Con gái Thượng tá, Anh hùng Quân đội Nhân dân Việt Nam Bông Văn Dĩa bên mộ ông tại Vàm Lũng – Cà Mau (thứ 2 từ phải qua)
|
Đường Hồ Chí Minh trên biển là kết tinh của sự đoàn kết, ý chí quyết tâm chi viện vũ khí cho chiến trường miền Nam ruột thịt. Trên con đường ấy đã có biết bao con người anh dũng nằm xuống nơi đáy biển để có một con đường Hồ Chí Minh trên biển huyền thoại hôm nay.
Chuẩn đô đốc Lê Kế Lâm: Những con người huyền thoại
Chuẩn đô đốc Lê Kế Lâm (Chủ tịch Hội Khoa học – Kỹ thuật và Kinh tế biển TP.HCM) là một trong những người đầu tiên được cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp chọn đào tạo thuyền trưởng, chuẩn bị cho những chuyến tàu chở vũ khí chi viện cho chiến trường miền Nam.
Hoàn thành khóa học ở nước ngoài, năm 1962, ông Lâm về nước được phân công giảng dạy bộ môn hàng hải tại Trường Hải Quân (Quảng Ninh). Ông Lâm nhớ lại: Học viên đa phần là người miền Bắc, từ bộ binh chuyển sang. Lớp học tổ chức bí mật ở nhà dân thuộc xã Tiền An, Yên Hưng, Quảng Ninh. Thầy không biết tên trò, thông tin cá nhân và ngược lại. Học viên học kiến thức địa văn, cách sử dụng máy hàng hải và sau này học về khí tượng hải văn. Phần lớn học viên có trình độ văn hóa thấp nhưng với tinh thần quyết tâm cao độ cho những chuyến vận chuyển vũ khí vào Nam, ai nấy đều hăng say, cố gắng học tập. Ông Lâm khẳng định: Từ những kiến thức lĩnh hội được mà những sự cố trên biển lúc bấy giờ cũng hạn chế. Trước mọi tình huống, anh em thuyền trưởng đều có cách xử trí đúng. Trước đó, trong suốt 10 năm (từ 1962-1972), trong tổng số 169 chuyến tàu vào Nam thì có đến 9 chiếc phải phá hủy để giữ bí mật và 3 chiếc bị địch bắt giữ.
Chuẩn đô đốc Lê Kế Lâm
|
Kiến thức thiên văn hạn chế là nguyên nhân khiến nhiều chuyến tàu không số không vào đến nơi an toàn. Khi địch phát hiện, phong tỏa thì cứ chạy về hướng Đông, trong đó có không ít tàu không xác định được hướng. Như Đoàn 759 đi chuyến tàu đầu tiên vào Quảng Bình không thành. Hay năm 1960, thuyền trưởng Bông Văn Dĩa đi tàu gỗ vào Nam cũng bị lạc. Từ tình hình thực tế, Đoàn 125 mở thêm lớp kỹ thuật viên dẫn tàu thiên văn hàng hải theo lệnh của Tổng quân ủy. Người trực tiếp đứng lớp là ông Lê Kế Lâm. Qua các lớp, ông đã đào tạo nhiều chính trị viên, thuyền trưởng và hàng hải trưởng, là những người góp phần làm nên huyền thoại đường Hồ Chí Minh trên biển như Nguyễn Văn Đức, Nguyễn Xuân Thơm, Trần Phong, Trần Phấn… Thắng lợi giải phóng Trường Sa của Đoàn 125 sau này cũng không thể không nhắc đến Đoàn đặc công 126, đơn vị mà ông có thời gian công tác, nghiên cứu vũ khí. “Con đường Hồ Chí Minh trên biển là con đường huyền thoại từ chiến thắng huyền thoại của những con người huyền thoại”.
