Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

500 triệu lít bia cho tết Quý Tỵ

Tạp Chí Giáo Dục

Suy giảm sức mua, kinh tế khó khăn, lương thưởng tết bị cắt giảm… có lẽ không ảnh hưởng gì đến sở thích uống bia của người Việt. Tiêu thụ bia đang tăng trưởng tốt, và giá bia đang nhích lên dù không hề thiếu hàng.
Bất chấp kinh tế khó khăn, hoạt động kinh doanh bia vẫn sôi động nhờ nhu cầu uống bia tăng. Ảnh: Thanh Hảo
Dự kiến trong đợt tết Nguyên đán Quý Tỵ 2013 này, theo tổng hợp số liệu từ các nhà sản xuất, thị trường Việt Nam sẽ tiêu thụ hơn 500 triệu lít bia các loại. Chiếm thị phần lớn nhất là các sản phẩm của tổng công ty cổ phần bia rượu nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) với 260 triệu lít, kế đến là công ty TNHH nhà máy bia Việt Nam (VBL) trên 100 triệu lít, và tổng công ty cổ phần bia rượu nước giải khát Hà Nội (Habeco) trên 100 triệu lít, còn lại là bia nhập và bia từ 350 cơ sở sản xuất nhỏ khác trên cả nước.
Bia nhập khẩu từ Bỉ có Chimay (xanh 2.285.000 đồng/thùng, đỏ 2.250.000 đồng/thùng), Duvel (215.000 đồng/ 750ml), Leffe nâu và vàng (85.000 đồng/330ml)… Nga có Bochka (65.000 đồng/500ml), Czech có Pilsner (46.000 đồng/330ml), Nhật có Ashahi (430.000 đồng/2 lít), Saporo (75.000 đồng/500ml). Anh có Fullers (74.000 đồng/500ml). Pháp có Cadelitte (960.000 đồng/thùng 24 lon). Ireland có Guiness (1,6 triệu/thùng)…
Áp đảo về nhãn hiệu, số lượng phải kể đến bia Đức với Bitburger (540.000 đồng/thùng 5 lít), Pilsaltor (600.000 đồng/thùng 5 lít), Dab (540.000 đồng/thùng 5 lít), Bermania (30.000 đồng/lon 330ml), Oettinger 35.000 đồng/lon 330ml)… Heineken dù đã có nhà máy sản xuất tại Việt Nam, nhưng thị trường vẫn có Heineken đủ xuất xứ như từ Pháp (480.000 đồng/thùng), Hà Lan (645.000 đồng/thùng)…
Bia ê hề, giá vẫn tăng
Ba sản phẩm chủ lực của Sabeco là bia Sài Gòn đỏ, Sài Gòn Special và bia lon 333 đã tăng giá bán khoảng 5% từ ngày 15.1. Giá giao cho nhà phân phối với Sài Gòn đỏ là 122.980 đồng/két, Sài Gòn Special 167.090 đồng/két, và 333 195.745 đồng/thùng. Theo thông tin từ Sabeco, thị trường đang tiêu thụ khá mạnh, đến thời điểm này doanh số bán bia 333 đã tăng 11% và bia Sài Gòn đỏ tăng 23% so với cùng kỳ năm ngoái. Tại VBL, các nhà máy cũng đang chạy hết công suất hiện tại và nâng sản lượng tăng 20% so với năm ngoái. Công ty TNHH Sapporo Việt Nam đưa ra thị trường bán tết khoảng 2,5 triệu lít bia Sapporo, tăng gấp mười lần so với hai năm trước…
Một kết quả khảo sát tại 36 thành phố trong cả nước, cho thấy người Việt uống bia tập trung vào một số nhãn hiệu: Sài Gòn đỏ chiếm 28,1%, 333 chiếm 16%, bia Hà Nội 11,4%, và Heineken (10% đối với lon và 6,8% đối với loại chai)…
Trên thị trường bán lẻ, hiện giá các loại bia 333, Sài Gòn, Heineken, Tiger… cũng tăng thêm 15.000 – 20.000 đồng/thùng so với hai tuần trước. Giới kinh doanh bia dự báo trường hợp từ nay đến tết nếu sức tiêu thụ tăng mạnh vào giờ chót thì cũng khó xảy ra hiện tượng thiếu hàng. Bởi cạnh bia nội, thị trường các thành phố lớn còn tràn ngập bia ngoại nhập chiếm phân khúc giá cao và nhu cầu mua làm quà biếu tặng.
