Vợ chồng BS Lê Hoàng Kầm cùng các cháu trong một chuyến đi du lịch (ảnh nhân vật cung cấp) |
Ở tuổi ngoài 70, nhiều người đã nghỉ ngơi hưởng nhàn sống bên con cháu, thế nhưng đối với vợ chồng BS Lê Hoàng Kầm và BS Lại Thị Thanh Cần (Bệnh viện (BV) ĐH Y dược TP.HCM) vẫn tiếp tục đóng góp cho ngành y những công việc có ý nghĩa với cuộc đời.
Tính từ ngày cưới nhau trong thời kỳ chiến tranh ác liệt, đến nay họ đã tròn 55 năm nên nghĩa vợ chồng gian khổ và vui sướng đều có nhau.
Để chồng yên tâm ra trận
Đến Phòng Nhân sự của BV ĐH Y dược TP.HCM lúc nào cũng gặp BS Lê Hoàng Kầm bận rộn với công việc tổ chức và những dự án xây dựng các khoa, phòng của cơ quan. Tuy nhiên đối với đồng nghiệp, BS có dáng người nhỏ nhắn này vẫn giữ một tác phong nhanh nhẹn và tinh thần cởi mở, nhiệt tình. Không ít người lấy làm ngạc nhiên nhưng sau đó có thể hiểu được vì trước đây khi công tác ở BV Đa khoa Hữu Nghị (Đồng Tháp) BS Kầm đã có 30 năm đứng ở cương vị một giám đốc.
BS Kầm nhớ lại: “Năm 1972 sau khi xây dựng gia đình, tôi được điều động vào Nam công tác. Đoàn y BS của chúng tôi vào tận các chiến trường miền Đông và miền Tây Nam bộ để phục vụ bộ đội mà chủ yếu là chăm sóc sức khỏe cho các thương bệnh binh”. BS Kầm đành tạm xa người vợ trẻ cùng hai đứa con gái chưa kịp nhớ mặt người cha. Mãi đến năm 1977 khi công tác tại BV Đa khoa Đồng Tháp, BS Kầm mới có điều kiện đưa gia đình vào TP.Cao Lãnh đoàn tụ.
Thời kỳ đó dù chồng đi vắng, một mình phải nuôi con vất vả nhưng bà vẫn sắp xếp công việc rất khéo léo để trở thành BS giỏi của Khoa Sản của BV. Đối với cha mẹ đẻ và cả cha mẹ chồng, bà luôn là người con hiếu thảo để trở thành niềm hãnh diện của cả gia đình. BS Cần tâm sự: “Có lẽ đây là thời kỳ vất vả nhất của ba mẹ con tôi khi ông nhà đi công tác xa vì cái gì cũng thiếu thốn. May mà có sự giúp đỡ và động viên của bạn bè và gia đình nên mẹ con tôi đã vượt qua tất cả”. Sau này khi vào miền Tây giảng dạy tại Trường Trung cấp Y tế tỉnh Đồng Tháp, nhà giáo Lại Thị Thanh Cần được nhiều thế hệ học sinh kính trọng vì có kiến thức sâu rộng về chuyên môn qua bài giảng và những chỉ bảo tận tình cũng như tình cảm thân thương qua các buổi thực hành giải phẫu.
Sống có nghĩa có tình
Cũng như người vợ, BS Kầm là người lãnh đạo nghiêm túc trong làm việc nhưng lại chan hòa và thân ái lúc trò chuyện nên luôn được tập thể BV kính nể. Ngoài điểm riêng, họ có một điểm chung là luôn thương yêu và biết quan tâm tới người khác. Trong thời gian công tác ở BV, cả hai vợ chồng đã giúp đỡ không biết bao nhiêu người qua cơn nguy kịch về bệnh tật nhất là những người nghèo khó, cô đơn.
Còn nhớ câu chuyện năm 1997, BS Kầm bị bệnh thập tử nhất sinh nằm ở BV Chợ Rẫy, có rất nhiều người tuy không phải là bà con nhưng đã theo xe đò hoặc chạy xe máy lên để thăm ông như một cách trả nghĩa. Tình cảm đó cho đến hôm nay ông bà vẫn còn nhớ mãi, coi đó là một kỷ niệm đẹp rất khó nhạt phai. Người tốt gặp được phước may, cuối cùng bệnh tật cũng đi qua, ông lại có cơ hội trở về sống cùng với vợ con và gia đình. Thời gian thấm thoát, ba người con của ông bà được giáo dục trong môi trường tốt đều thành đạt khi trở thành BS, dược sĩ của BV Nhi đồng 1, BV ĐH Y dược. Ông bà lại có thêm hạnh phúc khi dâu rể cùng là “đồng nghiệp” của mình tại các BV ở TP.HCM. Năm 2015 gia đình càng vui mừng hơn khi cháu ngoại Trần Minh Quang (cựu học sinh Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa) đã trở thành sinh viên của Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch.
Năm 2006, sau khi biết tin ông bà nghỉ hưu, GS.BS Nguyễn Trọng Hối – Giám đốc BV ĐH Y dược TP.HCM đã mời về cộng tác. Đến nay vừa tròn 10 năm, tuy tuổi cao nhưng tinh thần vẫn sáng suốt và thái độ làm việc của họ vẫn như xưa.
Quang Phan
Bình luận (0)