Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

50% công chức làm việc, 50% chỉ “giữ chỗ ăn lương”?

Tạp Chí Giáo Dục

 “Chưa ai thống kê được tỷ lệ công chức làm việc thực sự và bộ phận chỉ “giữ chỗ ăn lương”. Người bi quan cho rằng tỷ lệ người làm “gánh” cả phần người ngồi chơi là 50-50” – Phó trưởng ban Dân vận TƯ Nguyễn Thế Trung nói.
Sáng 31/1, Học viện Chính trị – Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức hội thảo “Đổi mới và hoàn thiện hệ thống chính trị”. Tham gia hội thảo, Phó trưởng ban Dân vận TƯ Nguyễn Thế Trung gợi ý một vấn đề thời sự, Việt Nam là một trong những nước đứng đầu thế giới về độ cồng kềnh của bộ máy, số lượng các cán bộ công chức, từ cấp xã đến cấp TƯ. Ngân sách mỗi năm phải chi một khoản quá lớn cho việc trả lương cho bộ máy mà cuối cùng, mức lương cho mỗi người lại quá thấp.
Chất lượng đội ngũ cán bộ công chức nhà nước thì đến nay vẫn chưa ai thống kê được tỷ lệ bao nhiêu người làm việc thực sự, có hiệu quả, bao nhiêu nằm ở bộ phận “chỉ giữ chỗ ăn lương”, “sáng cắp ô đi tối cắp ô về”. Ông Trung cho biết, có người lạc quan đánh giá tỷ lệ cán bộ làm việc thực sự khoảng 70-80% nhưng người bi quan hơn cho rằng tỷ lệ người làm “gánh” cả phần người ngồi chơi là 50-50.
Dẫn lại hiện tượng xã có hàng trăm cán bộ ở Thanh Hóa mà báo chí phản ánh vừa qua cũng như hiện tượng Bộ đa ngành với rất nhiều thứ trưởng, "đẻ" ra nhiều hệ thống, tổ chức hiện nay, ông Trung “đặt hàng” các nhà khoa học giải bài toán tinh giản bộ máy để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước.
PGS.TS Trần Khắc Việt: "Khó loại bỏ những người "sáng cắp ô đi tối cắp ô về".
PGS.TS Lê Quốc Lý – Phó Giám đốc Học viện Chính trị – Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh nhắc lại phát biểu trước báo giới mới đây của Bộ trưởng – Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam về việc nhiều công chức bình thường cũng có nguyện vọng được làm việc, cống hiến. Theo ông Lý, điều đó chứng tỏ cơ chế sử dụng cán bộ của ta chưa thực sự mạnh, hiệu quả.
Giám đốc Học viện Xây dựng Đảng – PGS.TS Trần Khắc Việt – nhận định, câu hỏi về việc bộ máy hành chính rất cồng kềnh nhưng hiệu lực hiệu quả hạn chế mà lại khó loại bỏ những người không cần thiết, sáng cắp ô đi tối cắp ô về không dễ trả lời… Đi tìm nguyên nhân, ông Việt lập luận, vấn đề không phải đến giờ mới được đề cập. Các văn kiện của Đảng đã chỉ tình trạng này từ lâu (Hội nghị TƯ 4 khóa X) nhưng vẫn kéo dài, lúng túng trong cách gỡ.
Giai đoạn trước, nhiều ban Đảng đã được nhập lại, số Bộ trong Chính phủ cũng giảm khá nhiều nhưng khi thực hiện lại phát sinh những bất ổn khác. Tình trạng Bộ có nhiều thứ trưởng, cấp ủy có nhiều phó ban (có Thành ủy có đến 8-9 phó ban) đều do những quyết định của cấp cao vẫn “vướng”. Đến giờ, Đảng đã tái lập Ban Nội chính và Ban Kinh tế TƯ.
Ông Việt “hiến kế” hướng tinh giản là cố gắng lồng ghép tối đa tổ chức bộ máy. Việc lồng ghép tổ chức, theo ông Việt, không đồng nhất với việc phân định chức năng, nhiệm vụ. Yêu cầu của việc này, Giám đốc Học viện Xây dựng Đảng cho rằng, một mặt phải tinh giản, lồng ghép chức năng nhiệm vụ, một mặt phải làm rõ trách nhiệm, xã hội hóa tối đa dịch vụ công.
Đối với bộ máy công chức, trước hết phải xây dựng rõ hệ thống tiêu chuẩn chức danh. Chính phủ đã thực hiện việc này nhưng vẫn… chập chờn, không rõ. “Nếu không xây dựng được hệ thống tiêu chuẩn chức danh, khó đánh giá ai làm tốt, ai làm tệ, người làm kém cũng không muốn làm tốt hơn còn người làm kém cũng vẫn tồn tại vật vờ và vẫn 3 năm lên lương  một lần” – ông Việt đề nghị học hỏi mô hình khoán lương Nhật Bản đã áp dụng, đem lại hiệu quả nhiều năm qua.