Chính mức giảm thuế bia nhập từ 45% xuống còn 30% trong năm 2012, cùng với sở thích bia mới lạ của người tiêu dùng đã tạo điều kiện cho bia nhập về nhiều hơn. Hiện thị trường bia ngoại đang có gần cả trăm loại thuộc 40 nhãn bia nhập từ hàng chục quốc gia như Đức, Bỉ, Pháp, Czech, Anh, Nga, Mỹ, Nhật… Ghi nhận của phóng viên tại các cửa hàng thực phẩm có kinh doanh bia khu vực Hàm Nghi, Lý Tự Trọng, Tôn Thất Đạm (quận 1), Nguyễn Tri Phương (quận 10), Nguyễn Thông (quận 3), và khu Cách Mạng Tháng Tám (Tân Bình), cho thấy, dù giá đắt gấp bốn đến gần mười lần bia sản xuất trong nước, bia ngoại năm nay xuất hiện nhiều hơn hẳn các năm trước, đa dạng về mẫu mã chủng loại như thùng 5 lít, lon 500 – 1.000ml, thùng bia bom, bia chai sứ, thùng bốn chai bốn màu… Giá bia nhập từ 450.000 đồng – trên 2 triệu đồng/thùng.
Hết tiền mua sắm vẫn mê bia
Công ty nghiên cứu thị trường Euromonitor International đánh giá Việt Nam là nước tiêu thụ bia hàng đầu Đông Nam Á với gần 2,6 tỉ lít trong năm 2011, kỷ lục uống bia của người Việt còn được công ty sản xuất bia danh tiếng Kirin Holdings của Nhật Bản ghi nhận: Việt Nam nằm trong nhóm 25 quốc gia uống bia nhiều nhất thế giới với sản lượng tiêu thụ tăng 15% mỗi năm.
Theo số liệu thống kê sơ bộ của các doanh nghiệp dẫn đầu thị trường sản xuất bia Việt Nam, trong năm 2012 thị trường Việt Nam tiêu thụ gần 3 tỉ lít bia, tức bình quân 28 – 30 lít/người/năm, và Việt Nam vẫn giữ vị trí nước thứ ba có sản lượng tiêu thụ bia cao nhất châu Á, sau Nhật và Trung Quốc.
Tính trong mười năm qua, tốc độ tiêu thụ bia của người Việt Nam đã tăng hơn 200%, cụ thể năm 2003, sản lượng bia trong nước đạt 1,29 tỉ lít, chỉ năm năm sau (2008) đã vượt mốc 2 tỉ lít, và hiện nay đã lên mức gần 3 tỉ lít.
Chính vì nhu cầu tiêu thụ liên tục tăng cao, mà các doanh nghiệp sản xuất vẫn không ngần ngại đổ vốn vào đầu tư nhà máy bia, bất chấp các ngành sản xuất khác đang gặp khó khăn. Theo bộ Kế hoạch và đầu tư, cả nước có khoảng 350 cơ sở sản xuất bia có trụ sở ở hầu khắp các tỉnh/thành và tiếp tục tăng về số lượng. Trong số này, có hơn 20 nhà máy đạt công suất trên 20 triệu lít/năm, 15 nhà máy có công suất lớn hơn 15 triệu lít/năm, và có tới 268 cơ sở có năng lực sản xuất dưới 1 triệu lít/năm. Ba đại gia sản xuất bia lớn nhất tại Việt Nam hiện nay là Sabeco, VBL và Habeco.
Hiện Sabeco cung ứng cho thị trường khoảng 1,2 – 1,3 tỉ lít bia mỗi năm, và hoạch định mục tiêu tăng trưởng sản xuất đạt 1,8 tỉ lít vào năm 2015. VBL cung ứng cho thị trường khoảng 700 triệu lít/năm, và Habeco khoảng 600 triệu lít/năm. Tính theo phân khúc, Sabeco đang dẫn đầu phân khúc bia phổ thông và chiếm 35% lượng bia bán ra trên toàn thị trường, VBL đang nắm giữ 70% thị trường ở phân khúc cao cấp với nhãn hàng Heineken.
Theo Bích Nga (SGTT.VN)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)