Đại tá – nguyên Tham mưu trưởng Lữ đoàn 125 Trần Phong: Khúc tráng ca không lỗi nhịp
Những ngày đầu mở đường, Đại tá Trần Phong là thuyền trưởng tàu Phương Đông 1. Đại tá Trần Phong bồi hồi nhớ lại: Tôi có mặt trên nhiều chuyến tàu không số kể từ tháng 4-1963 về với Đoàn 125. Chuyến đầu tiên là tàu số 5, mang bí số C55 xuất phát tại Đồ Sơn (Hải Phòng) vào tháng 7-1963. Tuy nhiên, chuyến tàu ông nhớ nhất là chuyến vào bến Vàm Lũng – Cà Mau do ông làm thuyền trưởng và người đồng chí Hồ Đức Thắng làm chính trị viên. “Tàu vào hải phận Cà Mau nhưng chưa xác định hướng vào bến thì trời sáng, nước ròng. Chúng tôi giăng bạt, kéo cờ ngụy trang. Trên máy bay Mỹ lượn quan sát. Dưới anh em ngoi ngóp dưới bùn để chuyển vũ khí. Bị phát hiện, bom từ máy bay dội xuống như mưa trút, nghĩ không ai sống sót…”.
Đại tá – nguyên Tham mưu trưởng Lữ đoàn 125 Trần Phong |
Đại tá Trần Phong sinh ra ở vùng đất giàu truyền thống cách mạng Núi Thành, Quảng Nam. Các thành viên trong gia đình đều tham gia vào các lực lượng nòng cốt phong trào giải phóng ở địa phương. Cha ông cũng vào Nam bí mật hoạt động dưới vỏ bọc là trụ trì chùa sau khi căn nhà, nơi che giấu cách mạng bị bại lộ. Dòng máu cách mạng đã thấm sâu trong ông nên dẫu ở hoàn cảnh nào, ông vẫn giữ vững ý chí và lập trường kiên định.
Trước chiến dịch Mậu Thân 1968, một số đảo ở Trường Sa bị chiếm đóng, vận chuyển vũ khí vào Nam bằng đường biển không còn thuận lợi, Trần Phong lại có mặt trên tàu số 42 mang tên Nguyên Sương Nhất Hiệu. Đại tá Trần Phong cho biết: Đây là tàu cải trang tàu cá Trung Quốc, xuất phát từ sông Đá Bạc (Hải Phòng) với hải trình ra Trường Sa và Hoàng Sa để nắm tình hình.
Đại tá Trần Phong cùng một số đồng chí vào cảng Tiên Sa, Đà Nẵng nhận nhiệm vụ khi kế hoạch điều động quân, tàu và vũ khí đã sẵn sàng cho giải phóng Trường Sa với ba biên đội do ông làm chỉ huy (lúc này là Quyền Tham mưu trưởng Lữ đoàn 125). Ba biên đội gồm tàu 673 (thuyền trưởng Nguyễn Xuân Thơm), tàu 674 (thuyền trưởng Nguyễn Văn Đức), tàu thứ 3 do thuyền trưởng Phạm Duy Tam cùng nhiệm vụ chở đại đội đặc công hải quân tiến ra đảo Song Tử Tây vào sáng 11-4-1975. Ba con tàu dũng mãnh đi ngang Hạm đội 7 của Mỹ một cách kiên cường. Tàu vượt qua san hô, đá ngầm, đài canh, trạm chỉ huy của địch và cả nhiều lô cốt ngầm để chuẩn bị cho trận mở màn chiến dịch Hồ Chí Minh trên biển và cờ giải phóng đã tung bay trên các đảo Sơn Ca, Nam Yết…
Cảm xúc khi được gặp lại đồng đội, những người từng vào sinh ra tử nơi chiến trường ác liệt, cam go, Đại tá Trần Phong chia sẻ: “50 năm, hơn nửa đời người, nói đến đường Hồ Chí Minh trên biển là nói đến những người đã nằm xuống. Đồng đội tôi là khúc tráng ca bi hùng mà những người may mắn được trở về như chúng tôi đây, dù tuổi cao sức yếu nhưng chưa bao giờ hát lỗi nhịp”.
Bài, ảnh: Trần Tuy An
Bình luận (0)