Đảng cần chủ động hạn chế quyền sắp đặt nhân sự
TS. Tống Đức Thảo (Viện Chính trị học) nêu vấn đề, mục đích giám sát quyền lực và giám sát nhân dân đối với các cơ quan dân cử là để quyền lực không bị lạm dụng, bị tha hóa; sự ủy quyền của nhân dân đối với các cơ quan quyền lực, đối với đội ngũ cán bộ, công chức được kiểm soát. Giám sát nhân dân theo đó là một cách thức quan trọng để kiểm soát quyền lực nhà nước.
Phân tích những bất cập hiện tại, ông Thảo chỉ rõ, Quốc hội – cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất đang được bầu theo cơ chế Đảng cử, dân bầu. Toàn dân bầu Quốc hội nhưng là bầu cho những ứng viên đã được định trước theo sự sắp xếp của cấp ủy, của Đảng. Thực chất cơ chế ủy quyền này ngay từ khâu ủy quyền đầu tiên đã chưa đảm bảo thực chất quyền quyết định của người dân đối với các địa diện của mình.
Ông Thảo đề xuất, để khắc phục tình trạng ủy quyền hình thức, là nguyên nhân dẫn đến sự chồng chéo trong hoạt động Đảng và Nhà nước, Đảng cần chủ động tự hạn chế quyền sắp đặt, quyết định của mình trong việc giới thiếu các ứng viên mà thực chất là quyết định các đại biểu được bầu. “Đảng chỉ giới thiệu cán bộ của mình ra tranh cử cùng với các ứng viên tự ứng cử, ứng viên do người dân đề cử, tạo môi trường cạnh tranh thực sự mới tìm được người tài. Danh sách ứng viên cần nhiều hơn số lượng cần bầu ít nhất gấp đôi để mở rộng sự lựa chọn của người dân” – ông Thảo trình bày.
TS. Thảo cho rằng nên bổ sung quy định về bầu cử trong Hiến pháp; lập UB giám sát bầu cử có vị thế độc lập với các ảnh hưởng bên ngoài để nhằm đảm bảo phản ánh một cách trung thực lá phiếu của người dân; để người dân bầu trực tiếp người đứng đầu quốc gia, chính quyền các cấp.
Ngoài ra, ông Thảo đề cập nội dung bảo đảm quyền tự do tư tưởng, tự do ngôn luận, lập hội. Theo đó, các quyền này về mặt pháp lý đã được quy định đầy đủ trong Hiến pháp và các đạo luật nhưng trên thực tế lại bị hạn chế theo những cách khác nhau. “Sự kiểm duyệt báo chí, áp đặt tư duy và những quy ước bất thành văn hiện nay tuy không còn nặng nề như trước nhưng vẫn còn hiện diện ở một số nơi” – theo ông Thảo, khoanh lại những húy kị, những vấn đề nhạy cảm hiện nay không phải là cách bảo vệ tốt cho hệ thống chính trị mà chỉ là cách giữ gìn có tính chất bị động.
Đạo luật về tự do thông tin sẽ góp phần thể hiện tính công khai minh bạch của chính quyền và tạo điều kiện cho người dân có quyền yêu cầu các cơ quan công quyền cung cấp thông tin liên quan đến hoạt động và kết quả hoạt động của nhà nước. Sự ra đời của đạo luật đang được chờ đợi, kỳ vọng này sẽ tăng cường vai trò giám sát, điều tra của nhân dân, phương tiện thông tin đại chúng, nâng cao trách nhiệm giải trình của cơ quan công quyền.
Đại biểu Trần Đình Nghiêm phân tích, việc kiểm tra, giám sát của Đảng cần phải có sự phối hợp chặt chẽ với công tác thanh tra của Chính phủ, công tác giám sát của Quốc hội, với MTTQ và các đoàn thể xã hội.
“Nhân dân phải được giám sát quyền lực thông qua các hình thức phổ biến nhất như bầu người đại diện, bãi miễn người đại diện trong các cơ quan quyền lực. Ngoài ra người dân cũng phải có quyền phản biện với Hiến pháp, pháp luật cũng như các chủ trương lớn của nhà nước và phải được quyền bày tỏ chính kiến với những vấn đề quốc kế dân sinh”, ông Nghiêm cho rằng cơ chế tổ chức và phương thức giám sát phải tạo điều kiện để dân góp ý, phản biện cũng như để người lãnh đạo phản hồi với các ý kiến đó.
Theo DTO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)