ cũng tính đến nhu cầu của xã hội đối với nghề đó. Học nghề xong phải có điều kiện sử dụng là vấn đề luôn trăn trở, suy nghĩ không chỉ của riêng ai. Nghề sư phạm luôn là một nghề quan trọng và cần thiết đối với xã hội, ở thành phố, nông thôn… đều rất cần đến thầy giáo. Vì vậy, sinh viên ra trường không lo sợ thất nghiệp. Với những đổi mới về chính sách giáo dục hiện nay của Đảng và Nhà nước ta, nghề sư phạm ngày càng được coi trọng. Có những năm học sinh sau khi học xong phổ thông xin dự thi vào các trường sư phạm khá đông, bởi lẽ sư phạm là một trong số ít ngành còn được Nhà nước bao cấp, khi ra trường có khả năng xin được việc làm, có một công việc tương lai tương đối ổn định. Điều đó có thể giúp các em có động lực mạnh mẽ yên tâm phấn đấu, học tập, rèn luyện, phấn đấu cho hoạt động nghề nghiệp sư phạm đạt hiệu quả ngày càng cao.
Nhận thức và hứng thú nghề nghiệp
Nghề nghiệp là một lĩnh vực tồn tại khách quan, muốn chiếm lĩnh nghề nghiệp, hình thành và phát triển xu hướng nghề của cả đời thì trước hết con người phải nhận thức được nghề mà mình theo đuổi. Họ phải nhận thức được những yêu cầu đặc trưng của nghề, ý nghĩa xã hội của nghề và những đặc điểm tâm, sinh lí cá nhân cần thiết của người lao động trong nghề ấy. Nhận thức được nghề sư phạm là phải nhận thức được sự cao quý, quan trọng và cần thiết của nghề trong xã hội, đó là nghề “trồng người”, quyết định cơ bản tới nguồn nhân lực của xã hội. Nghề sư phạm là nghề tiếp xúc thường xuyên với con người, với thế hệ trẻ, nếu người thầy giáo không có hứng thú nghề nghiệp, không có lòng yêu nghề, mến trẻ, không say sưa nhiệt tình với công việc thì khó có thể kiên trì nhẫn nại, sáng tạo, nhân hậu với các em trong quá trình giáo dục và khó có thể đạt kết quả cao trong hoạt động nghề nghiệp của mình. Vì vậy, đòi hỏi người hoạt động trong lĩnh vực này phải có những phẩm chất của người thầy giáo như: Lòng yêu nghề, yêu trẻ, tinh thần nghĩa vụ, trách nhiệm, tinh thần “mình vì mọi người”, sự tôn trọng, lòng tin, sự ân cần và đức tính kiên trì… Thực tế đã cho thấy, khi học sinh có những tri thức về nghề sư phạm, có năng lực nhất định mà nghề yêu cầu… thì họ sẽ có cảm xúc với nghề, thấy được sự lôi cuốn của cái nghề sư phạm đối với bản thân và nó sẽ giúp họ tự giác say sưa học tập, phấn đấu tu dưỡng và hoàn thiện mình.
Nếu học sinh có những kiến thức về nghề sư phạm, tìm thấy cái hay, cái đẹp của nghề này thì các em có thể có xu hướng nghề sư phạm và điều đó tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động nghề của các em đạt hiệu quả cao ngay từ ngày đầu.
Năng lực sư phạm
Năng lực nghề nghiệp của cá nhân là điều kiện, phương tiện để hiện thực hóa các mục tiêu của xu hướng nghề nghiệp. Năng lực sư phạm là tổ hợp những thuộc tính tâm lí độc đáo của cá nhân phù hợp với những yêu cầu của nghề dạy học, giáo dục, đảm bảo cho hoạt động sư phạm đạt hiệu quả.
Muốn hoàn thành tốt được nghề sư phạm, người làm nghề nhất thiết phải có năng lực sư phạm. Điều đó trước hết phụ thuộc vào trình độ văn hóa của người thầy. Vì tri thức là công cụ chủ yếu của hoạt động giảng dạy, giáo dục ở nhà trường. Thực tế khi có tri thức mới có thể vượt qua kì thi tuyển vào trường – là cơ sở của việc học nghề sư phạm, để đạt được nguyện vọng, sự hứng thú nghề nghiệp sư phạm. Tri thức phổ thông luôn là nền tảng cho các sinh viên tiếp nhận tri thức nghề sư phạm ở trường – học để làm thầy giáo. Thực chất, trong mối quan hệ với các nhân tố trên, thì năng lực sư phạm là nhân tố hàng đầu quyết định sự phát triển nghề nghiệp sư phạm của mỗi cá nhân.
Tóm lại, nghề sư phạm chỉ dành cho những học sinh thực sự giỏi, thực sự có năng lực học tập.
ThS. Nguyễn Ngọc Sáng (Giảng viên Trường ĐH Nguyễn Huệ)
Việc chọn nghề của học sinh bị chi phối bởi nhiều yếu tố
Trong các yếu tố chi phối này, có cả yếu tố khách quan và chủ quan, chúng thường xuyên xâm nhập vào nhau, tác động qua lại nhau tạo nên một hệ thống động lực, chi phối sự lựa chọn nghề nghiệp của mỗi cá nhân. Tùy theo tình hình và hoàn cảnh cụ thể, hệ thống động lực này luôn linh động và biến đổi ở những mức độ khác nhau.
Yếu tố khách quan bao gồm những tác động bên ngoài có ảnh hưởng nhất định tới xu hướng nghề nghiệp như: Nền kinh tế, chính trị xã hội, truyền thống gia đình, sự khuyến khích của thầy cô, bạn bè, sự ảnh hưởng của các phương tiện truyền thông đại chúng, thị trường lao động… Yếu tố chủ quan bao gồm những tác động bên trong chủ thể, có tác dụng quyết định trực tiếp đến xu hướng nghề, đó là các yếu tố như: Nhận thức, hứng thú, năng lực, sức khỏe… của học sinh đối với hoạt động nghề nghiệp.
|
Bình luận (0)